Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế, hướng dẫn thực hiện. Hoạt động này tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận thực tế, khai thác những kinh nghiệm đã có, thể nghiệm cảm xúc tích cực, phát huy sự sáng tạo và khả năng thích ứng.
Vậy hoạt động này mang đến điều gì, các giai đoạn hoạt động như thế nào, cùng The Dewey Schools khám phá thông tin trong nội dung dưới đây.
Tổng quan về hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới. hoạt động trải nghiệm (bậc tiểu học), hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp (bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Phạm vi hoạt động
Hoạt động này được thực hiện trong và ngoài lớp học hoặc trong và ngoài trường học theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp và quy mô trường.
Phạm vi triển khai của hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh
Loại hình hoạt động
Các loại hình hoạt động chủ yếu của hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là:
- Hoạt động sinh hoạt dưới cờ
- Hoạt động sinh hoạt lớp
- Hoạt động giáo dục theo chủ điểm, chủ đề
- Hoạt động câu lạc bộ
Các hoạt động có sự tham gia, phối hợp và liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường như giáo viên môn học, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí MInh, Hội cha mẹ học sinh, Phụ huynh, Ban giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân có liên quan.
Quan điểm xây dựng chương trình hoạt động
Chương trình hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học và chương trình trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT nhấn mạnh các quan điểm sau:
- Chương trình xây dựng trên lý thuyết về hoạt động, lý thuyết về học tập trải nghiệm, lý thuyết về nhân cách và lý luận giáo dục nói chung. Bên cạnh đó là các ưu điểm của chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp hiện hành. Chương trình còn chú trọng bến bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa truyền thống và các giá trị văn hóa chung của thời đại; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chương trình hoạt động.
- Chương trình hoạt động đảm bảo sự nhất quán, tính chỉnh thể và phát triển liên tục các các lớp học, các cấp học và được thiết kế theo hướng vừa đồng tâm, vừa tuyến tính, vừa xuyên suốt từ bậc tiểu học đến THPT (từ lớp 1 đến lớp 12). Các mạch nội dung hoạt động của chương trình mang tính thống nhất gồm hoạt động của bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng nghiệp và hoạt động hướng đến tự nhiên.
- Chương trình hoạt động đảm bảo tính linh hoạt và tính mở, cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động lựa chọn phương thức, nội dung, không gian, thời gian phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên cần đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu giáo dục, các yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất đối với mỗi lớp học, cấp học.
Quan điểm về hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh
Yêu cầu cần đạt
Các yêu cầu cần đạt bao gồm yêu cầu về phẩm chất chủ yếu và yêu cầu về năng lực, cụ thể:
- Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu: Hoạt động góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu đã được quy định trong chương trình tổng thể theo các mức độ phù hợp với mỗi cấp học.
- Yêu cầu cần đạt về năng lực: Hoạt động cho học sinh trải nghiệm, hướng nghiệp giúp hình thành, phát triển năng lực tự học và tự chủ, giao tiếp và hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề được biểu hiện qua các năng lực đặc thù. Trong đó năng lực đặc thù bao gồm năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động.
- Năng lực thích ứng với cuộc sống: Năng lực thích ứng với cuộc sống là năng lực đáp ứng được các yêu cầu và khả năng điều chỉnh bản thân để thích ứng với sự thay đổi trong đời sống hàng ngày. Năng lực thích ứng hình thành dựa trên sự hiểu biết về đặc điểm môi trường sống, đặc điểm cá nhân, sự sẵn sàng thay đổi và chuẩn bị các kỹ năng, điều kiện khác nhau cho hoàn cảnh mới.
- Năng lực định hướng nghề nghiệp: Năng lực định hướng nghề nghiệp là khả năng lựa chọn được hướng học tập hay hướng nghề nghiệp phù hợp với hứng thú, sở thích, năng lực, phẩm chất của bản thân căn cứ vào những hiểu biết về nghề nghiệp hoặc nhóm nghề. Từ đó có kế hoạch hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu của định hướng nghề nghiệp.
- Năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động: Năng lực thiết kế hoạt động là khả năng lập kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ hoạt động, tạo động lực cho bản thân, thu hút người khác, hỗ trợ và tìm kiếm sự hỗ trợ, linh hoạt điều chỉnh hoạt động, tư duy độc lập, sáng tạo trong giải quyết vấn đề, đánh giá một cách khách quan kết quả hoạt động.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh mang đến điều gì?
Hoạt động cho học sinh trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động cho người học. Đồng thời, hoạt động này góp phần hình thành, phát triển năng lực chung và các phẩm chất chủ yếu cho trẻ quy định trong chương trình tổng thể. Cụ thể:
Đối với cấp tiểu học
Đối với cấp tiểu học hoạt động trải nghiệm giúp người học hình thành thói quen tích cực, chăm chỉ lao động trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở trường, tại nhà và tại địa phương. Trẻ biết cách tự đánh giá, tự điều chỉnh bản thân, hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa, có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh tiểu học tạo thói quen tích cực, chủ động
Xem thêm: Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học có gì nổi bật và đặc biệt
Đối với cấp THCS
Hoạt động cho học sinh trải nghiệm, hướng nghiệp tạo điều kiện để trẻ củng cố thói quen tích cực, nề nếp trong công việc, học tập và sinh hoạt. Các em sẽ hình thành hành vi giao tiếp ứng xử có văn hóa, tập trung vào phát triển trách nhiệm của cá nhân bao gồm trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình và trách nhiệm với cộng đồng.
Từ hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp trẻ hình thành các giá trị của cá nhân theo chuẩn mực chung, hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Các em biết cách tổ chức công việc một cách khoa học, có hứng thú và hiểu biết về một số lĩnh vực nghề nghiệp. Bên cạnh đó học sinh có ý thức rèn luyện những phẩm chất cần thiết của người lao động. Sau khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản, trẻ lập được kế hoạch rèn luyện và học tập phù hợp định hướng nghề nghiệp.
Đối với cấp THPT
Đối với cấp THPT, sau hoạt động cho học sinh trải nghiệm, hướng nghiệp các em phát triển được năng lực, phẩm chất đã hình thành ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Học sinh có khả năng thích ứng với điều kiện học tập, điều kiện sống và làm việc khác nhau. Đồng thời các em thích ứng được với những thay đổi của xã hội hiện đại, hội nhập.
Bên cạnh đó, quá trình trải nghiệm, hướng nghiệp rèn luyện và nâng cao khả năng tổ chức công việc, tổ chức cuộc sống và quản lý bản thân. Trẻ có khả năng phát triển hứng thú với nghề nghiệp và đưa ra quyết định chọn nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó các em sẽ xây dựng được kế hoạch rèn luyện bản thân để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, gặt hái được thành công và trở thành người công dân có ích.
Nội dung hoạt động cho học sinh trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của học sinh với bản thân, học sinh với xã hội, với nghề nghiệp và với tự nhiên. Hoạt động được tổ chức thành 4 mạch hoạt động cụ thể là:
- Hướng vào bản thân
- Hướng đến xã hội
- Hướng đến tự nhiên
- Hướng nghiệp
Đối với cấp THPT, hoạt động trải nghiệm giúp các em phát triển năng lực, kỹ năng học tập hiệu quả
Các giai đoạn của hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh
Hoạt động tổ chức cho học sinh trải nghiệm và hoạt động tổ chức cho học sinh trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia thành 2 giai đoạn bao gồm giáo dục cơ bản, giáo dục định hướng nghề nghiệp. Đặc điểm cụ thể như sau:
Giai đoạn giáo dục cơ bản
Hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở cấp tiểu học có nội dung tập trung vào các hoạt động khám phá và rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với thầy cô và bạn bè, phát triển quan hệ với người thân trong gia đình. Bên cạnh đó còn có các hoạt động xã hội, tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với trẻ sẽ được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
Hoạt động cho học sinh trải nghiệm và hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở có nội dung tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp. Động thời hoạt động hướng vào bản thân để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh vẫn được tiếp tục triển khai.
Tham khảo: Hướng dẫn quy trình thiết kế hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp
Giai đoạn sau của hoạt động cho học sinh trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài các hoạt động giáo dục hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên ở cấp trung học phổ thông, nội dung hoạt động sẽ tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Mục tiêu chính của giai đoạn giáo dục này nhằm phát triển năng lực, định hướng nghề nghiệp.
Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh sẽ tự đánh giá và được đánh giá về sở trường, năng lực, sự hứng thú liên quan đến nghề nghiệp. Đây chính là cơ sở để trẻ tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp, đồng thời rèn luyện năng lực, phẩm chất để thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai.
Các giai đoạn của hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp
Phương thức hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp
Định hướng chung của phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là phát huy tính tích cực, sáng tạo và chủ động của học sinh, làm cho mỗi học sinh sẵn sàng tham gia trải nghiệm một cách tích cực. Thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có đã có áp dụng vào cuộc sống học sinh được tạo điều kiện để trải nghiệm, sáng tạo, hình thành, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định dựa trên ý tưởng, tri thức mới thu được.
Hoạt động cần tạo điều kiện cho học sinh suy nghĩ, phân tích, khái quát hóa để kiến tạo kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng mới. Các phương pháp giáo dục được lựa chọn linh hoạt, sáng tạo, phù hợp cho trẻ như phương pháp giáo dục bằng tập thể, tranh luận, thuyết phục, nêu gương, khích lệ và động viên, tạo sản phẩm…
Một số phương thức hoạt động cho học sinh trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp chủ yếu:
Phương thức khám phá
Phương thức khám phá là cách tổ chức hoạt động tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm thế giới tự nhiên, thực tế công việc và cuộc sống để tìm hiểu, khám phá, phát hiện vấn đề từ môi trường xung quanh. Từ đó bồi dưỡng những cảm xúc tích cực và tình yêu quê hương, đất nước cho trẻ. Nhóm phương thức tổ chức khám phá bao gồm nhiều hoạt động như cắm trại, tham quan, thực địa và các phương thức tương tự khác.
Phương thức khám phá trong tổ chức hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp
Phương thức thể nghiệm
Phương thức thể nghiệm, tương tác là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh giao lưu, thể nghiệm và tác nghiệp ý tưởng. Nhóm phương thức tổ chức phương thức thể nghiệm phổ biến như diễn đàn, hội thảo, đóng kịch, trò chơi, hội thi và các phương thức tương tự khác.
Phương thức cống hiến
Phương thức cống hiến là các tổ chức hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho trẻ mang lại những giá trị xã hội bằng sự cống hiến hay đóng góp của bản thân thông qua các hoạt động có ích. Nhóm phương thức tổ chức bao gồm nhiều hoạt động như lao động công ích, tình nguyện nhân đạo, tuyên truyền và các phương thức tương tự khác.
Phương thức nghiên cứu
Phương thức nghiên cứu là cách tổ chức hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tham gia các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. Thông qua những trải nghiệm thực tế trẻ đề xuất những giải pháp giải quyết vấn đề một cách khoa học. Nhóm hình thức tổ chức phương thức này bao gồm các hoạt động như điều tra, khảo sát, làm dự án nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật, công nghệ hay các phương thức tương tự khác.
Phương thức nghiên cứu
Sinh hoạt lớp
Sinh hoạt lớp là phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp phổ biến được áp dụng cho hầu hết các lớp học, cấp học. Đối với hình thức sinh hoạt này bao gồm sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp với nội dung đánh giá chủ yếu tập trung và sự đóng góp của trẻ cho các hoạt động tập thể và thực hiện có kết quả các hoạt động chung của tập thế. Ngoài ra có những đánh giá thường xuyên khác về các yếu tố như tinh thần, thái độ, động cơ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực đối với hoạt động chung trong quá trình tham gia hoạt động.
Đánh giá tổng quát là sự kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cộng đồng và đánh giá của phụ huynh học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp là người chịu trách nhiệm tổng hợp và đưa ra kết quả đánh giá tổng quát.
Như vậy, kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá định kỳ và đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất. Kết quả đánh giá có thể được phân mức theo quy định để tiến hành xếp loại. Kết quả đánh giá hoạt động cho học sinh trải nghiệm hay hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được ghi vào hồ sơ tương đương với 1 môn học
Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và thực hiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực. Nội dung bài viết trên đây The Dewey Schools đã tổng hợp và cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động này mời phụ huynh và giáo viên cùng tham khảo. Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật tin tức mới nhất có liên quan đến lĩnh vực giáo dục nhé.
Có thể bạn quan tâm:
- Chương trình ngoại khóa cho học sinh cấp 2 có gì nổi bật và hấp dẫn?
- 7 chương trình ngoại khóa cho học sinh cấp 3 hấp dẫn, nổi bật