I. TUYÊN BỐ CHÍNH SÁCH BẢO VỆ TRẺ EM
Tại TDS, chúng tôi cam kết mang lại một môi trường giáo dục chất lượng cao, an toàn và lành mạnh nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần và phúc lợi cho Học sinh. Bằng trách nhiệm của mình và thông qua các hành động phù hợp, chúng tôi (bao gồm tất cả Giáo viên, Nhân viên và các bên liên quan) cam kết thúc đẩy hoạt động bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, xâm hại, bạo lực, bỏ bê và tệ nạn xã hội. Khi có nguyên nhân hợp lý để nghi ngờ về việc quyền của trẻ em bị vi phạm, chúng tôi sẽ sử dụng mọi nguồn lực trong khả năng cao nhất để khôi phục các quyền đó, để TDS trở thành nơi Phụ huynh tìm đến, Học sinh yêu thích và Nhân viên tự hào.
Chúng tôi đảm bảo rằng:
- Tất cả trẻ em sẽ được đối xử bình đẳng, tôn trọng và đều có quyền được bảo vệ và phát huy quyền lợi của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em của Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như Quy tắc đạo đức của CIS.
- Không khoan nhượng đối với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến lạm dụng, xâm hại, bạo lực, bỏ bê, tệ nạn xã hội trong Cơ sở trường học.
- Có các quy trình, hướng dẫn bảo vệ trẻ em đi kèm với Chính sách này và được truyền đạt, triển khai cho tất cả các Giáo viên, Nhân viên và các bên liên quan thông qua hoạt động đào tạo, tuyên truyền và cam kết tuân thủ.
- Tạo điều kiện cho Phụ huynh hoặc người giám hộ trẻ em tham gia đóng góp ý kiến cho hoạt động liên quan đến bảo vệ trẻ em.
- Tất cả các Giáo viên và Nhân viên của Nhà trường đều được chọn lọc thông qua chu trình tuyển dụng an toàn và hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm và hành động đối ứng phù hợp (bao gồm việc thông báo, hợp tác với các cơ quan chức năng nếu cần).
II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Chính sách này điều chỉnh các nguyên tắc thực hiện và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ trẻ em tại Trường Phổ thông Dewey (TDS).
2. Đối tượng áp dụng
- Ban Lãnh đạo Trường học;
- Giám đốc Học thuật/Giám đốc Chương trình, Phó Giám đốc Học thuật/Phó Giám đốc Chương trình, Hiệu trưởng và Hiệu phó, Trưởng Bộ phận;
- Giáo viên, Nhân viên, Cộng tác viên, Thực tập sinh; Tình nguyện viên;
- Học sinh và Phụ huynh;
- Các bên khác có liên quan đến Cơ sở trường học (Khách, Đối tác, Nhà thầu, v.v.) làm việc tại Cơ sở trường học.
II. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ VÀ TỪ VIẾT TẮT
1. Giải thích từ ngữ
Các thuật ngữ tham chiếu trong Bộ từ điển định nghĩa các từ ngữ và từ viết tắt và theo quy định của Pháp luật.
- Trẻ em: Theo Chính sách này được hiểu là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn.
- Bảo vệ trẻ em: được hiểu là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, là một trong lĩnh vực thuộc An toàn trường học.
- Môi trường giáo dục: là tất cả các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển của người học.
- Xâm hại trẻ em: Được hiểu là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, lạm dụng, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Các hành vi xâm hại trẻ em gồm các hành vi sau:
- Lạm dụng thể chất và lạm dụng tinh thần: Được hiểu là một hình thức ngược đãi trẻ em, có thể về thể chất, tình dục hoặc tình cảm. Bỏ bê là cũng là một hình thức lạm dụng; bóc lột tình dục là một hình thức lạm dụng tình dục. Một người có thể lạm dụng một đứa trẻ bằng cách gây tổn hại hoặc không hành động để ngăn chặn tổn hại. Trẻ em có thể bị lạm dụng trong gia đình hoặc trong môi trường thể chế hoặc cộng đồng bởi những người quen biết, hoặc đôi khi là bởi những người khác. Việc lạm dụng có thể diễn ra hoàn toàn trực tuyến trên mạng, hoặc công nghệ có thể được sử dụng để tạo điều kiện lạm dụng ngoại tuyến. Trẻ em có thể bị lạm dụng bởi một hoặc nhiều người lớn hoặc bởi một hoặc nhiều trẻ em khác
- Lạm dụng đồng đẳng: Bao gồm mọi hành vi bạo lực, bắt nạt, quấy rối hoặc bất kỳ hành vi nào gây tổn thương về thể chất, tinh thần hoặc tâm lý đối với Học sinh bởi một hoặc nhiều Học sinh khác.
- Bạo lực trẻ em: Được hiểu là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
- Bạo lực học đường: được hiểu là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
- Bắt nạt hoặc Bắt nạt học đường: được hiểu là một dạng Bạo lực học đường, là hành vi tiêu cực, dùng sức mạnh thể chất hay tinh thần để đe dọa, làm tổn thương đến người khác của một hoặc nhiều học sinh đối với những cá nhân khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân mình.
- Bỏ rơi hoặc Bỏ bê hoặc Bỏ mặc trẻ em: được hiểu là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
- Bóc lột trẻ em: Được hiểu là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
- Xâm hại tình dục trẻ em: Được hiểu là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
- Bỏ rơi hoặc bỏ bê hoặc Bỏ mặc trẻ em: Được hiểu là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
- Tệ nạn xã hội: là hiện tượng có tính tiêu cực, biểu hiện thông qua các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật hiện hành, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ trong xã hội, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho các cá nhân, gia đình và xã hội. Bao gồm nhưng không giới hạn ở: tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm, tệ nạn cờ bạc, tệ nạn mê tín dị đoan, tệ nạn rượu bia.
- Phúc lợi của Học sinh: đề cập đến hoạt động và khả năng về tâm lý, nhận thức, xã hội và thể chất mà Học sinh cần để đảm bảo sức khỏe tinh thần và xác định được những khó khăn trong học tập và các vấn đề khác của học sinh để đưa ra các hình thức hỗ trợ kịp thời.
IV. CÁC NGUYÊN TẮC ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO TRẺ EM
1. Tuyển dụng an toàn
Tại Trường Phổ thông Dewey, chúng tôi thiết lập các Quy định và Quy trình tuyển dụng để tuyển dụng được những Giáo viên, Nhân viên không chỉ đáp ứng tốt về trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục của Việt Nam và Khung năng lực của Nhà trường mà còn bảo vệ Học sinh khỏi mọi tổn hại về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn trẻ em, góp phần nâng tầm giáo dục Việt Nam.
Trong mọi trường hợp, TDS có quyền không tuyển chọn ứng viên nếu trong quá trình tuyển dụng cho thấy ứng viên đó không phù hợp để làm việc với trẻ em hoặc là mối lo ngại với trẻ em. Cơ sở trường học sẽ không tuyển hoặc thuê bất cứ người nào đã từng bị kết án vì lạm dụng, xâm hại, bạo lực và tệ nạn xã hội hay những vi phạm tương tự.
2. Hệ thống quản lý, giám sát
Cơ sở trường học xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và trao đổi thông tin nhằm tạo môi trường hỗ trợ tích cực cho việc phản hồi, báo cáo các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, như:
- Vai trò, trách nhiệm của các thành viên tham gia giám sát, quản lý được chỉ định cụ thể và truyền đạt rõ ràng để đảm bảo rằng tất cả mọi người liên quan đều hiểu rõ.
- Giám sát, theo dõi, đánh giá và hỗ trợ liên tục cho tất cả các Giáo viên, Nhân viên để đảm bảo rằng các chính sách, quy định, quy trình, hướng dẫn… liên quan đến bảo vệ trẻ em được hiểu, được thực hiện và mọi vấn đề hoặc thắc mắc đều được xử lý nhanh chóng khi có phát sinh.
- Tuân thủ quy định về việc lưu trữ và bảo mật thông tin liên quan bảo vệ trẻ em.
- Tiếp nhận ý kiến đóng góp từ Phụ huynh, tổ chức bên ngoài cho công tác quản lý và giám sát về an toàn trường học.
3. Quy tắc ứng xử
Quy tắc ứng xử được xây dựng và cập nhật phù hợp với TDS bao gồm các hướng dẫn về hành vi phù hợp của Giáo viên, Nhân viên và các bên liên quan đối với trẻ em. Đồng thời, cũng cho phép trẻ em biết những hành vi nào được coi là không phù hợp để tránh những hiểu lầm tiềm ẩn có thể dẫn đến những cáo buộc về lạm dụng, xâm hại, bạo lực, bỏ bê và tệ nạn xã hội.
Ngoài ra Nhà trường cũng xây dựng các quy trình hướng dẫn xử lý khi phát hiện hoặc nghi ngờ các tính huống vi phạm quyền bảo vệ trẻ em: lạm dụng, bắt nạt, xâm hại, bạo lực, bỏ bê và tệ nạn xã hội.
4. Hoạt động đào tạo
- Tất cả Giáo viên, Nhân viên đều phải tham gia khóa đào tạo về Chính sách bảo vệ trẻ em trước khi làm việc tại Trường và tham gia đào tạo thường niên trong các năm tiếp theo. Các Giáo viên, Nhân viên được hiện diện về cách nhận biết các dấu hiệu liên quan đến lạm dụng, bắt nạt, xâm hại, bạo lực, bỏ bê và tệ nạn xã hội bao gồm cách thức tiếp cận và báo cáo.
- Đào tạo Học sinh tại Trường về các nội dung an toàn trẻ em phù hợp với từng độ tuổi, bao gồm đào tạo kỹ năng tự bảo vệ an toàn, giáo dục giới tính toàn diện cho Học sinh và cách thức báo cáo, tố giác khi có vi phạm về quy tắc ứng xử với trẻ em.
- Khách, Đối tác, Nhà thầu và các bên liên quan cần được truyền thông, phổ biến và cam kết tuân thủ về quy tắc ứng xử, chính sách, quy định, quy trình, hướng dẫn… liên quan đến bảo vệ trẻ em trước khi làm việc tại Trường.
5. Báo cáo và hành động
- Nguyên tắc của báo cáo và hành động phải đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em và dựa trên các cấp độ bảo vệ trẻ em như Cấp độ phòng ngừa, Cấp độ hỗ trợ, Cấp độ can thiệp được quy định theo Luật trẻ em.
- Nhà trường cung cấp hệ thống báo cáo liên quan đến bảo vệ trẻ em cho tất cả đối tượng đang làm việc trong phạm vi Cơ sở trường học, bao gồm hướng dẫn, biểu mẫu báo cáo, bảo mật và lưu trữ thông tin liên quan.
- Khi thấy có sự vi phạm Chính sách bảo vệ trẻ em, người phát hiện sẽ thực hiện báo cáo vi phạm đến DSL (Designated safeguarding lead – Trưởng nhóm an toàn học đường được chỉ định) theo các quy trình hướng dẫn báo cáo và tiếp nhận xử lý các vấn đề an toàn trường học.
- Nhà trường áp dụng các cách xác định hành vi lạm dụng, lạm dụng đồng đẳng, xâm hại, bỏ mặc trẻ theo độ tuổi, cũng như các phương pháp tiếp cận và hỗ trợ trẻ trong trường hợp bị tổn thương để những người bị ảnh hưởng trong và sau cáo buộc liên quan đến Chính sách bảo vệ trẻ em giảm thiểu tác động tiêu cực.
6. Cách thức xử lý các vi phạm
- Đối với Giáo viên, Nhân viên: Trong trường hợp cáo buộc được đưa ra từ một nguồn thông tin có thể kiểm chứng, cá nhân bị cáo buộc sẽ bị đình chỉ công tác trong khi chờ kết quả điều tra độc lập để đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ khỏi các nguy cơ tổn hại có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Đồng thời, Nhà trường đưa ra các quy định cho các hình thức kỷ luật và các hành động khác để đảm bảo rằng việc bảo vệ trẻ em được thực hiện.
- Đối với Khách, Đối tác, Nhà thầu: Khi nhận được bất kỳ mối lo ngại nào liên quan đến vi phạm quyền bảo vệ trẻ em Nhà trường sẽ đình chỉ các hoạt động của Khách, Đối tác, Nhà thầu đó tại Cơ sở trường học và phối hợp với Cơ quan chức năng liên quan để điều tra và xử lý theo quy định của Pháp luật.
- Đối với Phụ huynh và Người giám hộ: Khi nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Phối hợp với cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình để xác minh tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu.
- Đối với Học sinh: Nhà trường đưa ra Chính sách kỷ luật để xử lý các vi phạm của Học sinh trong quá trình học tập tại Nhà trường, trong đó bao gồm các vi phạm liên quan đến lạm dụng đồng đẳng hoặc các vi phạm khác liên quan đến chính sách bảo vệ trẻ em.
V. CHÍNH SÁCH HÒA NHẬP VỀ GIỚI TÍNH
Chính sách này nhằm tạo ra một môi trường học tập và làm việc hòa nhập, tôn trọng và bình đẳng cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, bản dạng giới, hay xu hướng tình dục. Nhà trường cam kết thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, đảm bảo rằng mọi người đều được đối xử bình đẳng, công bằng, tôn trọng sự đa dạng và có cơ hội phát triển toàn diện.
Việc thúc đẩy giáo dục giới tính toàn diện như Sự phát triển của con người, Tôn trọng và bình đẳng giới, Quan hệ xã hội, Kỹ năng cá nhân, Tình dục và định hướng suy nghĩ, Sức khỏe tình dục, Ảnh hưởng của xã hội, … Nhà trường sẽ triển khai trong quá trình giảng dạy và học tập nhằm trang bị cho Học sinh trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết và tạo ra một môi trường học tập an toàn và hòa nhập cho tất cả Học sinh.
Khi nhận được báo cáo về việc phân biệt đối xử và quấy rối, Nhà trường sẽ tiến hành theo cách thức xử lý vi phạm theo nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ em.
VI. ĐẢM BẢO AN TOÀN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Nhà trường cam kết tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn, lành mạnh và bảo mật, ngăn chặn các hành vi xâm hại, bắt nạt và lạm dụng trên không gian mạng. Nhà trường xây dựng chính sách sử dụng công nghệ có trách nhiệm để đưa ra các quy định, hướng dẫn về bảo mật thông tin, sử dụng internet an toàn, phòng chống bắt nạt và lừa đảo trên mạng cho Học sinh và giúp giáo dục, nâng cao nhận thức của Phụ huynh và Học sinh khi cho phép Học sinh sử dụng không gian mạng.
Khi nhận được báo cáo về các hành vi xâm hại, bắt nạt hoặc lừa đảo trên mạng, Nhà trường sẽ tiến hành theo cách thức xử lý vi phạm theo nguyên tắc bảo mật thông tin và đảm bảo an toàn cho trẻ em.