6+ bệnh học đường thường gặp ở trường học có thể bạn không biết

Sức khỏe học đường hiện là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Trong đó phòng chống các bệnh học đường là 1 điểm nóng là phụ huynh chú ý đến nhiều nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ.

Dưới đây, The Dewey Schools đã tổng hợp thông tin về 6+ căn bệnh mà học sinh thường gặp ở trường học, chúng ta cùng tìm hiểu nhé. 

6+ bệnh học đường thường gặp ở trường học

Bệnh học đường là những căn bệnh mà trẻ có thể mắc phải trong quãng thời gian đi học. Những bệnh này có liên quan đến điều kiện học tập về ánh sáng, vệ sinh, chuẩn mực của phòng học, thiết kế bàn ghế… 

Bệnh học đường: Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là một trong những căn bệnh phổ biến ở lứa tuổi từ 8 – 14 và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê, trên thế giới ước tính cứ khoảng 40 trẻ sẽ có 1 em bị vong vẹo cột sống với mức độ khác nhau. Nguyên nhân dẫn tới bệnh học đường này chủ yếu là do trẻ ngồi học không đúng tư thế kéo dài, kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn hoặc mang vác quá nặng, gây tác động xấu đến cột sống và trở thành tật. Bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cơ thể của trẻ trong quá trình lớn lên và khi trưởng thành. 

Để phòng tránh nguy cơ cong vẹo cột sống, người lớn cần rèn cho trẻ tư thế ngồi đúng ngay từ đầu. Học sinh cần hình thành thói quen ngồi thẳng lưng, cột sống vuông góc với mặt bàn, ngực không được tựa vào thành bàn và tránh gập cổ về phía trước. Tư thế ngồi học phải thoải mái, không gò bó, lưng chạm vào phần tựa lưng của ghế, ngực không tì sát vào thành bàn. 

Bên cạnh đó cần chú ý trang bị bàn ghế ngồi học cho trẻ có kích thước phù hợp với lứa tuổi. Hạn chế trẻ phải mang vác những vật quá nặng, hay luyện tập thể thao với cường độ cao. Phụ huynh cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ chất để hệ xương của con phát triển chắc khỏe. Nên cho trẻ bổ sung canxi, uống sữa, ăn nhiều rau xanh và hoa quả…

benh-hoc-duong-o-truong-hoc-01

Cong vẹo cột sống là một trong các bệnh học đường phổ biến nhất

Tật khúc xạ mắt

Tật khúc xạ mắt là bệnh học đường thường gặp ở học sinh, chủ yếu là cận thị và viễn thị. Ước tính có khoảng 15% trẻ đang trong độ tuổi mắc bệnh cận thị và con số này đang có nguy cơ ngày càng tăng. Tật khúc xạ mắt khiến trẻ không thể nhìn rõ đồ vật, chữ viết… gây ảnh hưởng xấu cho quá trình học tập và sinh hoạt hàng ngày. 

Nguyên nhân bệnh khúc xạ mắt với học sinh thường là do trẻ học trong điều kiện ánh sáng không đủ hoặc thường xuyên ngồi quá xa hoặc quá gần bảng. Do đó khiến mắt thường xuyên phải điều tiết, nheo lại mới nhìn rõ được. Vì vậy, cách phòng tránh bệnh học đường này hiệu quả nhất là đảm bảo nguồn sáng cho lớp học. Không nên cho trẻ xem tivi, ngồi quá gần hay quá xa nhiều. Bên cạnh đó cần bổ sung đủ lượng vitamin A cho trẻ bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá, cà rốt… hoặc uống thuốc hỗ trợ.

Bệnh viêm đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh xuất hiện khi vi trùng xâm nhập vào đường tiểu và lưu lại trong các cơ quan trong cơ thể. Hầu hết các vi trùng có hại nếu bị cơ thể đào thải ra ngoài theo hệ bài tiết sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nếu gây viêm nhiễm có thể dẫn đến các bệnh như viêm thận, viêm bàng quan…

Để giúp con phòng tránh bệnh học đường viêm đường tiết niệu phụ huynh cần sớm hướng dẫn con cách giữ gìn vệ sinh các cơ quan đường tiết niệu. Chúng ta còn cần phải chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế đồ ăn nhiều đường, đồ ăn quá mặn, nhiều protein để tránh dẫn đến tạo thành sỏi bàng quang và thận. Lưu ý trẻ không nhịn đi vệ sinh, phải ăn chín, uống sôi, đầy đủ dinh dưỡng. 

>>>Xem thêm: Quy định về an toàn thực phẩm trong trường học

Bệnh răng miệng học đường

Theo khảo sát, bệnh răng miệng thường gặp ở lứa tuổi học đường là sâu răng và viêm lợi. Thông thường nguyên nhân là do các em học sinh ăn uống không khoa học, ăn nhiều đồ ngọt và vệ sinh răng miệng không đúng cách. Từ đó dẫn đến vi khuẩn gây viêm nhiễm lợi, chân răng, ăn mòn răng xuất hiện làm xuất hiện bệnh. Thậm chí, nhiều trẻ còn bị sún răng, mất răng không chỉ ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai mà còn gây mất thẩm mỹ khuôn mặt. 

Ngoài ra, bệnh răng miệng là bệnh học đường có thể gây đau rức, ảnh hưởng đến tủy răng, dây thần kinh vùng miệng có nguy cơ khiến răng hỏng hoàn toàn. Răng sâu, viêm lợi… không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà có tính lây lan ảnh hưởng đến sinh hoạt lâu dài. 

Vậy đâu là cách phòng ngừa bệnh răng miệng học đường hiệu quả? Trẻ cần được hướng dẫn và thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày. Không nên dùng tăm xỉa răng, thay vào đó nên dùng tăm nước hoặc chỉ nha khoa. Định kỳ phụ huynh nên thay bàn chải cho con 3 tháng 1 lần và hạn chế trẻ ăn đồ ngọt, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

benh-hoc-duong-o-truong-hoc-02

Bệnh răng miệng tại trường học

Bệnh béo phì

Béo phì ở trẻ là nỗi lo và vấn đề quan tâm của nhiều nước phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện nay tình trạng béo phì ở tuổi học sinh ngày càng tăng và đáng lo ngại. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh học đường này có thể do ăn uống không khoa học, trẻ lười hoạt động hoặc do yếu tố di truyền. Đây là căn bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến trẻ thiếu tự tin mà còn dẫn tới nhiều bệnh làm ảnh hưởng sức khỏe như tim mạch, xương khớp…

Để phòng tránh bệnh béo phì cho trẻ, cần rèn luyện cho các bé chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh. Trẻ cần thường xuyên vận động, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có hại chứa chất béo, đồ ngọt, thức uống có ga… Áp dụng cho con chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý kết hợp vận động thường xuyên, chơi thể thao, thư giãn sau giờ học để có sức khỏe ổn định. 

Bệnh rối loạn sức khỏe tinh thần

Rối loạn sức khỏe tinh thần là bệnh học đường thường gặp ở trẻ bao gồm chứng rối loạn tư duy học hành (hội chứng Down…), rối loạn hành vi ứng xử như chứng tăng động, rối loạn tâm lý như trầm cảm… Các chứng rối loạn tinh thần có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần khiến trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, căng thẳng, kém tập trung, sợ hãi… Nhiều trẻ tìm đến chất kích thích, làm dụng rượu, thuốc lá… để giải quyết bệnh tật, thậm chí nghiêm trọng hơn là tự sát. 

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn sức khỏe tinh thần tuổi học đường có thể do môi trường sống và học tập bị bạo lực, phân biệt đối xử, lạm dụng tình dục, hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn… Bên cạnh đó có những học sinh rối loạn do bẩm sinh, di truyền. Những trẻ phải học tập quá tải, thời gian học phân bố không hợp lý hoặc bị phụ huynh gây áp lực ép học liên tục không được thư giãn, giải trí cũng dẫn đến bệnh học đường này. 

Phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, thấu hiểu và bảo vệ trẻ để giúp con phòng tránh bệnh tật. Hãy thiết lập cho trẻ môi trường sống, học tập lành mạnh, đầy tình yêu thương, khuyến khích con bộc lộ cảm xúc của mình. Ngoài ra chúng ta cần chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần để trẻ luôn mạnh khỏe, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách một cách vững vàng. Hãy dành thời gian chất lượng bên con, khuyến khích, rèn luyện trẻ tự lập trong cuộc sống. 

Phòng chống bệnh tật học đường đang là vấn đề cấp bách cần đến sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Các em học sinh cần được bảo đảm môi trường giáo dục có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, đúng tiêu chuẩn và phù hợp với lứa tuổi. Chương trình học tập của các em cần được bố trí khoa học, kết hợp giữa học tập, nghỉ ngơi và thư giãn để đảm bảo sự cân bằng. Gia đình nên chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất cho sự phát triển toàn diện. 

benh-hoc-duong-o-truong-hoc-03

Rối loạn tinh thần là bệnh học đường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ

>>>Xem ngay: Tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

Vai trò của y tế trong trường học

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước có quyền được chăm sóc, được bảo vệ, được học tập đảm bảo cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ. Trẻ em và học sinh chiếm ⅓ dân số, theo các chuyên gia nếu được giáo dục tốt, chăm sóc tốt sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, sự phát triển của kinh tế và xã hội trong tương lai. 

Trong khi, giai đoạn học sinh là lứa tuổi đang hoàn thiện về tinh thần, thể chất, trí não, hành vi, lối sống. Môi trường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ bị dễ mắc phải bệnh học đường. Hiện nay nhiều nước trên thế giới coi trường học là nơi tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi lối sống và hành vi cho trẻ. Thông qua các hoạt động giáo dục, rèn luyện, cải thiện điều kiện chăm sóc, môi trường học tập để giúp thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện. 

Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề phòng chống bệnh học đường ngày càng được quan tâm. Tổ chức triển khai xây dựng trường học giáo dục nâng cao sức khỏe cho học sinh, phòng chống bệnh tật học đường đã và đang được tổ chức trên phạm vi cả nước. Các trường học đầu tư đồng bộ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình và hoạt động giảng dạy. Đây được đánh giá là những việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế chung của khu vực và toàn thế giới. 

Đội ngũ nhân viên y tế học đường của hệ thống giáo dục được trang bị kiến thức, kỹ năng để đảm nhiệm nhiều công việc như: sơ cứu tai nạn thương tích, phòng chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính, phòng chống bạo lực học đường, truyền thông – giáo dục học sinh có hành vi sức khỏe phù hợp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý, phòng chống bệnh tật học đường phổ biến… Để triển khai đầy đủ và kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ, nhân viên y tế chiếm vị trí quan trọng và cần thiết đối với quá trình này. 

Vai trò của hoạt động y tế trường học tập trung công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm tại học đường. Cán bộ y tế đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện sơ cấp cứu trong trường hợp trẻ bị tai nạn, thương tích, ốm… tại trường trước khi chuyển viện. Đặc biệt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ, nhân viên y tế là người tham mưu cho Ban giám hiệu tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe. các chương trình phòng chống dịch bệnh tại trường học.

vai-tro-cua-y-te-trong-truong-hoc

Nhân viên y tế chiếm vị trí quan trọng với quá trình phòng chống bệnh học đường

Chăm sóc, quản lý bệnh học đường tại trường học

Chăm sóc, quản lý bệnh học đường tại trường học là hoạt động thuộc Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 do Chính phủ ban hành theo quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021. Chương trình nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về tinh thần, thể chất cho học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục, quản lý và bảo vệ sức khỏe của trẻ và học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt. 

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định 5 nhóm nội dung, 7 nhóm giải pháp thể hiện sự quyết tâm và khát vọng vào việc chăm sóc sức khỏe cho tương lai của đất nước về: 

  • Bảo vệ, chăm sóc và quản lý sức khỏe cho học sinh và trẻ em
  • Giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao trong trường học
  • Tổ chức bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý tại học đường
  • Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý, thống kê, báo cáo và giám sát
  • Tuyên truyền, giáo dục trong trường học về sức khỏe học đường

Trong những năm vừa qua đã có một số dự án, chương trình đã được đưa vào học đường nhằm thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của học sinh, trẻ em như tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh học đường, vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng… Tuy nhiên những chương trình này thực hiện với phạm vi riêng lẻ, triển khai ở một số trường học hay địa phương, không đồng bộ. 

quan-ly-benh-hoc-duong-tai-truong-hoc

Chăm sóc sức khỏe học đường để trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 là bước khởi đầu cho quá trình mang tính thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường tổng thể, chính thống, toàn diện với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chương trình đã lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe của học sinh, trẻ em trên cả nước tránh triển khai chồng chéo hay trùng lặp. 

Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, đây là chương trình sức khỏe học đường thiết thực, có ý nghĩa cùng với những trách nhiệm, hy vọng lớn lao dành cho trẻ em học sinh môi trường học tập an toàn, thân thiện. Chương trình tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe học đường. 

Cùng với việc triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ chương trình góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các ngành, các cấp trong việc thực thi nhiệm vụ, chính sách, tạo sự liên kết và thống nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ và học sinh. Kỳ vọng chương trình sẽ mang đến những thay đổi tích cực trong trường học, nuôi dưỡng thế hệ Việt Nam năng động, khỏe mạnh và trường thành. 

Trên đây là các thông tin chi tiết được tổng hợp từ Dewey Schools về các bệnh học đường phổ biến. Bên cạnh đó là sự nhấn mạnh về vai trò của y tế học đường và Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, trẻ em cần được định hướng, giảng dạy và cung cấp những kiến thức tối thiểu về bệnh và cách phòng tránh bệnh tật học đường. Các em cần điều kiện mọi mặt phát triển cân đối sức khỏe về tinh thần và thể chất từ gia đình, nhà trường và xã hội. 

>>> Xem thêm: Sức khỏe học đường – Bảo vệ sức khỏe toàn diện cho học sinh

Tác giả bài viết

Bài viết liên quan