Người lớn chúng ta không phải ai cũng biết cách quản lý cảm xúc. Vì vậy, trẻ em trong độ tuổi mầm non càng khó tự điều chỉnh cảm xúc của mình nếu không có sự hướng dẫn từ bố mẹ và nhà trường. Bạn có thể dễ dàng thấy những em bé đang lăn ra đất và khóc lóc “ăn vạ” nhưng ngay sau đó lại toét miệng cười. Đây đều là do bé chưa biết cách tự quản lý cảm xúc dẫn đến những biểu hiện tiêu cực. Vậy tầm quan trọng của quản lý cảm xúc là gì và những cách giúp học sinh quản lý cảm xúc tốt nhất? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này bạn nhé!
1. Kỹ năng quản lý cảm xúc là gì?
Kỹ năng quản lý cảm xúc có thể hiểu đơn giản là cách mà con người nhận ra cảm xúc thật của mình trong tình huống đó và hiểu được ảnh hưởng của loại cảm xúc này với bản thân và người khác. Đồng thời, bản thân có kỹ năng tự điều chỉnh và thể hiện cảm xúc theo một cách phù hợp nhất.
Kỹ năng quản lý cảm xúc được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như kiềm chế cảm xúc, xử lý cảm xúc hay làm chủ cảm xúc của mình. Con người biết cách quản lý cảm xúc sẽ giúp giảm căng thẳng trong giao tiếp và thương lượng hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn mang tính xây dựng. Nhìn chung, kỹ năng này cần kết hợp với kỹ năng ứng xử, ứng phó với sự việc và kỹ năng tự nhận thức để có kết quả tốt nhất.
Một đứa trẻ biết tự quản lý cảm xúc của mình sẽ có cách ứng xử, hành vi phù hợp với yêu cầu của tình huống đó. Ngoài ra, chúng biết cách tự làm dịu bản thân khi buồn, giảm cảm xúc tiêu cực tránh bộc phát ra ngoài quá nhiều.
Các nhà tâm lý cho rằng, mọi đứa trẻ khi sinh ra đều có khả năng bẩm sinh trong việc từ điều chỉnh cảm xúc những kỹ năng này có thể mai một do môi trường sống và các tác động từ bên ngoài. Bồi dưỡng kỹ năng tự quản lý cảm xúc cho trẻ là vấn đề rất quan trọng cần được các bố mẹ và giáo viên trực tiếp giảng dạy cho trẻ quan tâm đúng mực.
2. Vì sao kỹ năng quản lý cảm xúc lại cần thiết với học sinh?
Quản lý cảm xúc là kỹ năng cần học hỏi ngay từ những năm tháng đầu đời. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và tâm lý của trẻ sau này. Biết cách xoa dịu những cảm xúc tiêu cực giúp trẻ tránh những xung đột thường xảy ra với bạn bè, thầy cô và bố mẹ. Những em bé biết cách quản lý cảm xúc của mình luôn nhận được sự yêu mến và tin tưởng từ những người xung quanh.
Cách trẻ kiểm soát bản thân khỏi những cơn giận dữ giúp trẻ tránh các cảm xúc tiêu cực và hành vi bốc đồng. Biết cách xoa dịu cảm xúc giúp trẻ có tâm lý vững vàng đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống hàng ngày.
Nhìn chung, kỹ năng quản lý cảm xúc ở trẻ cần được trau dồi mỗi ngày tại gia đình và trường học. Cần có sự thống nhất giữa phương pháp củng cố kỹ năng này ở cả hai môi trường kể trên giúp trẻ kiểm soát được bản thân một cách tốt nhất và thoát khỏi những cơn giận dữ, bốc đồng hay những hành động thiếu suy nghĩ khi gặp những tình huống không mong muốn.
3. Những cách giúp học sinh quản lý cảm xúc hiệu quả
Để giúp các học sinh quản lý cảm xúc hiệu quả nhất cần có sự chung tay giữa nhà trường và gia đình. Sự nhất quán trong cách giáo dục giúp trẻ tiếp thu dễ dàng và lâu dài hơn. Một số những cách giúp trẻ quản lý cảm xúc bạn có thể tham khảo như sau:
3.1. Đặt ra quy tắc cho trẻ
Việc đặt ra quy tắc trong gia đình và lớp học là cách tốt nhất giúp trẻ hình thành những thói quen tốt. Mỗi quy tắc là một điều “bất khả xâm phạm” mà trẻ cần thực hiện sao cho phù hợp, tránh bị phạt nếu vi phạm quy tắc. Một số quy tắc trong lớp học và gia đình có thể đặt ra như không được nói tục, không được vứt đồ ăn hay không được đánh nhau và có hình phạt thích đáng nếu vi phạm.
3.2. Giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình
Một đứa trẻ trong độ tuổi mầm non có thể không hiểu được cảm xúc của mình. Trong lúc buồn bã hay cảm thấy tức giận, trẻ có thể phản ứng thái quá dẫn đến những cảm xúc tiêu cực cho trẻ và những người xung quanh. Trong trường hợp này, giáo viên và bố mẹ phải giúp trẻ nhận biết cũng như gọi tên được cảm xúc của mình. Ngoài ra, hãy có hướng gợi ý hành vi phù hợp giúp trẻ cân bằng cảm xúc một cách tốt nhất.
Dạy trẻ tên của những cảm xúc như buồn, vui, sợ hãi, tức giận và giải thích một cách cặn kẽ sự khác nhau giữa những cảm xúc này và ý nghĩa của hành động phù hợp. Bố mẹ cần có cách động viên trẻ kiềm chế sự tiêu cực khi giận giữ và cách bộc lộ cảm xúc ở mức vừa phải trong từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn bố mẹ không nên sử dụng ngôn ngữ ra lệnh nhưng không được buồn hay đừng sợ mà hãy tìm cách nói chuyện mềm mại hơn.
3.3. Hướng dẫn trẻ kỹ năng giải quyết tình huống
Nếu bạn đang trong một hoàn cảnh mất kiểm soát vậy làm thế nào để có thể bình tĩnh lại? Hãy quan tâm cảm xúc của mình và hướng dẫn trẻ học theo cách làm ấy. Tuy nhiên, khi hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề bố mẹ cần nhìn nhận kỹ hoàn cảnh và khả năng của trẻ để có bước xử lý tình huống phù hợp.
Ví dụ như con bị bạn giành đồ chơi, con có thể bình tĩnh nói chuyện với bạn: “Để mình chơi xong đã nhé, xong mình sẽ cho bạn mượn” hoặc con đưa cho bạn món đồ chơi khác để lấy lại món đồ chơi yêu thích của mình. Tránh hướng bé đến tình huống bạo lực ảnh hưởng đến tâm lý và an toàn của trẻ nhỏ.
3.4. Dạy trẻ các câu nói tích cực
Những câu nói tích cực sẽ giúp trẻ xoa dịu cảm xúc và kiềm chế những cơn giận dữ hàng ngày. Bạn có thể dạy bé những câu nói đơn giản mang ý nghĩa tích cực mà con có thể tự nói với bản thân ví dụ như: “Mình có thể làm tốt hơn”, “Mình có thể bình tĩnh lại”, “Mình đã rất cố gắng rồi”, “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Hãy hướng trẻ đến một tình huống cụ thể để con tự có cách giải quyết và thực hành những câu nói kể trên.
3.5. Khen thưởng rõ ràng
Khi trẻ có những hành vi tốt và biết cách xoa dịu những cơn tức giận của mình hãy đưa ra những phần thưởng hấp dẫn động viên trẻ. Điều này giúp trẻ có thêm động lực để cố gắng và thay đổi hình ảnh bản thân ngày một tốt hơn.
3.6. Thống nhất hình thức kỷ luật
Dù tình huống diễn ra trong nhà hay ở ngoài thì hình thức kỷ luật khi trẻ làm sai cần được thống nhất. Hãy cho trẻ thấy dù ở đâu, lúc nào khi trẻ làm sai đều có hình phạt thích đáng và chú ý giữ thói quen này lâu dài để giúp trẻ hiểu được hình thức thưởng phạt của gia đình với hành vi của mình.
3.7. Bố mẹ hãy là tấm gương sáng
Bố mẹ và giáo viên là tấm gương tốt trong quản lý cảm xúc là cách tốt nhất giúp trẻ học theo và hoàn thiện bản thân. Hãy kiểm soát hành vi của mình để trở thành tấm gương tốt cho con học tập và noi theo thông qua những tình huống hàng ngày.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ năng quản lý cảm xúc cho học sinh mầm non. Hy vọng đây sẽ là các kiến thức bổ ích giúp bố mẹ trau dồi kỹ năng cho trẻ hiệu quả nhất.
> >> Xem thêm: Kỹ năng giao tiếp và ứng xử rất cần thiết để phát triển tính cách ở học sinh