Lớp 1 không chỉ là giai đoạn khó khăn với trẻ mà còn khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Con chuyển từ giai đoạn vui chơi sang học hành nghiêm túc nên khó thích nghi, nhiều trẻ lười học, thiếu tập trung khiến cha mẹ tốn nhiều công sức để rèn luyện.
Vậy đâu mới là cách dạy trẻ lớp 1 lười học hiệu quả, để con trở nên chăm chỉ, tự giác và học tập tốt? Dewey Schools sẽ cùng phụ huynh đi tìm giải đáp cho vấn đề đau đầu này.
Cha mẹ “đau đầu” vì trẻ lớp 1 lười học
Con chăm chỉ học hành, đạt thành tích tốt là mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế giai đoạn 5 – 10 tuổi nhiều cha mẹ thường rất phiền vì việc học của con cái. Thậm chí, có những trẻ còn thể hiện thái độ không thích học, lười học, không chịu làm bài tập về nhà. Việc con ngồi vào bàn học là cả sự cố gắng nhắc nhở, thúc giục thậm chí là ép buộc từ cha mẹ.
Tình trạng này không chỉ có ở trẻ lớp 1 lười học mà có những trẻ trước đó rất thích học, chăm học “tự nhiên” lười học cũng làm phụ huynh lo lắng. Nhiều cha mẹ than phiền con trước đó thông minh, tiếp thu nhanh nhưng gần đây lại không còn thích học, tỏ ra chán nản. Mặc dù đã sử dụng nhiều cách như treo thường, động viên nhưng con vẫn trốn tránh việc học làm phụ huynh “đau đầu”.
Trẻ lớp 1 lười học là nỗi lo của nhiều phụ huynh
Với vô vàn áp lực từ công việc, cuộc sống nhưng sau 1 ngày dài ở công sở, cha mẹ lại phải kèm cặp, dạy dỗ nhưng con vẫn không muốn học, không hiểu bài nên dễ dẫn đến căng thẳng. Nhiều phụ huynh sau khi khuyên nhủ, giục giã, phân tích… không hiệu quả đã quát nạt, dùng đòn roi để răn đe nhưng tình hình lại càng xấu đi.
Các chuyên gia giáo dục đã khuyến cáo việc áp dụng đòn roi hay quát mắng không phải là cách giúp con học hành tự giác, chăm chỉ. Hơn nữa, nếu cha mẹ liên tục ép con ngồi học, kèm cặp sát sao càng khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi. Bên cạnh đó cách làm này còn khiến trẻ trở nên thụ động, phụ thuộc vào cha mẹ, không còn hứng thú học bài và gia tăng áp lực tâm lý.
Vậy đâu mới là cách hay để dạy trẻ lớp 1 lười học? Trước tiên, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao con lười học, từ đó tìm ra biện pháp giúp trẻ khắc phục sớm tình trạng này.
Nguyên nhân nào khiến trẻ lớp 1 lười học?
Trên thực tế, chúng ta thấy rằng cha mẹ thường than phiền nhiều nhất về tình trạng lười học của con vào thời điểm lớp 1. Ở giai đoạn này đa phần trẻ còn ham chơi, chưa có sự tập trung, không hứng thú với việc học tập. Bên cạnh đó, chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học, con cần thời gian để thích nghi với môi trường mới sau đó với dần thay đổi để phù hợp.
Ngoài ra, trẻ lớp 1 lười học còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến là:
Trẻ chưa nhận thức được vai trò của việc học
Trẻ còn nhỏ chưa nhận thức được vai trò của việc học, không có mục tiêu rõ ràng để hướng đến nên không có động lực để đạt được điều gì đó. Từ đó dẫn tới việc trẻ mất sự hứng thú, lười học thậm chí trước đó đã từng chăm chỉ và yêu thích việc học. Khi mới bắt đầu học, con có thể tò mò, chịu tiếp thu, khám phá nhưng khi việc học lặp đi lặp lại dần khiến trẻ nhàm chán và không thích học nữa.
Trẻ lớp 1 lười học có thể do chưa ý thức được vai trò của học tập
Trẻ lớp 1 lười học do dạy học không đúng cách
Mỗi đứa trẻ có năng lực học tập, khả năng tiếp thu khác nhau, vì vậy nếu phụ huynh không thực sự hiểu con, không áp dụng phương pháp dạy học đúng cách sẽ dẫn đến mất hứng thú học tập. Không chỉ quan tâm dạy dỗ trẻ, cha mẹ cần thực hiện đúng cách, hiểu tình trạng học tập và môi trường có ảnh hưởng như thế nào đến con để áp dụng những biện pháp giúp trẻ tiến bộ.
Trẻ lớp 1 lười học do phải chịu áp lực học tập
Mặc dù con học hành giỏi giang là ước muốn của các bậc phụ huynh, nhưng không có nghĩa là chúng ta ép con học thật giỏi. Nhiều cha mẹ muốn con học thật nhiều để theo kịp bạn bè, liên tục so sánh con với bạn bè khác, muốn con trở thành niềm kiêu hãnh. Nhưng khi trẻ không đạt được kỳ vọng, phụ huynh sẵn sàng biểu hiện sự thất vọng, mắng hay dùng đòn roi để con tiếp tục cố gắng.
Tất cả những điều này vô tình trở thành áp lực khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi và sợ học. Khi không đạt được thành tích như ý, trẻ dễ cảm thấy bản thân yếu kém, trở nên tự ti, không tìm thấy niềm vui trong học tập, sống khép kín, nhiều trường hợp chống đối, không chịu học.
Trẻ mất tập trung học vì các yếu tố tác động xung quanh
Một nguyên nhân khiến trẻ lớp 1 lười học đó là trẻ không thể tập trung học vì xung quanh có quá nhiều yếu tố tác động như trò chơi điện tử, tivi, tiếng ồn, điện thoại… Những chương trình giải trí thu hút, trò chơi hấp dẫn sẽ khiến trẻ đam mê thay vì việc học.
Ngoài ra, những tác động tâm lý tiêu cực khác như bất hòa trong gia đình, cha mẹ thờ ơ và lơ là với con cái cũng là những nguyên nhân khiến trẻ ghé học. Môi trường là yếu tố tác động quan trọng đến tâm lý của trẻ, nếu tác động đó là tiêu cực thì rất khó để con học tập tốt.
Trẻ lớp 1 lười học do phải chịu áp lực học tập
Trẻ gặp vấn đề về sức khỏe
Đối với những trẻ gặp vấn đề về sức khỏe hay khuyết tật học tập như thiếu ngủ, rối loạn lo âu, tăng động giảm chú ý, trầm cảm… cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám, chữa trị kịp thời. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức có thể gây ảnh hưởng đến học tập, nếu chúng ta ép con học như đứa trẻ bình thường con sẽ thấy áp lực, mệt mỏi. Trường hợp này người lớn cần cần tìm hiểu kỹ để chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Các phương pháp dạy trẻ lớp 1 lười học cha mẹ cần biết
Trẻ lười học là nỗi lo lắng chung và cũng là vấn đề mà nhiều phụ huynh mong muốn tìm cách giúp con học tập tự giác, hiệu quả. Chắc chắn việc quát mắng, đe dọa, ép buộc là phản khoa học và khiến con chịu thêm áp lực, nhưng đâu mới là phương pháp tốt nhất cho trẻ? Cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp dạy trẻ lười học đơn giản dưới đây để áp dụng ngay tại nhà.
Khuyến khích niềm đam mê học tập của trẻ
Khi trẻ thực sự hiểu vai trò của việc học tập với đối với bản thân, con sẽ tự giác để đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy để dạy trẻ lớp 1 lười học thì cha mẹ hãy giúp con nhận thức được tầm quan trọng của việc học với sự phát triển tương lai, sự phát triển của bản thân và chịu trách nhiệm về hành trình học tập của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tạo cho con niềm yêu thích và cảm hứng với việc học ngay từ những ngày đầu tiên. Chỉ khi thực sự yêu thích trẻ mới tự giác học không cần phải nhắc nhở hay kèm cặp. Phụ huynh nên dành cho con 1 góc học tập thoải mái, được tự lựa chọn mẫu bàn ghế học yêu thích, tránh xa các yếu tố gây mất tập trung. Động viên, công nhận sự tiến bộ của con, mỗi ngày nên tạo cho trẻ thêm niềm vui.
Cha mẹ cần khơi gợi niềm đam mê học tập ở trẻ lớp 1 lười học
Lập kế hoạch học tập rõ ràng
Việc so sánh, ép buộc con phải đạt được thành tích học tập theo ý cha mẹ là việc làm không đúng đắn, có thể gây ra áp lực và sự sợ hãi, mệt mỏi cho cả 2 bên. Tuy nhiên cùng con lập kế hoạch với những mục tiêu rõ ràng lại là động lực cho trẻ tự phấn đấu và là cách thúc đẩy trẻ lớp 1 lười học cố gắng học tập tốt hơn
Ví dụ về việc lập kế hoạch: Mục tiêu mỗi ngày là hoàn thành bài tập về nhà và tìm hiểu về bài học tiếp theo. Mục tiêu dài hơn là đạt điểm cao trong kỳ thi học kỳ với kế hoạch ôn thi chi tiết.
Phụ huynh nên dành thời gian trao đổi về điểm mạnh, điểm yếu để trẻ phát huy và sửa đổi. Đồng thời cùng con lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn dựa theo năng lực của trẻ. Hãy đồng hành cùng con, nhắc nhở, động viên để giúp trẻ từng bước hoàn thành mục tiêu và rèn luyện thói quen làm việc theo những gì đã định. Khi trẻ làm tốt cha mẹ có thể khích lệ bằng những phần thưởng hay món quà nho nhỏ.
>>> Xem ngay: Hướng dẫn 6 bước lập kế hoạch học tập đơn giản, hiệu quả
Dạy trẻ lớp 1 lười học với phương pháp phù hợp
Phần lớn phụ huynh không có chuyên môn trong việc giảng dạy trẻ học. Trong giai đoạn trẻ học lớp 1, giáo viên là người hiểu rõ ràng nhất về năng lực của mỗi học sinh. Do đó để cải thiện kết quả học tập của con, phụ huynh nên kết hợp với giáo viên tìm ra phương pháp dạy học tại nhà tốt nhất. Đồng thời chúng ta cũng sẽ nắm được tình hình học tập của trẻ trên lớp để có biện pháp hỗ trợ tại nhà.
Việc trẻ lười học có thể xuất phát từ phương pháp dạy và phương pháp học không đúng cách. Cha mẹ nên tìm hiểu các phương pháp dạy học phù hợp, đồng thời dạy con các cách học mới mẻ thay cho cách ghi chép truyền thống. Chúng ta có thể cùng con học thông quá các thí nghiệm, bài hát, bài thơ, thẻ màu, các vật dụng thân thuộc… Các trò chơi hấp dẫn học mà chơi, chơi mà học cũng là phương pháp giúp trẻ học tốt, ghi nhớ nhanh hơn.
Lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp đối với trẻ lớp 1 lười học
Phát huy tiềm năng của trẻ
Rất nhiều phụ huynh luôn so sánh con mình với con nhà người khác, khiến trẻ cảm thấy mình kém cỏi, tự ti, mất đi sự tự tin. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ lớp 1 lười học, chán học và nghĩ rằng mình không bao giờ học giỏi bằng bạn bè khác,.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có khả năng riêng của mình, đều có thể trở thành thiên tài. Con có thể không giỏi về các môn học tự nhiên nhưng con có năng khiếu thể thao, con có thể không làm tính giỏi nhưng con viết văn hay… Cha mẹ nên là người quan sát, trò chuyện, tìm hiểu, lắng nghe để phát hiện tiềm năng và phát huy sở trường của trẻ. Từ đó, hãy tạo điều kiện để trẻ được học môn học yêu thích, con sẽ hứng thú với việc học tập. Việc học tốt, học giỏi môn học nào đó giúp trẻ trở nên tự tin, chủ động học tập, đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra dễ dàng hơn.
Dạy trẻ lớp 1 lười học: Loại bỏ thói quen không tốt
Thay vì cấm đoán, quát mắng cha mẹ nên cùng con loại bỏ các thói quen phá vỡ hứng thú học tập như:
- Làm trẻ mất tập trung khi học: Chúng ta nên giữ yên lặng trong không gian học tập để giúp trẻ tập trung hơn. Cha mẹ không nên nói chuyện quá lớn, mở tivi to, cho các bạn nhỏ khác vui đùa xung quanh khiến con ghen tị vì mình phải học còn người khác được chơi.
- Không quan tâm đến vấn đề mà trẻ hứng thú: Phụ huynh nên cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sở thích với trẻ bởi thái độ của chúng ta rất quan trọng trong con mắt nhìn nhận của con cái. Ví dụ khi trẻ khoe đã vẽ được bức tranh đẹp nhưng cha mẹ không quan tâm khiến con thất vọng.
- Thường xuyên nhắc con học: Nhiều cha mẹ nhắc nhở hàng ngày yêu cầu con ngồi vào bàn học dẫn đến thói quen trẻ phụ thuộc, ỷ lại và mất đi sự tự giác.
- Nhắc lại vấn đề cũ, lỗi lầm của trẻ: Trong trường hợp trẻ mắc lỗi, phụ huynh nên đưa ra phân tích đúng sai hoặc hình phạt phù hợp để con rút kinh nghiệm. Tuy nhiên việc nhắc đi nhắc lại lỗi lầm sẽ khiến trẻ có ấn tượng không tốt, thậm chí chống đối cha mẹ.
- Bênh trẻ khi bị giáo viên phạt: Trong trường hợp con bị giáo viên phạt vì lười học, không tập trung trên lớp cha mẹ lưu ý tuyệt đối không bênh trẻ. Chúng ta nên phân tích để con thấy việc làm đó là sai, bị phạt là đương nhiên để trẻ biết nhận sai và không tái phạm.
- Thường xuyên khen thưởng: Khen thưởng trẻ liên tục với những phần thưởng có giá trị là không nên, bởi nó có thể gây ra tình trạng trẻ học vì thành tích. Tuy nhiên chúng ta cần công nhận con bằng lời khen hay món quà nhỏ khích lệ để trẻ phát huy những việc làm tốt và có động lực phấn đấu học tập hơn.
Loại bỏ các yếu tố gây mất tập trung cho việc học của trẻ
Hiện nay, chúng ta có thể tìm hiểu rất nhiều phương pháp dạy trẻ lớp 1 lười học, để giúp con học tập hứng thú và đạt kết quả mong đợi. Tuy nhiên phụ huynh nên kết hợp với giáo viên để tìm hiểu về tình hình học tập của con trên lớp để hỗ trợ kịp thời giúp con có hành trình đến trường vui vẻ và có động lực hơn.
Trên đây là một số mẹo hay để “trị bệnh” trẻ lớp 1 lười học khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Hy vọng thông qua bài viết này, cha mẹ sớm tìm ra được những cách dạy con em mình thú vị và mang lại hiệu quả tốt nhất. Dewey Schools luôn sẵn sàng cùng phụ huynh đồng hành với các em học sinh hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ.
Nhiều phụ huynh quan tâm:
- Bật mí cách dạy con học chữ chuẩn bị vào lớp 1 đúng đắn
- Hướng dẫn cách dạy trẻ lớp 1 đánh vần nhanh chóng