Khi con bước vào tiểu học, hầu hết phụ huynh cùng chung nỗi lo sợ con khó thích nghi, khó theo kịp bạn bè, bởi lớp 1 có quá nhiều khác biệt so với bậc học trước. Trên thực tế nhiều trẻ có cảm giác hoang mang, lo sợ gây ảnh hưởng ít nhiều đến học tập.
Vậy làm thế nào để trẻ thích nghi với môi trường học tập mới nhanh chóng? Hãy cùng Dewey Schools chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1 một cách tốt nhất cha mẹ nhé.
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1
Chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học là giai đoạn trẻ có nhiều biến chuyển về tâm lý. Trong đó bao gồm tâm lý lứa tuổi và cả tâm lý khi phải rời xa gia đình, môi trường học tập cũ sang trường mới. Vì vậy, chúng ta rất dễ chứng kiến cảm giác lo âu, căng thẳng, khóc lóc hay níu lấy cha mẹ của trẻ. Việc hiểu tâm lý, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 cho con sẽ giúp bé nhanh chóng làm quen với việc đến trường.
Chuẩn bị tâm lý tốt giúp trẻ nhanh thích nghi với môi trường học tập mới
Đối với trẻ hướng ngoại
Nếu con bạn là đứa trẻ hướng ngoại, bé sẽ nhanh hòa nhập, rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Dựa vào tính cách của con, cha mẹ có thể chuẩn bị tâm lý học lớp 1 cho con bằng cách dẫn con đi tham quan trường học, lớp học trước khi đi học chính thức. Những đứa trẻ hướng ngoại luôn thích chạy nhảy và chơi đùa cùng bạn bè, nói chuyện với giáo viên.
Phụ huynh có thể căn cứ theo khả năng sở thích của con để tạo cho bé sự hứng thú với ngôi trường mới của mình. Ví dụ nếu con thích đá bóng, chúng ta nên đưa con đến nhìn ngắm và thử đá bóng trong sân bóng đá của trường… Khi trẻ tìm thấy có niềm yêu thích đến trường con sẽ giảm đi cảm giác lo sợ, lạ lẫm.
Đối với trẻ hướng nội
Những em bé hướng nội thường ít nói, rụt rè nên cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với môi trường học tập mới. Cha mẹ cần kiên nhẫn để giúp con chuẩn bị tâm thế vững vàng:
- Chuẩn bị tâm lý: Việc đi học lớp 1 của trẻ hướng nội khó khăn hơn, do trẻ chỉ thích cuộc sống của riêng mình, khó hòa nhập vào đám đông hay tập thể. Phụ huynh cần dành thời gian giúp con chuẩn bị tâm lý bằng cách giải thích với trẻ về việc cần phải đến trường. Cho trẻ làm quen dần bằng cách xem ảnh, video về khung cảnh, các hoạt động, kể cho con về những điều tuyệt vời ở nơi trẻ sắp được học tập.
- Không phê phán: Các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta tuyệt đối không nên phê phán sự rụt rè, nhút nhát của trẻ. Cha mẹ nên động viên, tán thưởng để tránh khiến trẻ tự ti về nỗi sợ hãi của mình.
- Cho bé bày tỏ cảm xúc: Muốn hiểu được con, ngoài việc đặt mình vào vị trí của trẻ, cha mẹ cần tôn trọng và cho con được bày tỏ cảm xúc, nói lên suy nghĩ của mình. Hãy đưa ra những câu hỏi như con muốn đi học không, con sợ chỗ đông người không… khuyến khích trẻ bày tỏ và đồng cảm với nỗi sợ của con.
- Tạo cảm giác an toàn cho trẻ: Đối với những đứa trẻ nhút nhát, việc giúp bé luôn cảm thấy an toàn rất khó khăn, đặc biệt là khi không có người thân bên cạnh. Trước khi đưa trẻ đến trường cha mẹ nên tạo cho tạo cho con sự đồng cảm với bạn bè cùng trang lứa, giải thích về thế giới đặc biệt của con với những bạn nhỏ giống con để khơi dậy sự yêu thương và dũng khí để tự lập. Hãy nói rõ với con về việc không thể cùng cô đến lớp nhưng khi cần cha mẹ luôn xuất hiện. Trẻ cần biết lớp học là môi trường an toàn với thầy cô và bạn bè của bé.
- Tạo điều kiện cho trẻ làm quen trường lớp: Nếu con nhút nhát, cha mẹ hãy dành thời gian dài hơn, có thể là vài ngày để cùng con làm quen với trường lớp. Chúng ta nên chọn cách rời xa trẻ dần dần, để tránh việc con bị sốc tâm lý.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để giúp trẻ hướng nội thích nghi với môi trường học tập mới
>>>Xem thêm: Vai trò của cha mẹ trong việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1
Tạo dựng sự quen thuộc với môi trường học tập mới
Thực tế đã chứng minh, việc chuyển từ mầm non sang tiểu học là giai đoạn khó khăn để trẻ thích nghi với môi trường học tập mới. Để con bớt sự bỡ ngỡ, lo lắng cha mẹ có thể chọn cách hiệu quả là tạo dựng sự quen thuộc cho trẻ. Trước ngày học chính hoặc trước giờ học chính, chúng ta nên dành thời gian cho con khám phá trường học, lớp học, giáo viên và bạn bè.
Nhiều trường hợp, phụ huynh khi thấy trẻ quấy khóc trong những ngày đầu mà vội vàng chuyển trường cho trẻ. Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng, bởi đây là tâm lý chung của các bé, phản ứng chứng tỏ trẻ đang quan sát, va chạm, làm quen với không gian mới. Thay vì chuyển trường, chuyển lớp, cha mẹ nên động viên, khuyến khích để trẻ tự tin. Trẻ cần có thời gian để ổn định tâm lý, những thay đổi liên tục về môi trường học tập dễ dẫn đến hiệu ứng tâm lý tiêu cực, quyết liệt phản đối của trẻ.
Khuyến khích trẻ chủ động làm quen bạn mới
Nhanh chóng làm quen với bạn mới là kỹ năng tốt, mang đến nhiều lợi ích cho trẻ. Trẻ biết cách kết bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới, giải tỏa áp lực, vui vẻ tự tin và học hỏi được nhiều kỹ năng từ những người xung quanh. Do đó phụ huynh nên dạy cách làm quen và khuyến khích trẻ chủ động kết bạn.
Để con có thể tạo được ấn tượng tốt, dễ dàng kết nối với bạn, cha mẹ có thể hướng dẫn con về cách giới thiệu bản thân một cách thân thiện, thú vị. Trẻ biết cách chủ động nói chuyện sẽ làm quen bạn mới hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta đồng thời dạy con cách tôn trọng người khác, đồng cảm và quan tâm, đối xử công bằng, giải quyết mâu thuẫn… để duy trì tình bạn tốt đẹp, lâu dài.
Nên khuyến khích trẻ chủ động làm quen với bạn mới ở lớp 1
>>> Xem thêm: 11+ cách dạy trẻ cách làm quen bạn mới lớp 1 nhanh chóng
Xây dựng cảm giác an toàn cho trẻ
Nếu trẻ có cảm giác an toàn, con nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới. Vì vậy trong mọi hoạt động của trẻ cha mẹ cần tạo cho con sự yên tâm. Ví dụ: Chúng ta giải thích rõ cho bé con sẽ học trong lớp với thầy cô và bạn bè, sau giờ học ai sẽ là người đón trẻ. Như vậy trẻ sẽ thấy yên tâm vì luôn có sự quan tâm, chăm sóc của phụ huynh.
Bên cạnh đó, cha mẹ đừng quên dạy con những kỹ năng phòng thân khi ra ngoài như phân biệt người quen, người lạ, từ chối người lạ đón trẻ, phân biệt đâu là giáo viên đâu là người không quen biết… Dạy con những địa chỉ hay người đáng tin cậy như bác bảo vệ, chú công an để tìm sự giúp đỡ khi cần thiết. Trẻ cũng cần ghi nhớ trong quá trình học tập chỉ nên hoạt động trong khuôn khổ trường, nơi mà thầy cô hướng dẫn để tránh bị lạc hay bị bắt cóc.
Lựa chọn môi trường học tập phù hợp
Mỗi đứa trẻ có khả năng, sở thích khác nhau vì vậy con sẽ phù hợp và thích nghi với môi trường học tập mới nhất định. Đôi khi không phải trường chuyên, lớp chọn, trường danh tiếng, top đầu theo ý phụ huynh mới là nơi tốt cho trẻ. Cha mẹ nên cân nhắc các yếu tố như chất lượng giảng dạy, chương trình học tập, mức học phí, đặc điểm tính cách… của trẻ để chọn trường học cho con.
Môi trường học tập phù hợp bao gồm các yếu tố về vật chất và tinh thần. Trong đó yếu tố vật chất có thể kể đến là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, chương trình giáo dục, chất lượng giảng dạy của giáo viên… đạt chuẩn mực. Ngoài ra cha mẹ nên chú ý đến các hoạt động học tập, vui chơi trong môi trường giáo dục có tốt, nuôi dưỡng và giúp trẻ phát triển toàn diện không.
Lớp 1 là giai đoạn quan trọng trẻ bắt đầu làm quen với hành trình khám phá tri thức. Trẻ cần môi trường gần gũi, lành mạnh an toàn về thể chất và tinh thần, được quan tâm và giáo dục toàn diện. Chương trình học tập phù hợp không quá tải và trẻ được thoải mái sáng tạo, không bị nhồi nhét tri thức. Trường học cũng cần thuận tiện cho việc đưa đón, đi lại và có mức học phí phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình.
Phụ huynh nên lựa chọn môi trường học tập phù hợp với khả năng, sở thích của con
>>> Tham khảo: Những yếu tố quan trọng mà môi trường học tập tốt cần có
Trẻ thích nghi với môi trường học tập mới thông qua hoạt động xã hội
Tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội là việc làm không thể thiếu trên hành trình giúp con hòa nhập. Ngay từ giai đoạn mầm non cha mẹ nên cho con đến nơi công cộng, tham gia chơi đùa, tương tác với bạn bè hay tham gia các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa. Đây là những trải nghiệm giúp con học được cách làm việc nhóm, mở rộng quan hệ bạn bè và phát triển kỹ năng xã hội.
Khi trẻ thường xuyên được tiếp xúc với đám đông, con sẽ giảm đi cảm giác sợ hãi, lo lắng khi đến trường học. Theo thời gian trẻ hình thành tâm lý vững vàng, biết cách làm quen với môi trường học tập mới.
Rèn luyện kỹ năng tự tin cho trẻ
Sự tự tin chính là 1 trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mỗi người. Tự tin giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới. Tuy nhiên quá trình rèn luyện tự tin cần nhiều thời gian và công sức, cha mẹ nên thực hiện với trẻ ngay từ khi con còn nhỏ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc giải thích cho trẻ thế nào là tự tin và vai trò của tự tin trong học tập và cuộc sống.
Hãy khơi dậy cho trẻ sự tự tin trong mọi tình huống nhưng cần tiết chế giữa tự tin và tự cao, tự đại. Phụ huynh có thể áp dụng nhiều cách để rèn luyện tự tin cho trẻ:
- Phát triển khả năng giao tiếp để trẻ có thể thoải mái trò chuyện với bạn bè, giáo viên và những người xung quanh
- Cùng con đọc sách mỗi ngày, rèn luyện cho trẻ thói quen đọc sách để phát triển ngôn ngữ, nâng cao nhận thức, mở rộng kiến thức để trẻ có thể tự tin trong học tập và cuộc sống
- Tôn trọng, cho trẻ quyền được thể hiện ý kiến, suy nghĩ cá nhân của mình, rèn luyện con kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, làm việc nhóm…
Hãy rèn luyện cho con sự tự tin ngay từ khi còn nhỏ
>>> Xem ngay: 11 phương pháp rèn luyện sự tự tin cho trẻ tiểu học từ nhỏ
Lắng nghe, hỗ trợ trẻ thích nghi với môi trường học tập mới
Cha mẹ là người chăm sóc, kề cận nhiều nhất và hiểu rõ con nhất. Vì vậy chúng ta nên là người đầu tiên luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ con, tạo điều kiện để trẻ có thể thích nghi với môi trường học tập mới.
Khi con chia sẻ về tâm tư, lo lắng, áp lực hay cảm xúc của mình, đầu tiên chúng ta cần đồng cảm. chia sẻ. Tiếp đến là giải thích để trẻ hiểu và cảm thấy an tâm vì luôn có một chỗ dựa vững vàng. Phụ huynh hãy tạo ra môi trường mở cửa để con nghĩ đến đầu tiên mỗi khi gặp phải khó khăn trong học tập hay cuộc sống. Cha mẹ đừng ngại bày tỏ tình cảm với con, chúng ta nên tạo điều kiện biết rằng con luôn có gia đình đứng sau ủng hộ, đây cũng chính là điều quan trọng và tuyệt vời nhất.
Chuẩn bị cho con vào lớp 1 là công việc chiếm sự quan tâm lớn và nhiều tâm sức của hầu hết các bậc phụ huynh. Quá trình thích nghi với môi trường học tập mới của các con cũng đầy thách thức nhưng đây là hành trình bắt buộc, mang lại nhiều cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ. Cha mẹ luôn là người đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và đồng hành trên con đường tìm kiếm tri thức của trẻ. Chúng ta hãy luôn lắng nghe, thấu hiểu và mang đến cho con những hỗ trợ cần thiết để con hòa nhập tốt hơn nhé.
Trên đây là tổng hợp về những cách làm, phương pháp đã được chứng minh về tính hiệu quả trên thực tế để giúp trẻ thích nghi với môi trường học tập mới tốt hơn, nhanh hơn. The Dewey Schools hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các phụ huynh giúp các bé sớm chinh phục thử thách bước vào bậc tiểu học của mình. Mọi băn khoăn khác vui lòng liên hệ với chúng tôi hoặc để lại bình luận dưới bài viết để nhận được hỗ trợ nhanh chóng.