Làm thế nào để dạy trẻ cách làm quen bạn mới nhanh chóng là băn khoăn của nhiều phụ huynh. Bởi nếu trẻ sớm hòa nhập bạn bè con sẽ nhanh quen môi trường mới, học hỏi được nhiều kỹ năng, học tập vui vẻ và hào hứng hơn.
Hãy cùng Dewey Schools khám phá 11 cách dạy trẻ làm quen và hòa đồng với bạn bè cực hiệu quả ngay trong nội dung tiếp theo của bài viết nhé.
Tầm quan trọng của việc dạy trẻ cách làm quen bạn mới ở lớp 1
Theo một số nghiên cứu, trẻ đã bắt đầu học cách làm quen và xây dựng mối quan hệ với bạn bè và những người xung quanh từ khi lên 3. Đây cũng chính là kỹ năng giúp đảm bảo tính sống còn của loài người, nên trong vô thức chúng ta luôn có xu hướng mở rộng vòng an toàn để kết nối với những người xung quanh.
Việc làm quen với bạn mới không chỉ quan trọng với người lớn, mà còn mang lại nhiều ý nghĩa ngay cả với trẻ nhỏ. Đặc biệt khi bước vào lớp 1, trẻ phải thay đổi môi trường học tập mới lạ, hoàn toàn khác biệt so với những năm học ở mầm non, các bé cần có nhiều bạn bè để chia sẻ, hợp tác, giảm cảm giác lo lắng, áp lực.
Kết bạn là một phần quan trọng với trẻ trên hành trình trưởng thành của mình. Dạy trẻ cách làm quen bạn mới ở tiểu học đóng vai trò quan trọng trên hành trình khám phá kiến thức của trẻ và mang lại nhiều lợi ích:
- Giải tỏa áp lực: Bạn bè thân quen chính là chỗ dựa tinh thần, giúp trẻ vượt qua vấn đề khó khăn và thử thách trong học tập và sinh hoạt. Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có thể gặp phải những vấn đề của riêng mình như mâu thuẫn trong lớp học, căng thẳng do học tập, lo lắng, buồn bã… Khi có bạn, trẻ sẽ có thêm người để tâm sự, giải tỏa áp lực, tìm nguồn an ủi động viên, tìm lại được cảm xúc tích cực và niềm vui.
- Hòa đồng: Làm quen là cách để hòa đồng với bạn bè trong lớp, cải thiện khả năng giao tiếp. Trẻ có nhiều bạn bè thường có tính cách cởi mở, hướng ngoại, sôi động, thường là trung tâm trong nhiều mối quan hệ.
- Mạnh mẽ, tự tin: Tình bạn đẹp sẽ là sự khích lệ, động viên, nguồn an ủi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn để trẻ cảm thấy vui vẻ, tự tin và mạnh mẽ hơn. Tình bạn giúp trẻ phát triển sự tích cực, cùng nhau cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn.
- Học hỏi kỹ năng: Khi chơi với bạn bè, trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng như cách làm việc nhóm, cách hợp tác, chia sẻ, giải quyết mâu thuẫn, lắng nghe, lòng vị tha và tôn trọng người khác. Đây là những kỹ năng cần thiết trong học tập và cuộc sống để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, giúp trẻ đạt được thành công trong tương lai.
- Hiểu thêm về bản thân: Kết bạn, chơi cùng bạn là cách giúp trẻ hiểu thêm về bản thân, phát triển bản sắc riêng của mình. Trẻ có cái nhìn đa chiều về 1 vấn đề thông qua những trao đổi với bạn bè, bởi mỗi người sẽ có quan niệm và cách nhìn khác nhau.
- Ảnh hưởng tích cực đến tình cảm, sức khỏe: Thường xuyên chơi với bạn bè năng động, nhiệt huyết trẻ sẽ được rèn luyện về tâm lý, tình cảm và sức khỏe theo hướng tích cực. Phát triển và duy trì tình bạn là hành trình năng động giúp trẻ học các kết nối và kết nối với người khác, phát triển tư duy, trí tuệ cho bản thân, hứng khởi đến trường.
Cha mẹ cần dạy trẻ cách làm quen bạn mới để cùng chia sẻ, học hỏi, vui chơi
>>> Xem thêm: Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 – Cha mẹ nên làm gì?
11 bí quyết dạy trẻ cách làm quen bạn mới
Mỗi đứa trẻ có khả năng riêng và thực chất làm quen không phải là bản năng sẵn có của tất cả trẻ. Do đó có những bé có thể kết bạn nhanh chóng nếu tính cách hướng ngoại, ngược lại có trẻ ngại giao tiếp, rụt rè cần được giúp đỡ. Tuy nhiên nếu trẻ biết cách làm quen bạn mới, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con và phụ huynh nên chú ý hướng dẫn trẻ kết nối với bạn bè khác.
Dưới đây là 11 bí quyết dạy trẻ cách làm quen bạn mới hiệu quả để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống, chúng ta cùng Dewey School tham khảo ngay nhé.
Dạy bé giới thiệu về bản thân
Bài học đầu tiên mà cha mẹ cần dạy trẻ cách làm quen bạn mới ở tiểu học là giới thiệu về bản thân. Đây là bước khởi đầu quan trọng và cơ bản để trẻ có thể tự nhiên bắt đầu 1 cuộc trò chuyện với người khác. Khi con biết cách nói về mình 1 cách thân thiện, tự tin trẻ sẽ tạo được ấn tượng ban đầu tốt đẹp với người đối diện, mở ra một mối quan hệ mới.
Phụ huynh nên dạy trẻ nói rõ ràng về tên tuổi, sở thích và một vài thông tin của mình một cách thú vị để tạo được sự chú ý. Khuyến khích con khi nói chuyện nên mỉm cười và nhìn vào mắt người đang trao đổi. Hãy dạy trẻ luyện tập bằng cách đứng trước gương hay nói với những người thân thuộc trước để quen dần.
Tổ chức trò chơi giúp bé kết bạn
Trẻ nhỏ luôn yêu thích hoạt động, hào hứng với các trò chơi, khi cùng chơi các bé dễ trở nên thân thiết. Vì vậy việc tổ chức các trò chơi là cách giúp trẻ hòa nhập bạn bè nhanh chóng và tự nhiên nhất. Chúng ta nên có những phần quà nhỏ cho trẻ tham gia hay người chiến thắng để cổ vũ các bé tham gia nhiệt tình hơn.
Cha mẹ nên chọn các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, các trò chơi tập thể như nhảy dây, đã bóng, truy tìm kho báu… để con chơi cùng nhiều bạn bè khác. Địa điểm tổ chức là các khu vực rộng thoáng, trẻ có thể thoải mái vận động, đồng thời rèn luyện các kỹ năng vận động thô, rèn luyện sức khỏe và phát triển toàn diện.
Dạy trẻ cách làm quen bạn mới thông qua các trò chơi
Dạy trẻ biết cách tôn trọng bạn bè
Tôn trọng là cách hòa đồng với bạn bè hiệu quả trong lớp học và cuộc sống. Tôn trọng thể hiện thái độ đánh giá đúng mực, coi trọng nhân phẩm, danh dự, những nét riêng biệt của bản thân với đối phương. Đây cũng chính là thể hiện của lối sống văn minh văn hóa trong cộng đồng, tạo sự gắn kết, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp, chân thành giữa mọi người. Chính vì vậy cha mẹ đừng quên dạy trẻ cách làm quen bạn mới bằng cách đối xử tôn trọng với bạn bè, người thân, những người xung quanh mình, để nhận sự tôn trọng từ người khác.
Để giúp con rèn luyện và học cách tôn trọng cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Phụ huynh nên làm gương cho con về sự tôn trọng với con, với những người thân trong xa đình, với những người xung quanh. Hãy trung thực, nếu làm sai cần nhận lỗi và xin lỗi trẻ.
- Hãy công nhận những nỗ lực của trẻ, động viên con ngay cả khi trẻ không đạt được những mục tiêu mong muốn để trẻ rút kinh nghiệm và cố gắng làm tốt hơn.
- Hãy đặt niềm tin vào trẻ, để trẻ tự quyết định và chịu trách nhiệm với sự lự chọn của bản thân.
- Trong mọi chuyện cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe con, đánh giá đa chiều để đưa ra kết luận đúng đắn.
- Cha mẹ cần giữ lời lứa, tạo sự uy tín với trẻ để trẻ tin tưởng, tôn trọng
- Hãy cảm ơn và xin lỗi khi cần thiết, tôn trọng những gì thuộc về con và cho con quyền quyết định
Chủ động nói chuyện là cách làm quen bạn mới hiệu quả
Chủ động trong các cuộc trò chuyện là việc mà cha mẹ cần hướng dẫn khi dạy trẻ cách làm quen bạn mới. Trẻ nên sẵn sàng nói chuyện, kết bạn với những người cho con cảm giác cảm mến. Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn bè, để có cơ hội tìm được những người bạn có cùng tính cách và sở thích.
Để rèn luyện cho trẻ, phụ huynh nên dạy con những câu chào hỏi đơn giản nhưng mang thiện chí như “chào bạn, tớ tên là… “ “Bạn ơi, bạn vào chơi cùng mình đi”… Trẻ có thể bắt đầu bằng những câu hỏi về sở thích, hay khen một món đồ của bạn mà con thấy đẹp. Cha mẹ lưu ý nên động viên con bắt chuyện, nhưng nếu trẻ chưa sẵn sàng không nên ép buộc.
Khuyến khích con chủ động nói chuyện với bạn bè khác
Dạy trẻ nói lời cảm ơn và xin lỗi
Xin lỗi và cảm ơn là 2 từ được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống, đặc biệt là trong mỗi cuộc giao tiếp. Vì vậy trẻ cần biết ý nghĩa, tình huống áp dụng của 2 từ này để có thể sử dụng một cách thích hợp.
Đây là cách dạy trẻ cách làm quen bạn mới mà cha mẹ cần hướng dẫn bé biết cách nói lời xin lỗi nếu làm sai với người khác. Giải thích cho trẻ hiểu, con làm sai với bạn sẽ khiến bạn phiền lòng và buồn. Nếu con mắc lỗi cần dũng cảm nhận lỗi một cách nghiêm túc, chân thành và sửa chữa những gì đã gây ra. Chúng ta nên nói để trẻ hiểu ai cũng có thể mắc phải sai lầm, nhưng quan trọng là cần biết nhận trách nhiệm và sửa đổi.
Mặt khác, khi nhận sự giúp đỡ từ bạn bè hay người khác, trẻ cần biết cách cảm ơn. Hãy phân tích cho trẻ hiểu, khi con gặp khó khăn mà nhận được sự hỗ trợ sẽ mang lại cho con nhiều lợi ích. Đưa ra cho trẻ những ví dụ thực tế để con tự cảm nhận được những điều tuyệt vời mình nhận được. Ví dụ: Khi con quên bút viết và bạn cho con mượn… Do đó còn cần thể hiện lòng biết ơn bằng lời cảm ơn một cách chân thành.
>>> Xem ngay: Phương pháp dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi ba mẹ cần biết
Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa
Tham gia hoạt động ngoại khóa là cách giúp trẻ tìm thấy sân chơi với nhiều bạn bè có cùng sở thích. Trẻ có điều kiện làm quen, tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa của mình trong môi trường tự nhiên và thoải mái. Cha mẹ nên cho trẻ chủ động làm quen, kết bạn và xây dựng mối quan hệ cho riêng mình.
Cho trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa không chỉ là cách giúp trẻ hòa nhập với bạn bè, mà còn phát triển toàn diện về tinh thần, trí tuệ và thể chất. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý chọn lựa các hoạt động phù hợp với khả năng, sở thích để trẻ luôn tích cực, vui vẻ. Ví dụ cho bé tham gia các lớp học năng khiếu như vẽ, bơi, võ thuật hay các câu lạc bộ, đội nhóm…
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa để mở rộng vòng bạn bè
Dạy bé cách đồng cảm và quan tâm người khác
Đồng cảm, quan tâm đến người khác là tính cách tốt đẹp cần được lan tỏa rộng rãi. Khi biết cách đồng cảm, quan tâm chúng ta sẽ thấu hiểu những điều người khác đã trải qua và học được cách san sẻ. Vì vậy phụ huynh đừng quên dạy trẻ cách làm quen bạn mới này nhé. Con cần biết cách để ý và giúp đỡ những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè mình.
Đầu tiên, ngay trong gia đình, cha mẹ nên làm gương cho trẻ bằng cách thường xuyên thể hiện sự quan tâm với con cái, những người thân trong gia đình. Chúng ta có thể nói với con về những tình huống giả định và trao đổi về cách xử lý như nếu bạn gặp vấn đề không mong muốn, bạn bị ngã… Từ đó, cha mẹ có thể rèn luyện cho trẻ khả năng quan sát, nâng cao tính nhạy cảm của con trước những tình huống thực tế.
Dạy con biết cách lắng nghe người khác, chia sẻ đồ chơi, đồ dùng vật dụng, hỗ trợ mọi người khi cần. Khi trẻ biết cách đặt mình vào vị trí của người khác, trẻ nâng cao trí thông minh cảm xúc, biết cách hòa đồng với bạn bè, thắt chặt các mối quan hệ với những người xung quanh.
Giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn với bạn bè
Trong bất cứ mối quan hệ nào cũng không thể tránh khỏi mâu thuẫn. Tuy nhiên nếu trẻ biết cách hóa giải mâu thuẫn sẽ duy trì các mối quan hệ bạn bè lâu bền và lành mạnh. Cha mẹ nên sớm dạy con các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn như thỏa hiệp, lắng nghe, tôn trọng, chọn giải pháp 2 bên cùng có lợi.
Trong trường hợp con gặp mâu thuẫn với bạn, phụ huynh cần kịp thời phát hiện, nghe con chia sẻ. Hãy sẵn sàng lắng nghe, giúp trẻ hiểu rõ vấn đề một cách khách quan, không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ. Đồng thời khuyến khích trẻ chủ động nói chuyện thiện chí với bạn để giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình. Cuối cùng, chúng ta nên cùng con đưa ra kết luận và rút kinh nghiệm để tránh những tình huống xấu tương tự.
Rèn luyện cho trẻ sự tự tin trước đám đông
Rèn luyện cho con sự tự tin trước đám đông để có thể chủ động giao tiếp với bạn mới
Rèn luyện cho trẻ sự tự tin trước đám đông là cách dạy trẻ cách làm quen bạn mới chủ động ở tiểu học. Khi mới đi học, không phải ai cũng có nhiều bạn bè, vì vậy nếu trẻ chủ động con sẽ kết bạn với người khác và cùng học, cùng chơi. Khi trẻ tự tin con có thể dễ dàng chào hỏi, giao tiếp và kết bạn để có thêm nhiều bạn mới.
Khi trẻ tự tin, bản thân con cũng đã tạo nên sự chú ý với người khác. Những đứa trẻ có những điểm tương đồng rất dễ để kết nối với nhau thông qua việc trao đổi về những chủ đề yêu thích. Trẻ không rụt rè dễ làm quen với bạn, biết cách duy trì cuộc giao tiếp, tạo được không khí thoải mái. Cha mẹ hãy khuyến khích sự độc lập, tự chủ của con để trẻ có thể làm thật nhiều điều mình thích và mở rộng mối quan hệ, thế giới quan của mình.
>>> Tham khảo thêm: 11 phương pháp rèn luyện sự tự tin cho trẻ tiểu học từ nhỏ
Khuyến khích bé mời bạn đến nhà chơi
Cha mẹ không nên khắt khe với những mối quan hệ bạn bè của con, hãy khuyến khích bé mời bạn đến nhà chơi. Đây là cơ hội để con chủ động kết bạn, tạo sự tin tưởng và xây dựng tình bạn sâu sắc hơn. Tuy nhiên nếu trẻ chưa sẵn sàng, chúng ta cần tôn trọng không nên ép buộc, hoặc chê bai nếu con chưa muốn mời bạn về nhà.
Khi con đặt vấn đề mời bạn về chơi, phụ huynh nên trao đổi xem con có kế hoạch như thế nào, có cần cha mẹ hỗ trợ gì không? Sẵn sàng dành cho con và bạn bè không gian thoải mái, cùng con chuẩn bị những hoạt động thú vị để tiếp đón. Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng phụ huynh, tạo được sự gắn kết với con cái.
Dạy trẻ cách đối xử công bằng với mọi người
Dạy trẻ cách làm quen bạn mới khi đối xử công bằng với mọi người
Trong giáo dục trẻ nhỏ, công bằng là khái niệm quan trọng cần hướng dẫn con sớm. Khi trẻ biết cách đối xử công bằng, trẻ sẽ nhận lại sự tôn trọng, cảm nhận được giá trị của bản thân và phát triển sự tự tin.
Để dạy trẻ về sự bình đẳng và đối xử công bằng với mọi người cha mẹ nên duy trì sự bình đẳng trong nuôi dạy trẻ. Cha mẹ nên chia đều không phân biệt lớn nhỏ, khi nhà có nhiều trẻ cùng làm việc nào nó ai sai đều phải bị phạt, trẻ làm sai phải xin lỗi trẻ còn lại… Đặc biệt, phụ huynh tránh việc so sánh con với bạn bè khác.
Chúng ta cần chú ý hỗ trợ con kỹ năng chơi cùng nhau, chơi với nhóm bạn, đối xử công bằng với mọi người. Khuyến khích trẻ trao đổi về việc nên đối xử với bạn bè theo cách mình mong muốn bạn đối xử lại với mình. Đồng thời giúp con hiểu được mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau, cần tôn trọng ý kiến của nhau để cùng vui chơi, hòa thuận.
Một số câu hỏi thường gặp khi dạy trẻ cách làm quen bạn mới
Con bị nhút nhát thì phải làm sao?
Những đứa trẻ nhút nhát thường không tự tin và khó kết bạn. Vậy trong trường hợp này cha mẹ cần làm sao để dạy con cách làm quen với bạn mới?
- Dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày, càng nhiều càng tốt để tạo sự gắn kết. giúp trẻ biết cách chia sẻ, nguôi ngoai cảm giác lạc lõng, tự tin hòa nhập hơn
- Hãy kiên nhẫn động viên con một cách nhẹ nhàng, tinh tế , tạo cơ hội cho trẻ từng chút tiếp xúc với bạn bè trong môi trường thoải mái, an toàn
- Không nên tạo áp lực cho trẻ, không nên quát mắng hay trừng phạt khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, xấu hổ, lúng túng vì sự rụt rè của mình
>>> Xem thêm: Giúp trẻ tự tin trong giao tiếp – Cha mẹ cần phải làm gì?
Làm gì khi trẻ bị bạn bè trêu chọc?
Trong hành trình đến trường con không thể tránh khỏi chuyện bị bạn bè trêu chọc, khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Phụ huynh nên dạy trẻ biết cách xử lý là cần giữ bình tĩnh, thể hiện thái độ quyết liệt nói rõ với bạn việc mình không thích bị trêu chọc, làm phiền. Nếu bạn vẫn cố tình tiếp tục thực hiện hành vi khó chịu đối với mình, con cần báo cáo với giáo viên để được hỗ trợ.
Cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện với trẻ mỗi ngày
Làm sao để biết trẻ đã kết bạn mới chưa?
Khi đến môi trường học tập mới trẻ sẽ tiếp xúc với nhiều bạn, cha mẹ cũng có băn khoăn không biết con đã kết bạn mới chưa? Để phát hiện việc này, chúng ta có thể để ý đến việc trẻ có thường xuyên nhắc đến người bạn nào đó không, những chia sẻ của con về trường lớp, con hay chơi cùng bạn nào, có ý định rủ bạn nào về nhà không… Hoặc phụ huynh có thể trực tiếp hỏi con để biết con đã có bạn mới nào.
Dạy trẻ cách làm quen bạn mới là bước quan trọng giúp trẻ giao tiếp với bạn bè, có người chia sẻ để sớm qua khỏi cảm giác bỡ ngỡ, lo lắng khi đến môi trường học tập mới. Hy vọng thông tin về 11 cách làm quen với bạn mới trên đây sẽ giúp phụ huynh dạy con kết bạn tốt nhất. Đừng quên theo dõi Dewey School, chúng tôi liên tục chia sẻ những thông tin mới nhất về giáo dục.