Với con, làm điều tử tế là một lẽ thường

Tác giả bài viết1

Đó là chia sẻ mộc mạc nhưng cũng rất đáng suy ngẫm của Minh Nhật (5Karan). Không phải là một học sinh nổi bật vì bảng thành tích, ấn tượng ban đầu về em là một cậu bé có đôi mắt một mí, kiệm lời và thường rụt rè trước người lạ. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài có phần nhút nhát và hướng nội ấy là một trái tim ấm áp yêu thương.

Minh-Nhật-06

Nhắc đến Minh Nhật, cô Thu Hằng – Giáo viên chủ nhiệm lớp 5Karan nhớ ngay tới hình ảnh một cậu bé nhỏ nhắn, lúc nào cũng mang theo chú gấu bông Capybara bên mình. “Minh Nhật luôn âm thầm quan sát và quan tâm đến mọi người bằng những hành động nhỏ nhưng tinh tế. Thấy bàn ghế trong lớp chưa ngay ngắn, con sẽ đi kê lại từng chiếc mà không cần ai nhắc nhở. Thấy cô giáo an ủi bạn khóc, Minh Nhật đã chạy xuống căng tin mua tặng bạn một chiếc bánh ngọt để bạn bớt buồn” – Cô Hằng kể lại.

Minh-Nhật-05

Nhớ lại một kỷ niệm với cậu học trò nhỏ, cô Hằng vẫn còn rưng rưng xúc động: “Hôm đó trời rất nắng, cả lớp bắt đầu lên xe trở về trường sau buổi học thực tế ngoài trời. Minh Nhật là người lên trễ nhất nên bị tôi phê bình. Về sau tôi mới biết, con đứng lại xếp hàng mua kem cho cô. Dù hàng dài, phải đợi bác bán hàng gửi trả lại tiền thừa, con vẫn kiên nhẫn chờ vì nghĩ rằng các bạn và con đều có đồ ăn, cô cả ngày dẫn đoàn mệt nhưng chưa ăn uống gì”.

Minh-Nhật-01

Sự trưởng thành của Minh Nhật tại Dewey không đến từ một cột mốc đột phá nào mà từ quá trình tích luỹ, nỗ lực hoàn thiện từng ngày. Năm lớp 4 chuyển đến Dewey, do chưa theo kịp chương trình, Minh Nhật phải học phụ đạo sau giờ học. Nhà cách trường hơn 20 cây số, mỗi ngày tan học về nhà đã 6 rưỡi tối nhưng em vẫn không bỏ cuộc. Khoảng thời gian đầu học tại Dewey, Minh Nhật vẫn còn sợ sai, lúng túng trước những bài tập khó. Nhớ đến câu thần chú của cô giáo “mình làm được”, em dần học cách bình tĩnh, chấp nhận những lỗi sai như một phần tất yếu để tiến bộ. Từ ngày học ở Dewey, Minh Nhật thích đọc sách hơn. Em chia sẻ, việc đọc sách giúp em kiểm soát cảm xúc và học cách suy ngẫm nhiều hơn.

Minh-Nhật-02

Dù nhà xa trường nhưng chưa một lần Minh Nhật đi học trễ. Có những ngày niềng răng, tháo mắc cài đau, ăn uống khó khăn nhưng em vẫn không muốn nghỉ học. Khi được hỏi điều khiến mình biết ơn và hạnh phúc nhất, em không ngần ngại đáp: “Bố con đã quyết định cho con học ở Dewey đến năm lớp 12. Con biết đó là một số tiền lớn. Nhưng thấy con hạnh phúc và vui vẻ mỗi ngày đến trường, bố con đã dành điều tốt đẹp đó cho con.” 

Minh-Nhật-03

Minh-Nhật-04

Câu chuyện về tinh thần hào phóng, sự tử tế và lòng kiên trì của Minh Nhật đã củng cố niềm tin của chúng tôi vào giá trị của giáo dục chân chính – nơi điểm số hay thành tích không phải là thước đo để đánh giá một đứa trẻ. Thành tích học tập là điều đáng quý, nhưng đó chỉ là một xuất phát điểm nhỏ bé trong cuộc đời. Trước khi trở thành người tài giỏi, chúng tôi mong các em là người luôn biết nỗ lực vươn lên, biết yêu thương, sẻ chia vì cộng đồng. Bởi học để làm người tử tế luôn là bước đầu vững chắc trên hành trình trở thành người có tâm, có tầm. Giống như một câu nói: “Trong thế giới nhiều thành tích, nhiều bảng xếp hạng, nhiều huy chương, không ai sống bằng điểm mười. Người ta sống được là nhờ cái tâm không bị điểm trừ.”

Tác giả bài viết

Bài viết liên quan