Nhận thức đến từ đâu? – Câu hỏi mang đậm màu sắc triết học ấy được TDSers lý giải sinh động và trực quan thông qua dự án “Từ chạm đến tư duy”. Nằm trong khuôn khổ môn học Khoa học xã hội và nhân văn 10, dự án “Từ chạm đến tư duy” là một dấu ấn đáng nhớ trên hành trình TDSers lí giải nhận thức của con người.
Trong gần sáu tuần thực hiện dự án, TDSers khối 10 đã tự tay thiết kế những cuốn cẩm nang độc đáo về cách tiếp cận và thái độ cần có khi nhận thức thế giới. Qua lăng kính sáng tạo, mỗi cuốn cẩm nang là một tác phẩm nghệ thuật sống động, mang đậm dấu ấn cá nhân và tư duy thiết kế của TDSers. Có bạn tỉ mỉ vẽ tay và trang trí toàn bộ cẩm nang, có bạn ứng dụng phong cách collage art, biến những con chữ, khái niệm khô khan thành bố cục hấp dẫn, bắt mắt. Những cuốn cẩm nang không chỉ là bản tổng kết bài học về nguồn gốc nhận thức, mà còn chứa đựng những khám phá thú vị về giác quan, kinh nghiệm, và tư duy.
Tại buổi báo cáo, TDSers thể hiện bản lĩnh tự tin, dẫn dắt khán giả ngược dòng thời gian, lý giải nguồn gốc của nhận thức, ý nghĩa của các giác quan. Từ thời cổ đại, để tồn tại, con người dấn thân vào con đường tìm hiểu, khám phá và từng bước chinh phục thế giới, chiến thắng những nỗi sợ hãi của mình. Khi đã tạm giải quyết được các nhu cầu cơ bản để sinh tồn, nhân loại tiếp tục truy tìm tri thức để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và văn minh hơn. Trên chặng đường nhận thức đó, giác quan là công cụ đầu tiên giúp con người cảm nhận thế giới sinh động và phong phú xung quanh; kinh nghiệm giúp con người đưa ra những lựa chọn một cách nhanh gọn hơn và chính xác hơn với những gì diễn ra xung quanh; còn tư duy đem lại cho con người những hoài nghi, phán đoán và quyết định một cách lý tính để tìm ra chân lý.
Dự án văn 10 cũng mang đến các hoạt động tương tác sôi động qua ba vòng thi, tương ứng với 03 nhận thức thế giới: Thử tài giác quan, Lăng kính kinh nghiệm, Bứt phá tư duy. Tại đây, các đội chơi cùng nhau trải qua thử thách như đoán vật, nhận diện âm thanh, giải mã ca dao tục ngữ và trả lời câu hỏi tư duy. Cả hội trường rộn ràng tiếng cười, tiếng hò reo cổ vũ của các cổ động viên. Không chỉ các đội thi, dưới sân khấu khán giả cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ.
Một điểm nhấn đặc biệt trong dự án là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật của TDSers. Lớp 10Burlington gây ấn tượng khi tái hiện lại tác phẩm văn học “Chiếc lược ngà” với sự kết hợp giữa dòng nhạc trữ tình, dân ca và vọng cổ. Màn trình diễn gửi gắm thông điệp về niềm tin vào giá trị nhân văn và sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khốc liệt nhất, phản ánh nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh. Đây cũng là món quà tri ân mà TDSers gửi gắm nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, thể hiện lòng biết ơn đối với những đóng góp và hy sinh to lớn của các chiến sĩ vì độc lập, hòa bình của dân tộc.
Quỳnh Anh (10Burlington) chia sẻ: “Dự án Văn 10 chính là “đất diễn” để chúng con thể hiện sự sáng tạo và những tài năng riêng, từ thuyết trình, thiết kế, hội họa, nghệ thuật cho đến tư duy nhanh nhạy và đôi tay khéo léo. Qua đó, chúng con không chỉ hiểu rõ các khái niệm về nhận thức, ý nghĩa của các giác quan mà còn học cách ông cha ta vận dụng giác quan trong lao động sản xuất ngày xưa. Việc được tự nghiên cứu, chủ động đề xuất ý tưởng và cách thức thể hiện giúp con cảm thấy hào hứng hơn, tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và nhớ kiến thức lâu hơn.”
“Từ chạm đến tư duy” không chỉ là dự án học tập đơn thuần mà còn thể hiện rõ phương pháp giảng dạy phân hóa của The Dewey Schools. Tại đây, mỗi học sinh được khơi dậy tiềm năng riêng, hòa mình vào những trải nghiệm thực tế. Chúng tôi tin rằng, khi được trao quyền sáng tạo và làm chủ quá trình học tập, tri thức sẽ trở thành hành trình thú vị và đáng nhớ với các em.