Việc quản lý lớp học sao cho hiệu quả luôn là sự băn khoăn, trăn trở của những người thầy cô tâm huyết với những học trò yêu quý của mình.
Tác động của hiệu quả của giáo viên được liên kết trực tiếp với thành tích của học sinh. Để chứng minh, theo một nghiên cứu, quản lý lớp học có hệ thống có liên quan đến việc tăng 20% thành tích của học sinh. Bên cạnh đó, học sinh, những ngày này rất cạnh tranh và cũng vô cùng tò mò.
Vậy làm thế nào để Học sinh vừa hiểu tấm lòng các thầy cô, vừa thực hiện tốt các nội quy lớp học, và nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày?
Làm thế nào để Quản lý lớp học không phải bằng HÌNH PHẠT, hay NƯỚC MẮT, nhưng vẫn để lại trong học sinh những bài học sâu sắc và động lực thay đổi hành vi mạnh mẽ?
Tất cả những băn khoăn ấy đã được giải đáp trong khóa đào tạo về KỸ NĂNG QUẢN LÝ LỚP HỌC đầy tâm huyết của cô Đỗ Ngọc Khanh – PGS.TS Tâm lý học tại Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, Trưởng ban Nghệ thuật & Cuộc sống tại The Dewey Schools và cô Nguyễn Hương Mai – Chuyên viên ban Cuộc sống và nghệ thuật ERPC.
Vì sao cần quản lý lớp học hiệu quả
Mục đích chính của quản lý lớp học hiệu quả là đảm bảo mang đến môi trường học tập chất lượng, tác động tích cực đến quá trình học tập của học sinh. Ngoài ra, hiểu được quản lý lớp học là gì và làm sao để quản lý hiệu quả sẽ giúp đảm bảo sự tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động giảng dạy trong môi trường học tập, đạt được mục tiêu giảng dạy và học tập của lớp học.
Quản lý lớp học hiệu quả còn giúp giáo viên:
- Tạo ra không gian học tập phát huy tiềm năng, tập trung và thuận lợi cho học sinh.
- Giúp học sinh cảm thấy an toàn và có hứng thú khi học tập.
- Tăng sức học tập của học sinh bằng cách cung cấp kiến thức chất lượng và đầy đủ.
- Giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm và tự giải quyết vấn đề.
Bí quyết quản lý lớp học hiệu quả
Khóa đào tạo kỹ năng quản lý lớp học không chỉ trang bị cho giáo viên những kiến thức và kỹ năng quản lý lớp học, mà còn mở ra những hướng tư duy mới, cách tiếp cận mới mà trước đây chưa có cơ hội tiếp xúc. Đặc biệt khóa học đã giúp cho đội ngũ giáo viên hiểu sâu sắc ý nghĩa từng công việc mà mình thực hiện. Dù chúng chỉ là cách sắp xếp bàn ghế lớp học cho đến thiết lập nội quy, đảm bảo mục tiêu học tập hay xây dựng những mối quan hệ gần gũi, thân thiện, cởi mở trong lớp học…
Sắp xếp không gian lớp học phù hợp
Việc sắp xếp không gian lớp học không được tùy tiện, cũng không phải chỉ để “lấp đầy chỗ trống”, mà cần đảm bảo thuận tiện cho việc di chuyển và dễ dàng hỗ trợ các hoạt động học tập chủ động của Học sinh. Hay việc trang trí lớp học cần khơi gợi tư duy sáng tạo, thúc đẩy trải nghiệm học hỏi tích cực của chính các em chứ không phải gây mất tập trung trong các giờ học.
Thiết lập nội quy lớp học
Đầu tiên, thầy cô cần lôi cuốn học sinh tham gia vào việc cùng nhau xây dựng nội quy lớp học, thay vì chỉ đưa một chiều áp đặt từ phía giáo viên. Nội quy ấy không chỉ thống nhất với các giá trị cốt lõi của The Dewey Schools mà còn cần thống nhất với các môn học và các nội quy chung của nhà trường. Điều quan trọng là Học sinh hiện diện với các nội quy đó và giáo viên sẽ là người thường xuyên quan sát, nhắc nhở, đồng hành, khuyến khích… để các em thực hiện đúng nội quy đã đề ra. Đồng thời, các thầy cô giáo cũng chính là tấm gương trong việc thực hiện nề nếp cùng cả lớp.
Xây dựng mối quan hệ sư phạm tốt đẹp
Cùng với đó, việc xây dựng mối quan hệ sư phạm cũng vô cùng quan trọng. Giáo viên cần thấu hiểu học sinh của mình và từ đó tạo nên bầu không khí gắn kết trong lớp học, sử dụng kĩ năng khích lệ để tạo động cơ học tập cho Học sinh. Khi thầy cô khéo léo trong việc ứng xử với các Học sinh có trình độ khác nhau, các con sẽ đều cảm thấy công bằng và không bị phân biệt đối xử.
Không chỉ vậy, trong suốt khóa học, giáo viên được đưa ra những câu hỏi và cùng nhau thảo luận, chia sẻ; cùng nhau xử lý các tình huống thực tế trong trường học. Mỗi giáo viên đều học hỏi được rất nhiều từ chính những câu chuyện thực tế tại các lớp học do đồng nghiệp của mình chia sẻ.
Tất cả những điều đó giúp đội ngũ giáo viên nhận diện những yếu tố để tạo nên một lớp học hiệu quả và hiện thức hóa các kĩ thuật quản lý lớp học. Chúng không chỉ đơn thuần là quản lý hành vi của học sinh mà trở thành một “nghệ thuật” tạo nên những lớp học đầy tích cực và gắn kết giữa thầy và trò.
Khi kết thúc khóa học, giáo viên như được cất đi những băn khoăn và gánh nặng luôn canh cánh trong lòng của mình và vô cùng hào hứng để cùng các con Học sinh khám phá, học hỏi và phát triển không ngừng trong năm học mới sắp tới.