Lớp học đảo ngược là mô hình lớp học còn khá mới mẻ tại Việt Nam, từ khi xuất hiện đã thu hút sự chú ý của nhiều người làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Phương pháp lớp học đảo ngược là giải pháp tối ưu mang đến sự tương tác, linh hoạt cho quá trình dạy và học. Cùng The Dewey Schools khám phá chi tiết thông tin về mô hình học tập hấp dẫn này nhé.
Lớp học đảo ngược là gì?
Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) là mô hình học tập ngược lại với lớp học truyền thống. Phương pháp đào tạo kiểu truyền thống, một giờ lên lớp sẽ bắt đầu bằng hoạt động giáo viên chuẩn bị bài giảng và giảng giải cho học sinh, học sinh làm bài tập về nhà theo yêu cầu. Đối với hình thức dạy học này giáo viên là trung tâm truyền đạt thông tin và học sinh là đối tượng tiếp nhận một cách thụ động.
Đối với phương pháp đảo ngược, vai trò của giáo viên và học sinh đã thay đổi vị trí. Trong mô hình học tập mới mẻ này, học sinh sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các tài liệu, video quay sẵn, các cuộc hội thảo trực tuyến, chủ đề thảo luận hay các câu hỏi chuẩn bị… Khi đến lớp, học sinh đặt các câu hỏi thắc mắc để giáo viên giải đáp. Người học cùng thảo luận nhóm, làm bài tập… để đạt được mục tiêu hiểu sâu, mở rộng kiến thức hơn.
Mô hình lớp học đảo ngược ra đời cách đây 10 – 15 năm ở Mỹ và trở nên quen thuộc ở nhiều nước phương tây. Hiện nay phương pháp này được áp dụng rộng rãi trại nhiều lớp học, cấp học, trường học và lan rộng ra nhiều nước khác trên thế giới
Lớp học đảo ngược là mô hình học tập ngược lại lớp học truyền thống
Cấu trúc của mô hình lớp học đảo ngược
Cấu trúc mô hình lớp học đảo ngược chia thành 2 giai đoạn là tìm hiểu thông tin mới và đào sâu vào kiến thức. Đặc điểm cụ thể của 2 giai đoạn này như sau:
Tìm hiểu thông tin mới
Giai đoạn tìm hiểu thông tin diễn ra không phải ở lớp học mà hoàn toàn ở nhà. Giáo viên và học sinh tự làm việc và học tập với nhiệm vụ riêng:
- Giáo viên: Giáo viên là người tìm hiểu thông tin, xác định mục tiêu, nội dung cho bài học và chuẩn bị bài giảng thu hút, hấp dẫn học sinh. Sau đó giáo viên quay video bài giảng và cung cấp bài giảng, học liệu cho học sinh qua internet.
- Học sinh: Nhiệm vụ của học sinh là xem video bài giảng, tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, tự học các kiến thức đã được giáo viên gửi. Học sinh tự ghi chép kiến thức học được, tự làm bài tập cấp thấp được giao, tự tìm hiểu câu trả lời cho các câu hỏi. Bên cạnh đó học sinh cần thảo luận trên diễn đàn, ghi lại các thắc mắc và chuẩn bị cho dự án nhóm. Học sinh có thể tương tác với giáo viên và các bạn khác trên hệ thống trong 1 số trường hợp.
Đào sâu vào kiến thức
Giai đoạn tiếp theo là đào sâu vào kiến thức tại lớp học đảo ngược. Khi đến lớp giáo viên và học sinh, học sinh và học sinh tương tác với nhau về nội dung bài học đã tìm hiểu trước đó. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh trong giai đoạn này có sự khác biệt so với giai đoạn trước:
- Giáo viên: Giáo viên thực hiện việc tổ chức thảo luận theo nhiều hình thức khác nhau cho học sinh. Sau đó tiến hành đánh giá, nhận xét, giải đáp thắc mắc của học sinh và tổng hợp các kiến thức trọng tâm. Cuối cùng giáo viên đưa ra thêm các kiến thức chuyên sâu của nội dung bài giảng.
- Học sinh: Đặt câu hỏi cho giáo viên nhằm làm rõ các vấn đề thắc mắc. Người học nghe giải đáp, giảng giải của giáo viên, thực hiện làm việc nhóm, thảo luận tình huống, thực hành kỹ năng, thuyết trình, tranh luận… Học sinh có thể tham gia các trò chơi để củng cố kiến thức và nghe đánh giá, nhận xét của giáo viên.
Cấu trúc mô hình lớp học đảo ngược gồm giai đoạn tìm hiểu thông tin và đào sâu kiến thức
Xem thêm: Học tập theo mô hình giáo dục chuẩn Mỹ học sinh THPT ngay tại Việt Nam
Lợi ích mà mô hình lớp học đảo ngược mang lại
Mô hinh lớp học đảo ngược được đánh giá cao mang lại nhiều lợi ích cho cả học sinh và giáo viên như:
Lợi ích với học sinh
- Học tập theo phương pháp đảo ngược học sinh phát triển kỹ năng tự học và tính kỷ luật. Người học chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề, khám phá kiến thức để phát triển lên bậc cao hơn trong tư duy.
- Học sinh tiếp nhận bài giảng thú vị, thu hút và môi trường học tập phù hợp với trình độ giúp việc học tập hiệu quả và có ý nghĩa hơn.
- Phương pháp cung cấp nội dung dạy học có định hướng giúp tối ưu thời gian nghiên cứu, học tập của người học.
- Môi trường học tập linh hoạt trẻ có thể tự lựa chọn thời gian, địa điểm, cách thức, tốc độ học tập phù hợp với khả năng của mình.
- Người học có điều kiện kết nối, tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn học. Học sinh được nhận sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên và có nhiều thời gian để học với thầy cô giáo hơn.
- Học sinh tiếp nhận được kiến thức chuyên sâu trực tiếp từ giáo viên, được giáo viên hướng hỗ trợ, hướng dẫn để áp dụng kiến thức vào thực tiễn
- Phát triển kỹ năng thuyết trình, phản biện, thảo luận, làm việc nhóm, đặt câu hỏi phản biện…
- Người học dễ dàng tiếp cận bài giảng, có cơ hội xem lại thông tin cần thiết, tự bố trí thời gian học tập kiến thức trong trường hợp bỏ lỡ 1 số bài học.
Lợi ích với giáo viên
- Giáo viên tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức nền tảng trên lớp học, thay vào đó sẽ làm video để học sinh tự tìm hiểu ở nhà. Khi cần cập nhật thông tin giáo viên có thể chỉnh sửa video và các tài liệu cung cấp cho người học.
- Phương pháp dạy học này giúp tối ưu thời gian làm việc cho giáo viên, để dành thời gian nghiên cứu kiến thức mới, phương pháp giảng dạy sáng tạo để giúp người học học tập chuyên sâu hơn.
- Giáo viên có nhiều thời gian để trao đổi trực tiếp, tương tác, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của mỗi học sinh để có phương pháp hỗ trợ thích hợp.
Giáo viên tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức nền tảng
So sánh lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống
Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống, chúng ta cùng tham khảo bảng so sánh sau đây:
Lớp học đảo ngược | Lớp học truyền thống |
Giáo viên cung cấp tài liệu, bài giảng cho học sinh tự tìm hiểu trước khi lên lớp. Khi học tập trên lớp là quá trình tương tác trực tiếp giữa học sinh và giáo viên, học sinh và học sinh | Giáo viên dành chủ yếu thời gian trên lớp để giới thiệu kiến thức, nội dung bài giảng |
Học sinh được sự hỗ trợ của giáo viên để đào sâu kiến thức để đạt đến các bậc học cao hơn | Học sinh tự tìm hiểu tài liệu, làm bài tập nâng cao để có thể đạt được bậc học cao hơn |
Người học được kiểm soát quá trình học, cải thiện các kỹ năng như tập trung, tự học, phân tích… | Giáo viên là người tổ chức và kiểm soát các hoạt động trong lớp học |
Gia tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, học sinh và học sinh | Học sinh muốn trao đổi, tương tác cần sự chỉ định của giáo viên |
Dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau phục vụ cho bài học | Học sinh chỉ tiếp cận với nguồn tài liệu hạn hẹp từ sách giáo khoa và tài liệu do giáo viên cung cấp |
Trẻ chủ động nghiên cứu tài liệu, kích thích sự tò mò, hào hứng | Quá trình nghiên cứu tài liệu thụ động, thường phụ thuộc vào thông tin có sẵn trong sách giáo khoa |
Đánh giá chính xác khả năng của từng học sinh | Kết quả không phản ánh hết năng lực của học sinh |
Tham khảo: Các phương pháp dạy học truyền thống có còn hiệu quả hiện nay?
Ưu và nhược điểm của phương pháp lớp học đảo ngược
Bất cứ phương pháp giảng dạy nào cũng có ưu điểm riêng và các nhược điểm còn tồn tại. Chúng ta cùng phân tích ưu điểm và nhược điểm của phương pháp lớp học đảo ngược.
Ưu điểm
Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược mang lại nhiều ưu điểm:
Người học có nhiều quyền kiểm soát kiến thức
Một trong những ưu điểm lớn nhất của mô hình lớp học đảo ngược này là người học có nhiều quyền kiểm soát, có thể tự quản lý phương pháp và thời gian học của mình. Khi nghiên cứu trước bài học tại nhà học sinh được chủ động tìm hiểu mà không phụ thuộc vào quan điểm của giáo viên hay chương trình học. Trẻ chủ động kiểm soát toàn bộ kiến thức của từng bài học.
Quá trình học tập trên lớp học sinh sẽ học hỏi kiến thức và rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết. Khi tương tác với giáo viên và bạn bè trên lớp, người học chủ động nêu quan điểm của mình, rèn luyện khả năng giao tiếp, phản biện, tranh luận dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Học sinh trở thành trung tâm
Điểm khác biệt lớn của mô hình lớp học đảo ngược so với phương pháp truyền thống là học sinh trở thành trung tâm của quá trình học. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, trẻ được khuyến khích cùng nhau dạy và học các kiến thức. Học sinh không còn thụ động tiếp thu thông tin từ giáo viên, mà trở thành người tìm kiếm, phân tích và chia sẻ kiến thức cùng bạn bè trong môi trường học tập tích cực.
Mô hình lớp học đảo ngược luôn coi học sinh là trung tâm
Xem thêm: Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm: Mục tiêu và nguyên tắc
Giáo viên tạo ra nhiều bài học cuốn hút
Không còn bó buộc trong chương trình giảng dạy bắt buộc, giáo viên được chủ động sáng tạo bài giảng của mình trong phương pháp lớp học đảo ngược để tạo ra bài học hấp dẫn. Giáo viên cung cấp video bài giảng, tài liệu về những kiến thức cơ bản để trẻ tự tìm hiểu tại nhà. Khi đến lớp thầy cô chỉ cần giải đáp nội dung kiến thức mà học sinh thắc mắc hay chưa hiểu rõ.
Ở phương pháp này, thời gian giảng dạy trên lớp được tối ưu, thầy cô có nhiều thời gian mở rộng, đưa đến cho học sinh kiến thức chuyên sâu. Bên cạnh đó giáo viên có điều kiện tổ chức các hoạt động thực hành, thảo luận để kích thích sự tìm tòi, sáng tạo và chủ động học tập của người học.
Môi trường học tập linh hoạt
Phương pháp lớp học đảo ngược sẽ mang lại môi trường học tập linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng người học. Học sinh được thoải mái chọn lựa thời gian, địa điểm học phù hợp với trình độ của mình. Đồng thời giáo viên có thể linh hoạt trong điều chỉnh nội dung bài giảng để đạt được hiệu quả cao hơn.
Nhược điểm
Phương pháp lớp học đảo ngược còn tồn tại những nhược điểm nhất định:
Yêu cầu tính chủ động
Khác với lớp học truyền thống, trong học theo phương pháp lớp học đảo ngược trẻ không có sự giám sát của giáo viên khi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng cơ bản của bài học. Do đó, để đạt được hiệu quả học tập yêu cầu học sinh phải chủ động trong tìm hiểu kiến thức kỹ năng và khả năng tự quản lý cao. Trên thực tế không phải ai cũng có thể tự học hiệu quả, để vượt qua thử thách này đòi hỏi mỗi trẻ say mê học tập, nghiên cứu.
Phụ thuộc vào công nghệ
Để thực hiện phương pháp đảo ngược yêu cầu giáo viên và học sinh có sự hiểu biết nhất định về công nghệ và thiết bị học tập. Sự phụ thuộc vào công nghệ là khó khăn với học sinh ở vùng sâu vùng xa hay các gia đình không có điều kiện tài chính. Để đáp ứng điều kiện học tập học sinh và giáo viên cần có điện thoại thông minh, máy tính, internet và kỹ thuật sử dụng thành thạo để tham gia dạy và học.
Học tập theo phương pháp lớp học đảo ngược yêu cầu công nghệ
Giáo viên cần có nhiều kỹ năng
Vận hành phương pháp đảo ngược giúp giáo viên giảm tải thời gian đứng lớp. Tuy nhiên trên thực tế thầy cô giáo phải có nhiều kỹ năng giảng dạy hơn so với lớp học truyền thống. Giáo viên cần thành thạo kỹ năng tạo video bài giảng, định hướng đúng nội dung phù hợp với bài học, đưa ra tài liệu hữu ích cho học sinh. Bên cạnh đó thầy cô cần có khả năng điều hành lớp học linh hoạt kết hợp nhiều hoạt động học tập cho trẻ.
Không thực sự hiệu quả để phục vụ nhu cầu học để thi cử
Dạy học theo phương pháp đảo ngược không tuân thủ theo mô hình dạy học phổ biến hiện nay nhằm cải thiện và nâng cao điểm số. Do đó lớp học đảo ngược không dành nhiều thời gian cho học sinh chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra, vì thời gian này sẽ làm gián đoạn quy trình vận hành lớp học.
Lớp học đảo ngược là trải nghiệm học tập hấp dẫn và hiệu quả cho học sinh, giúp trẻ ghi nhớ tốt bài học, nâng cao tư duy, mở rộng kiến thức sâu rộng hơn. Đồng thời trẻ rèn luyện khả năng sáng tạo, độc lập, biết cách áp dụng bài học vào giải quyết các vấn đề thực tế. Đây là mô hình giáo dục vẫn còn hạn chế nhưng giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và tạo ra môi trường học tập tích cực, hứng thú và hấp dẫn
Cha mẹ có thể quan tâm: Xây dựng mô hình lớp học thông minh tại The Dewey Schools