Sinh khối là gì?
Làm thế nào để đánh giá mức độ tăng trưởng của cây?
Mật độ hạt giống ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của cây?
Những kiến thức tưởng chừng khô khan ấy đã được “hô biến” trở nên sống động và đầy thú vị trong giờ Sinh học của lớp 9Cannes. TDSers đã biến phòng Khoa học thành một “khu vườn mini” với thí nghiệm về sự cạnh tranh giữa các loài thực vật.
Chỉ trong một tháng, từ việc gieo những hạt giống nhỏ xíu, TDSers đã khám phá nhiều kiến thức hữu ích về sinh khối, quá trình nảy mầm, và ảnh hưởng của mật độ hạt giống đến sự sinh trưởng. Các nhóm được giao nhiệm vụ trồng nhiều loại cây như củ cải và lúa mì, trong hai điều kiện khác nhau: trồng riêng lẻ hoặc trồng chung trong cùng một chậu. Sau quá trình chăm sóc tỉ mỉ, ai nấy đều háo hức chờ đợi kết quả.
Để tìm hiểu cây nào phát triển tốt hơn, các “chuyên gia TDSers” cẩn thận tách đất, cân trọng lượng từng cây bằng dụng cụ chuyên nghiệp, thu thập dữ liệu và tính sinh khối trung bình. Qua thí nghiệm lần này, TDSers không chỉ học được kiến thức mới mà còn khám phá ra rằng mỗi loài thực vật đều có “tính cách riêng” và cần được chăm sóc theo cách đặc biệt.
“Việc tự tay chăm sóc cây và ghi chép số liệu giúp chúng con so sánh khả năng sinh trưởng của chúng trong các điều kiện khác nhau. Ví dụ, cây lúa mì phát triển tốt hơn khi trồng cùng nhau nhờ khả năng hỗ trợ lẫn nhau, trong khi củ cải lại cần khoảng cách hợp lý để củ có đủ không gian phát triển, tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Ngoài ra, so sánh chậu trồng nhiều hạt với ít hạt giúp chúng con hiểu rõ hơn vai trò của không gian trồng,” Phạm Hồng Ngọc, học sinh lớp 9Cannes, chia sẻ.
“Học qua việc làm không chỉ giúp các em hiểu bài sâu hơn và ghi nhớ lâu hơn mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quan sát, và ghi chép dữ liệu chính xác. Những bài học tưởng chừng nhỏ bé như việc trồng cây sẽ giúp các em phát triển tư duy khoa học và cả tình yêu với thế giới tự nhiên.” – Cô Sonja Freeman, giáo viên môn Sinh học cho biết.