Mùa hè – thời gian tuyệt vời nhất dành cho việc đọc sách đã sắp tới. Những tựa sách phiêu lưu, mạo hiểm hẳn không thể thiếu trong kế hoạch đọc sách hè này của rất nhiều bạn nhỏ. Hôm nay, chúng ta hãy cùng theo chân các bạn học sinh Dewey trong một dự án đọc sách rất thú vị nhé!
“Bước chân du hành” là tên chủ đề dự án tìm hiểu truyện phiêu lưu, nằm trong chuỗi hoạt động báo cáo môn Văn của khối 8. Lần này, các thầy cô tổ chức cho học sinh 8 Sydney và 8 Melbourne phối hợp với nhau tự thực hiện một “sự kiện” nho nhỏ ngay tại hành lang lớp học, với sự tham gia của các bạn cùng khối và các em học sinh lớp 7.
Thế giới có muôn vàn điều kỳ diệu, văn học thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có những tác phẩm phiêu lưu kinh điển. Mở ra trong trang sách của các em, chính là những chuyến phiêu lưu kỳ thú của các nhân vật đồng trang lứa. Mỗi tác phẩm đều có sức hấp dẫn và thể hiện thông điệp riêng. Bằng cách này, cách khác, từng nhóm học sinh của 8 Sydney & 8 Melbourne đã nghiên cứu và tái hiện sinh động những tác phẩm đặc sắc này, khiến các bạn và cả thầy cô đều phải ngạc nhiên, suy ngẫm.
“Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao những câu chuyện phiêu lưu thường được chuyển thể thành phim chưa?” Đây là câu hỏi mở đầu phần tiểu luận với chủ đề “Mối quan hệ giữa truyện phiêu lưu và tác phẩm điện ảnh chuyển thể” của các bạn lớp 8 Sydney. Qua thời gian học tập và tìm hiểu, cả hai lớp đã đưa ra những bài tiểu luận chất lượng cao và thuyết trình trước thầy cô cùng các bạn. Nếu như 8 Melbourne chọn một số tác phẩm phiêu lưu đặc sắc của văn học Việt Nam để tìm hiểu như “Cuộc sống mưu sinh của An trong tác phẩm Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi”, hay “Dế mèn và những bài học đường đời”, thì 8 Sydney lại chọn những tác phẩm phiêu lưu kinh điển của Văn học thế giới, điển hình có “Cuộc phiêu lưu giá trị trong Hành trình đến tận cùng thế giới của Yorozuya Tadahito”, hay “Giải mã nhân vật Draco Malfoy trong Harry Potter của J.K. Rowling”…
Không dừng lại ở tiểu luận, tập thể hai lớp tái hiện trên sân khấu những vở kịch phiêu lưu kỳ bí lấy cảm hứng từ tác phẩm “Hoàng tử bé” – Saint Exupéry, hay “Nhà giả kim” của nhà văn Paulo Coelho, do chính các bạn lên kịch bản và trình diễn.
Trong quá trình thực hiện dự án, 2 lớp thể hiện sự tích cực của mình khi làm ra rất nhiều sản phẩm với hình thức thể hiện đa dạng như: poster, video, truyện tranh…Trong đó, video “handmade” của các bạn 8 Melbourne về “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, và Sản phẩm poster “5 nhân vật phiêu lưu ấn tượng” của 8 Sydney đã thực sự gây ấn tượng với khán giả về sự dí dỏm, sáng tạo. Đặc biệt, thông qua việc tìm hiểu truyện phiêu lưu, các em đã có sự am hiểu về nhân vật, từ đó thiết kế và tạo dựng những bộ trang phục cho nhân vật mình yêu thích. Màn hóa trang nhân vật của hai lớp khi tham gia trình diễn thời trang mang đến những phút giây thực sự vui vẻ và sôi động.
Có thể thấy, với dự án tìm hiểu truyện phiêu lưu lần này, phương pháp tổ chức, thực hiện đã giúp các em tự trải nghiệm câu chuyện theo cách riêng của mình. Việc cùng nhau tham gia, lên ý tưởng, cùng diễn lại đã giúp các bạn nhớ được những câu chuyện thật lâu, thật sâu. Đồng thời, các hoạt động phân tích, trình bày tiểu luận, phản biện vấn đề giúp trau dồi khả năng ngôn ngữ, ứng biến linh hoạt và rèn luyện năng lực cảm thụ nhân vật văn học một cách tự nhiên. Các em đã thực sự thổi hồn vào những nhân vật “bất động” trên trang sách, và từ đó, mênh mang với những cảm xúc, ý tưởng sáng tạo độc đáo của riêng mình. Như Bảo Trân – 8 Sydney đã viết trong bài tiểu luận: “Hãy để bản thân được trải nghiệm các thử thách, vượt qua các trở ngại, học hỏi và khám phá thật nhiều như những nhân vật trong truyện phiêu lưu, vì ai cũng chỉ được sống một lần trong đời”.