“Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình.” Đó không chỉ là một câu danh ngôn, mà còn là phương châm sống và dạy học của cô giáo Võ Thị Nhược Nam – Chủ nhiệm lớp 1Bangkok The Dewey Schools Cầu Giấy. Với cô, mỗi bạn nhỏ bước vào lớp 1 giống như một mầm non vừa hé – mong manh, rụt rè nhưng cũng tràn đầy tiềm năng. Để những mầm non ấy vươn mình mạnh mẽ, người thầy chính là ánh sáng, là điểm tựa để các con tự tin lớn lên mỗi ngày.
Cô Nhược Nam nuôi dưỡng tình yêu với nghề giáo từ những ngày còn thơ bé ở mảnh đất miền Trung. Cô theo học tại Đại học Sư phạm Vinh, tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Giáo dục Tiểu học, mang trong mình ước mơ được đồng hành cùng trẻ nhỏ trên hành trình khám phá tri thức. Hai năm trước cô chọn Dewey làm nơi gắn bó – một môi trường cởi mở, hiện đại và tôn trọng sự phát triển tự nhiên của học sinh.
Trong hành trình đồng hành cùng Dewey, có những khoảnh khắc khiến cô nhận ra rằng, đôi khi chính học trò mới là người dạy lại cho mình những bài học sâu sắc nhất. Cô vẫn nhớ mãi buổi học đặc biệt khi cả lớp cùng nhau thảo luận về bức ảnh “Kền kền chờ đợi” – hình ảnh đầy cảm xúc về nạn đói châu Phi. Ban đầu cũng như bao người khác, một bạn nhỏ đã thốt lên: “Con kền kền này thật độc ác, nó chỉ chờ em bé chết để ăn thịt!” Nhưng rồi, khi hóa thân vào nhân vật trong ảnh, cậu bé ấy lại có góc nhìn khác: “Kền kền ơi, cậu cũng đang đói giống tớ phải không? Chờ tớ đến trạm phát lương thực, tớ sẽ xin thêm một mẩu bánh mì cho cậu nhé!”
“Một câu nói giản dị, nhưng chứa đựng cả lòng trắc ẩn. Một bạn nhỏ sáu tuổi đã nhìn thấy sự sống thay vì chỉ nghĩ về mất mát. Tôi đã lặng đi trước tâm hồn trong sáng của học trò. Tôi hiểu rằng nhiệm vụ của một người thầy không chỉ là dạy kiến thức, mà còn là giúp các con giữ mãi trái tim nhân hậu, giàu yêu thương như vậy.” – Cô Nhược Nam xúc động nhớ lại khoảnh khắc của học trò.
Không chỉ trong lớp học, cô còn là người luôn đồng hành cùng học sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có D-Show – chương trình nghệ thuật của Hệ thống The Dewey Schools. Với học sinh lớp 1, việc đứng trước đông người là một thử thách lớn. Để các con có đủ dũng khí, cô Nhược Nam đã không ngần ngại bước lên cùng các con biểu diễn, trở thành điểm tựa để các con tự tin trước khán giả. Đứng trên sân khấu không chỉ là một trải nghiệm nghệ thuật, mà còn là bài học về sự can đảm – bài học mà cô mong muốn trao cho học trò từ những năm tháng đầu đời.
Làm giáo viên lớp 1 nghĩa là mỗi ngày đều bắt đầu với những tiếng cười trong veo, những câu chuyện ngô nghê và vô số câu hỏi tưởng như không hồi kết. Nhưng cũng chính những điều ấy đã giúp cô trưởng thành theo một cách rất riêng. “Nếu trước đây, mình nghĩ rằng người thầy là người dạy, thì bây giờ mình hiểu rằng người thầy cũng là người học. Học cách kiên nhẫn hơn khi lắng nghe những suy nghĩ còn vụng về của học trò. Học cách bao dung hơn khi các con vấp ngã. Học cách nhìn cuộc sống qua lăng kính trẻ thơ – giản đơn nhưng đầy màu sắc và hy vọng.”
Và sự tâm huyết của cô Nam đã chạm tới trái tim của rất nhiều phụ huynh lớp. “Khi đi họp Phụ huynh đầu năm học, mẹ thực sự bất ngờ với sĩ số của lớp rất đông lên tới 26 bạn nhỏ, một thử thách với một cô giáo trẻ như cô Nam. Mẹ cứ lo lắng là một mình cô làm sao có thể xoay xở được với ngần ấy đứa trẻ vẫn còn đang non nớt, bỡ ngỡ với môi trường mới. Vậy mà mỗi lần tới lớp là một lần mẹ con thêm tin tưởng và thán phục cô Nam. Cô tương tác nhẹ nhàng nhưng vẫn có “nguyên tắc”, lũ trẻ cứ thế trưởng thành lên, nền nếp hơn.” – Chia sẻ của chị Hồng Nhung trong bức thư tri ân gửi tới cô Nam.
Có người từng nói: “Người giáo viên giỏi không chỉ dạy kiến thức, mà còn thắp lên trong học trò ngọn lửa của tình yêu thương và sự tò mò.” Cô Nhược Nam chính là một người như thế – một người thầy luôn sẵn sàng cúi xuống để nâng học trò lên, giúp các con đủ vững vàng để bước ra thế giới rộng lớn bằng đôi chân của chính mình. Bởi lẽ khi trái tim của một người thầy đủ ấm áp, những hạt mầm yêu thương sẽ luôn nảy nở.