Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đề thi môn Ngữ văn nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận của cộng đồng giáo dục. Không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, đề thi lựa chọn một văn bản ngoài chương trình chính khóa để đánh giá năng lực cảm thụ văn học và tư duy xã hội của học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng đây là “cú hích” thể hiện tinh thần “nói không với học vẹt, học tủ” theo chương trình GDPT mới (2018), với tinh thần giảm áp lực ghi nhớ máy móc, đề cao năng lực tư duy độc lập và khả năng vận dụng. Tại The Dewey Schools, đây cũng chính là tinh thần xuyên suốt của chương trình Văn – Tiếng Việt: học để hiểu, để cảm, và để nói lên tiếng nói của chính mình.
Tư duy độc lập – điều kiện tiên quyết cho cảm thụ văn học
Cô Nguyễn Vân Anh, Chuyên viên Ban Khoa học Xã hội & Nhân văn (KHXH&NV) tại Dewey nhận định: “Đề thi năm nay có tính phân hóa rõ nét, đặc biệt ở phần nghị luận xã hội. Chủ đề mở “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” đòi hỏi không chỉ kỹ năng viết, mà còn là tư duy phản biện, góc nhìn cá nhân và vốn kiến thức xã hội của học sinh.”
Chương trình Ngữ văn tại Dewey được đảm bảo theo đúng thời lượng và nội dung mà Bộ giáo dục đưa ra. Học sinh được ôn luyện bám sát cấu trúc đề thi mới và hình thành kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, các em còn được phát triển năng lực trong một chương trình mang bản sắc của Dewey, đó là chương trình Văn – Tiếng Việt Cánh Buồm (cấp Tiểu học & THCS) và chương trình KHXH&NV (cấp THPT). Đây là không gian để các em phát triển năng lực cảm thụ, tư duy xã hội và khám phá chiều sâu văn chương. “Năng lực cảm thụ không thể có được chỉ bằng học mẹo hay học tủ. Đó là kết quả của quá trình đọc hiểu, suy ngẫm, phản tư và tương tác với thế giới,” cô Vân Anh chia sẻ.
Không gian mở để đọc – hiểu – kết nối
Tại Dewey, giáo viên không đơn thuần giảng dạy tác phẩm trong sách giáo khoa mà còn mở rộng không gian học tập thông qua hệ thống văn bản ngoài chương trình. Nguồn học liệu được lựa chọn phù hợp với năng lực học sinh và các chủ đề xã hội gần gũi.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Giáo viên Văn Tiếng Việt cấp THPT cho biết: “Với các chủ đề như con người và nhận thức, học sinh được khuyến khích tự đọc Robinson Crusoe, 451 độ F để từ đó trình bày góc nhìn riêng. Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu – tác giả của văn bản được đưa vào đề thi – cũng nằm trong danh mục gợi ý đọc và thư viện tham khảo của chương trình KHXH&NV tại Dewey.”. Đặc biệt, học sinh Dewey thường xuyên có cơ hội chuyển hóa góc nhìn văn chương thành các dự án sáng tạo: làm phim ngắn, viết tiểu luận, xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội… Văn học lúc này không còn là môn học thụ động, mà trở thành chất liệu để các em hình thành tư duy giải quyết các vấn đề xã hội, kiến tạo thế giới của riêng mình.
Dám nghĩ – dám nói – dám khác biệt
Điều đặc biệt của chương trình Văn – Tiếng Việt tại Dewey chính là tạo dựng không gian an toàn để học sinh được thể hiện bản thân. “Chính cảm giác không sợ hãi và dám nói là hành trang mà Dewey xây dựng cho các em ngay từ bậc tiểu học: dám nói cả trong câu chuyện cảm thụ văn chương, dám nói về các vấn đề xã hội bằng chính góc nhìn và tư duy của người trẻ.” Cô Vân Anh nhấn mạnh.
Văn chương – hành trình vượt ra khỏi trang sách
Dewey tin rằng, học Văn không dừng lại ở việc học thuộc tác giả – tác phẩm. Đó là hành trình học sinh được rèn luyện năng lực ngôn ngữ – tư duy – cảm xúc, để không chỉ hiểu cái đẹp trong câu chữ, mà còn biết cách dùng ngôn ngữ để kiến tạo cái đẹp trong đời sống.
Và hành trình đó không bao giờ chỉ nằm trong trang sách giáo khoa.