Không chỉ là những lời thơ dung dị, ca dao là hơi thở và linh hồn của dân tộc, kết tinh những giá trị văn hoá truyền thống của con người Việt Nam từ ngàn xưa. Hiểu rõ giá trị bền vững đó, học sinh Dewey khối 7 đã làm sống dậy những bài ca dao xưa cũ qua dự án văn học đầy sáng tạo và ý nghĩa mang tên “Ca dao-Tiếng nói trữ tình nơi thôn dã”. Đây cũng là hành trình khám phá và lan tỏa tinh hoa của kho tàng văn hoá dân gian, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và giữ gìn “viên ngọc báu” của dân tộc.
Anh Minh – Học sinh lớp 7Rome chia sẻ: “Trong 5 tuần thực hiện dự án, chúng con đã cùng nhau nghiên cứu và thảo luận để tạo ra những sản phẩm độc đáo từ ca dao. Chúng con cũng thực hiện video phỏng vấn để trả lời các câu hỏi: Ca dao là gì? Ai là tác giả? Làm thế nào để giải mã ca dao? Trong ca dao xưa, cha ông thường sử dụng phép so sánh, ẩn dụ từ thiên nhiên làng quê quen thuộc để bày tỏ tâm tư, tình cảm một cách tinh tế, ý nhị. Để cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của ca dao, chúng ta cần dành thời gian suy ngẫm và khám phá từng tầng nghĩa ẩn chứa trong đó.”
Hiểu được vẻ đẹp và sự tinh tế của ca dao, TDSers đã vận dụng chúng vào các bài văn nghị luận, phân tích văn học một cách linh hoạt, sáng tạo. Các bạn khối 7 chia sẻ, ngôn từ dễ nhớ, giàu vần điệu và hình ảnh của thơ lục bát còn có thể kết hợp với kiến thức các môn học khác như Toán, Khoa học,.. giúp các em ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn.
Dự án cũng là nơi TDSers tự do khám phá, thể hiện nét đẹp của ca dao qua đa dạng sản phẩm. Khu vực triển lãm đưa người xem trở về với không gian làng quê Việt Nam xưa với mô hình cây đa, luỹ tre làng. Những sản phẩm thủ công như tranh vẽ, quạt, nón được trang trí bằng các câu ca dao đã tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất dân gian. Qua đôi bàn tay khéo léo của học sinh, ca dao không chỉ là lời thơ, mà còn trở thành tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Đặc biệt, các tiết mục trình diễn nghệ thuật trên sân khấu đã tái hiện thành công đời sống tinh thần phong phú của người Việt xưa, đưa người khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ tiết mục nhảy “Trống cơm” sôi động, những câu hát đối đáp tình tứ của các liền anh, liền chị, đến vở kịch trào phúng “Một đám ma”, tất cả đều được lồng ghép khéo léo những câu ca dao quen thuộc. Mỗi tiết mục trên sân khấu là sự tôn vinh những giá trị văn hóa cổ truyền, như một lời nhắn gửi chân thành: dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, gốc rễ của văn hoá vẫn luôn được bảo tồn và phát huy, tỏa sáng hồn cốt dân tộc.
Chị Nguyễn Hoàng Anh – phụ huynh lớp 7Solna chia sẻ: “Trước đây, khi cho con theo học tại trường quốc tế, tôi cũng từng lo lắng về việc học Văn-Tiếng Việt của con. Thế nhưng, sau buổi báo cáo dự án này của các con, cách các con tiếp cận với ca dao, thể hiện tình yêu với văn hoá dân gian của Việt Nam qua từng tiết mục, từng sản phẩm khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng. Tôi hy vọng rằng, những dự án ý nghĩa như thế này sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn, không chỉ giới hạn với lớp 7 mà mở rộng ra toàn trường.”