Khóa học “Làm cha mẹ tích cực” do The Dewey Schools tổ chức đã bước sang buổi học thứ 2 dưới sự dẫn dắt của PGS.TS. Lê Văn Hảo, nguyên Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Nếu như ở buổi học đầu tiên, các bậc phụ huynh đã nhận ra không có con “hư” mà quan trọng là chính ba mẹ tự học cách điều chỉnh phản ứng của bản thân mình, thì tới buổi học thứ hai, ba mẹ bắt đầu được nhập vai để thực hành kỷ luật tích cực vào tình huống thực tế.
Mỗi phụ huynh được yêu cầu thực hành hai cách giao tiếp khác nhau với con mình: một cách nhắc nhở nghiêm khắc và một cách động viên. Thông qua tình huống này, ba mẹ có cơ hội trải nghiệm sự khác biệt rõ rệt trong phản ứng của con khi được tiếp cận bằng các phương pháp giao tiếp khác nhau. Đây cũng là khởi đầu để đi sâu vào chủ đề của buổi học thứ hai: “Xây dựng và duy trì nền nếp trong gia đình.”
Một trong những điểm nhấn đầu tiên mà PGS.TS. Lê Văn Hảo chia sẻ là tôn trọng sự khác biệt giữa các thành viên trong gia đình. Ông nhấn mạnh rằng mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, và cha mẹ cần chấp nhận và thấu hiểu điều đó thay vì cố gắng “nắn” con theo khuôn mẫu mình mong muốn.
PGS.TS. Lê Văn Hảo còn đề cập đến kỹ năng họp gia đình – một phương pháp hữu ích để duy trì sự gắn kết giữa các thành viên. Thầy chia sẻ rằng, họp gia đình không chỉ là lúc để giải quyết những mâu thuẫn mà còn là cơ hội để lắng nghe ý kiến của từng thành viên, cùng nhau tìm giải pháp và đưa ra các quyết định chung. Cha mẹ không chỉ lắng nghe mà còn trao quyền cho con cái bày tỏ suy nghĩ của mình, đồng thời hướng dẫn con đưa ra ý kiến một cách tôn trọng và học cách lắng nghe ý kiến của người khác.
Một chủ đề quan trọng khác được thảo luận trong buổi học là cách cân bằng giữa “thân ái” và “kiên quyết” trong cách giáo dục trẻ. Thầy Hảo gợi ý, ví dụ trong tình huống con không muốn dọn dẹp góc học tập của mình, phụ huynh có thể lựa chọn cách nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Ba/mẹ yêu quý con và con vẫn cần phải thu dọn, sắp xếp cho gọn gàng”. “Thân ái giúp con cảm thấy được yêu thương, trong khi kiên quyết giúp con hiểu được trách nhiệm của mình. Không nên vì sợ mất đi sự gần gũi với con mà bỏ qua yếu tố kiên quyết”, thầy Hảo giải thích.
“Sau buổi học thứ 2 mình nhận được từ thầy bài học sâu sắc nhất là việc dung hòa giữa ân cần và kiên quyết với con để tạo ra kỷ luật tích cực. Chắc chắn đây sẽ là nội dung mình sẽ về áp dụng với chính các con của mình ngay từ bây giờ’’ – Chị Nguyễn Thu Trang – Phụ huynh tham gia khóa học tâm đắc chia sẻ.
Một câu nói đáng suy ngẫm được thầy Hảo trích dẫn trong buổi học chính là: “Con người không quyết định số phận hay tương lai của mình, họ quyết định thói quen, và chính thói quen sẽ quyết định số phận của họ.” Lời nói ấy như một lời nhắc nhở rằng những thói quen nhỏ hàng ngày, từ cách cha mẹ giao tiếp đến cách xử lý tình huống với con cái, sẽ góp phần định hình tương lai của cả gia đình.