Vùng riêng tư trên cơ thể là gì?
Xâm hại có phải chỉ là đụng chạm cơ thể?
Làm gì khi phát hiện dấu hiệu bị xâm hại?
Những câu hỏi này đã được đặt ra trong buổi học giáo dục giới tính dành cho học sinh khối 4-9 tại The Dewey Schools. Trong bối cảnh các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, nhà trường đã tổ chức buổi học đặc biệt nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức vững chắc về phòng chống xâm hại, giúp các em tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Buổi học có sự dẫn dắt của chuyên gia Lê Ngọc Bảo – người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em tại tổ chức phi chính phủ ChildFund. Tại đây, diễn giả đã mang tới một bức tranh tổng thể về thực trạng xâm hại trẻ em tại Việt Nam. Theo báo cáo của Chính phủ vào tháng 2/2020, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, đã có 6.364 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 6.432 nạn nhân. Một thực tế đáng lo ngại mà nhiều người chưa nhận thức rõ là trẻ em nam cũng có nguy cơ bị xâm hại tình dục ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn trẻ em nữ tại một số quốc gia.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, các TDSers còn thảo luận sôi nổi về vùng riêng tư trên cơ thể và các hành vi xâm hại. Chuyên gia Lê Ngọc Bảo nhấn mạnh rằng xâm hại không chỉ giới hạn trong các hành động động chạm (touching) mà còn bao gồm những hình thức phi vật lý (non-touch) như quấy rối qua lời nói, tin nhắn gạ gẫm, dụ dỗ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm hoặc tiếp cận qua các trang web đen.
Mạng xã hội được cho là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại phi vật lý nhất. Các nền tảng như Facebook, Instagram hay các ứng dụng trò chuyện trực tuyến có thể trở thành môi trường lý tưởng để kẻ xấu tiếp cận trẻ em. Diễn giả đã đưa ra những tình huống thực tế về việc kẻ xấu giả danh làm bạn bè, người thân để dụ dỗ trẻ em chia sẻ hình ảnh riêng tư hoặc tham gia vào những hành vi nguy hiểm. TDSers cũng được tìm hiểu về những chia sẻ không an toàn trên không gian mạng liên quan đến tình dục, hậu quả của việc đăng tải hoặc lưu trữ hình ảnh nhạy cảm cũng như các quy định pháp luật Việt Nam về quan hệ tình dục dưới 16 tuổi.
Từ những bài học thực tế, TDSers đã ghi nhớ 03 nguyên tắc vàng để tự bảo vệ mình:
- NO: Dứt khoát từ chối những hành động khiến bản thân không thoải mái.
- GO: Tìm nơi an toàn hoặc người có thể giúp đỡ khi gặp nguy hiểm.
- TELL: Chia sẻ với người lớn đáng tin cậy hoặc gọi tổng đài 111 để được trợ giúp.
Minh Phúc (lớp 6Berlin) chia sẻ: “Con khá bất ngờ khi biết rằng tỷ lệ trẻ em nam có nguy cơ bị xâm hại có thể cao ngang với trẻ em nữ. Trước đây, con nghĩ rằng chỉ các bạn nữ mới có nguy cơ bị xâm hại. Sau buổi học này, con nâng cao cảnh giác hơn và biết cách bảo vệ cơ thể của mình.”
Buổi hội thảo không chỉ trang bị kiến thức mà còn giúp TDSers xây dựng ý thức cảnh giác và chủ động bảo vệ bản thân trước các nguy cơ xâm hại. Giáo dục giới tính và kỹ năng phòng chống xâm hại không chỉ là một buổi học, mà còn là tấm lá chắn vững chắc đồng hành cùng các em trên hành trình trưởng thành.