Trong bối cảnh thế giới ngày càng kết nối và phát triển nhanh chóng như hiện nay, nhiều phụ huynh quan tâm làm thế nào để con mình không chỉ giỏi kiến thức mà còn trở thành công dân toàn cầu, có khả năng thích nghi và đóng góp tích cực cho xã hội. Giáo dục Công dân Toàn cầu chính là chìa khóa giúp các em phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như ý thức trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Đây không chỉ là hành trang cần thiết để bước vào thế kỷ 21 mà còn là nền tảng để con trẻ trở thành những công dân toàn diện, biết quan tâm và hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Tại sao Giáo dục Công dân Toàn cầu quan trọng trong thế kỷ 21?
Khi thế giới ngày càng kết nối sâu rộng nhờ toàn cầu hóa, các vấn đề mà nhân loại phải đối mặt cũng đòi hỏi sự hợp tác chung từ tất cả mọi người trên thế giới, bất kể quốc gia hay dân tộc. Bên cạnh những cơ hội phát triển, toàn cầu hóa cũng kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực như bất bình đẳng, đói nghèo, vi phạm nhân quyền và các vấn đề môi trường. Những thách thức này đe dọa hòa bình, an ninh toàn cầu cũng như sự bền vững của hành tinh.
Một ví dụ điển hình về bất bình đẳng chính là giáo dục. Mặc dù giáo dục đã giúp hàng triệu người thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận giáo dục đầy đủ. Chỉ tính riêng năm 2018, vẫn còn khoảng 260 triệu trẻ em trên thế giới, tương đương gần 20%, không được đi học (theo Liên Hiệp Quốc, 2020). Thêm vào đó, dù tỷ lệ nghèo toàn cầu đang giảm, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo lại ngày càng gia tăng (Lowrey, 2020). Không thể không kể đến biến đổi khí hậu – một nguy cơ toàn cầu rất thực tế mà không quốc gia nào có thể giải quyết riêng lẻ.
Trước những thách thức phức tạp này, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thúc đẩy Giáo dục Công dân Toàn cầu (Global Citizenship Education – GCED). Giáo dục Công dân Toàn cầu được đưa vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 (Quality Education – Giáo dục chất lượng) của LHQ. Theo đó, Giáo dục Công dân Toàn cầu giúp “mọi người học có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, lối sống bền vững, quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa hòa bình và phi bạo lực, công dân toàn cầu và trân trọng sự đa dạng văn hóa cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững” (Liên Hiệp Quốc, 2020). Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn từng phần trong bài viết này.
Phát triển bền vững và lối sống bền vững là gì?
Phát triển bền vững có nghĩa là đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững không chỉ bao gồm yếu tố môi trường mà còn liên quan đến các khía cạnh xã hội và kinh tế.
Về mặt môi trường, biến đổi khí hậu là vấn đề nổi bật nhất của thế kỷ 21. Thúc đẩy phát triển bền vững nghĩa là cùng nhau hành động quyết liệt để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng như thiên tai khắc nghiệt hay đại dịch có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hàng tỷ người nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát.
Mặt khác, các vấn đề môi trường cũng gắn liền với kinh tế. Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề hơn của biến đổi khí hậu, dù họ đóng góp ít nhất vào nguyên nhân gây ra nó, và cũng khó khăn hơn trong việc ứng phó. Vì vậy, những quyết định của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ ở các nước phát triển sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Tương tự, yếu tố kinh tế cũng liên quan đến xã hội. Ví dụ, một nhà máy hóa chất thải ra chất độc gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xung quanh, điều này không thể bền vững trong dài hạn. Như vậy, ba yếu tố bền vững: môi trường, kinh tế và xã hội luôn gắn kết chặt chẽ với nhau.
Tầm quan trọng của phát triển bền vững đối với hòa bình và an ninh thế giới
Thiếu phát triển bền vững sẽ tạo ra mâu thuẫn và bất công, dẫn đến nguy cơ xung đột xã hội, trong khi môi trường suy thoái đe dọa sinh kế của hàng tỷ người. Để đạt được sự bền vững, cần thay đổi cách sống và hoạt động hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Ví dụ, cuộc chiến vì bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng cần sự tham gia của cả nam giới, chẳng hạn như chính sách nghỉ phép cho cha sau khi con chào đời. Để khuyến khích hành động tập thể, mọi bên cần tham gia đối thoại, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của nhau. Đây cũng chính là điều Giáo dục Công dân Toàn cầu thúc đẩy: nâng cao nhận thức về các vấn đề toàn cầu và khuyến khích tinh thần đấu tranh cho công bằng xã hội, đồng thời phát triển các kỹ năng thiết yếu như thuyết trình, lãnh đạo tranh luận và tư duy phản biện.
Giáo dục Công dân Toàn cầu tại The Dewey Schools
Nhận thức được tầm quan trọng ngày càng lớn của Giáo dục Công dân Toàn cầu trong thời đại mới, The Dewey Schools đã phát triển mô hình giáo dục thực nghiệm lấy cảm hứng từ triết lý giáo dục của John Dewey. Nhà trường hướng đến việc trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức học thuật mà còn năng lực thích ứng và hội nhập, để các em tự tin trở thành công dân toàn cầu – những người có khả năng tiếp nhận, phát triển và ứng dụng công nghệ, tri thức hiện đại vào thực tiễn tại Việt Nam.
Việc trở thành công dân toàn cầu không chỉ giúp học sinh mở rộng hiểu biết về chuyên môn, xã hội và văn hóa mà còn rèn luyện khả năng tư duy độc lập và chủ động tiếp cận thế giới. Tại The Dewey Schools, các em được khuyến khích tham gia vào các hoạt động giáo dục đa dạng, giàu tính trải nghiệm như:
Học tập trong môi trường ứng dụng công nghệ thực tế ảo (AR), giúp nâng cao trải nghiệm học tập và mở rộng tầm nhìn về công nghệ hiện đại.
Rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và phát triển trí tuệ cảm xúc để giải quyết các tình huống thực tế thông qua các hoạt động học sinh như Hội nghị Mô hình Liên Hợp Quốc, các cuộc thi trong và ngoài nước.
Chủ động đóng góp cho cộng đồng từ cấp địa phương đến quốc tế thông qua các dự án cộng đồng.
Vận dụng kiến thức học được vào đời sống để từng bước trở thành những công dân thế kỷ 21 bản lĩnh và sáng tạo.
Kết luận
Giáo dục Công dân Toàn cầu là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên đổi mới và hội nhập hiện nay. Việc lựa chọn một môi trường học tập chú trọng phát triển tư duy và kỹ năng công dân toàn cầu sẽ giúp các học sinh xây dựng nền tảng vững chắc, sẵn sàng phát huy khả năng của mình trong học tập cũng như sự nghiệp tương lai. Đây chính là hành trang quan trọng giúp học sinh tự tin bước ra thế giới với tầm nhìn và năng lực toàn cầu.
Tài liệu tham khảo: https://www.theglobalcitizenacademy.com/blog/the-importance-of-global-citizenship-in-the-21st-century