Nền tảng học vấn và khởi nguồn đam mê giảng dạy
Nhà văn John Steinbeck đã từng viết: “Một thầy giáo tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất bởi đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần”. Gieo hạt giống của tri thức và yêu thương, thầy Tate Lamoreaux – giáo viên chủ nhiệm lớp 9Copenhagen tại Dewey chính là hiện thân của một người thầy như thế.
Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục trung học môn Tiếng Anh và Lịch sử tại trường Arizona State University (Hoa Kỳ), nghề giáo là “mảnh đất màu mỡ” để thầy Tate ươm mầm hạnh phúc từ công việc giảng dạy, sẻ chia kiến thức với học sinh. Khởi nguồn từ khát khao mang đến cho học sinh những tri thức, trải nghiệm về văn hóa, lịch sử của các quốc gia trên thế giới, lan toả tình yêu và niềm đam mê đọc sách, nghề dạy học đã bén duyên với thầy Tate một cách tự nhiên như thế.
Hành trình đến với mái nhà Dewey
Luôn dành một tình cảm đặc biệt cho Hà Nội, thầy Tate gọi mối lương duyên với Dewey là một sự kết hợp hoàn hảo. Rời nước Mỹ, cùng gia đình nhỏ tới Việt Nam, hành trang mà thầy giáo trẻ ấy mang theo là niềm háo hức, lòng nhiệt huyết huyết và say mê với nghề.
Là bố của cậu con trai 4 tuổi, thầy Tate đã đem tình yêu và sự kiên nhẫn của một người cha vào công việc giảng dạy. “Đối với tôi, việc dạy học cũng giống như việc làm cha, đều đòi hỏi sự nhẫn nại, tình thương và lòng bao dung. Tôi hiểu rằng, dù ở lứa tuổi nào, các em học sinh đều có những lúc mắc sai lầm, đôi lúc hành động dại dột, đôi lúc lại không biết mình phải làm gì, hệt như con trai bé bỏng của tôi vậy. Một cái nhìn nghiêm khắc, một lời khuyên chân thành, sự chở che và dìu dắt là phản xạ tự nhiên của một người thầy khi ấy. Người thầy giống một người cha ở chỗ, ngay cả khi đứa trẻ ấy không cần đến sự giúp đỡ của bạn, bạn vẫn không ngừng dang rộng vòng tay với chúng”– Thầy Tate chia sẻ.
Trong suốt 2 năm gắn bó với Dewey, niềm vui của thầy Tate là được làm công việc mình yêu thích, chứng kiến học sinh của mình trưởng thành hơn mỗi ngày. Như một người cha luôn dõi theo từng bước chân con, thầy Tate luôn đồng hành cùng học sinh, lắng nghe từng chia sẻ, tâm tư của những cô cậu học trò nhỏ, nâng bước các em trên mỗi chặng đường. Nhắc đến thầy Tate, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc – phụ huynh học sinh lớp 9Copenhagen xúc động: “Tôi thật sự biết ơn và cảm động vì sự quan tâm của thầy dành cho Minh Đức khi biết tin con chuẩn bị lên đường đi du học. Thầy chủ động nhắn con rằng, khi sang tới bên kia nếu có khó khăn gì đừng ngại email cho thầy, thầy luôn ở đây và sẵn lòng giúp đỡ.”
Phương pháp giảng dạy cùng cách phát triển kỹ năng cho học sinh
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 9Copenhagen, hiểu rõ độ tuổi mới lớn là thời kỳ chuyển giao nhạy cảm và thử thách với các em học sinh, thầy Tate không chỉ chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức mà luôn khuyến khích học sinh phát triển toàn diện cả về tâm hồn và nhân cách. “Trong chương trình giảng dạy của lớp IB MYP, tôi luôn lồng ghép, đề cập đến một số kỹ năng mềm hiệu quả, rèn luyện tính kỷ luật và sự kiên trì, từ đó giúp học sinh quản lý cảm xúc của mình tốt hơn. Ví dụ, việc thiền định trước giờ kiểm tra sẽ giúp các em bình tĩnh hơn. Đó cũng là cách tôi dạy các em khi đối mặt với căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Dù không phải là một người thầy hoàn hảo nhưng tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường học thân thiện, nơi các em có thể nói lên nỗi sợ hãi, chia sẻ cảm xúc thật của mình mà không phải e ngại, rụt rè.”
“Thông minh, dí dỏm, luôn hết lòng vì học sinh” là hình ảnh của thầy Tate trong mắt cô bé Chloe (lớp 9Copenhagen). “Thầy Tate chưa bao giờ tạo áp lực cho chúng con trong học tập. Thầy sẵn sàng cho chúng con nộp bài trễ hơn khi chúng con có nhiều bài tập môn khác cần giải quyết. Cách giảng bài trên lớp của thầy cũng rất thú vị, thầy luôn lồng ghép hoạt động trò chơi vào bài để giờ học không bị nhàm chán”.
Quan điểm về sự thành công
Đối với thầy Tate, thành công không đo đếm bằng điểm số mà bằng nỗ lực tiến bộ của học sinh mỗi ngày. “Tôi luôn căn dặn học sinh của mình rằng, học tập không phải là tất cả trong cuộc đời của các con nhưng tại thời điểm này, đó là điều quan trọng nhất. Các con không cần phải trở thành một học sinh hoàn hảo nhưng hãy luôn cố gắng hết mình khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Ở lớp, thầy muốn các con tập trung hoàn toàn vào bài giảng nhưng sau mỗi giờ tan học, đừng quá bận tâm, lo lắng về những điều đã diễn ra ở trường ngày hôm nay. Thầy mong các con được tận hưởng cuộc sống đằng sau cánh cổng trường một cách trọn vẹn nhất. Hãy làm những điều các con thích, khám phá thế giới xung quanh, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Đừng chỉ là một học sinh ngoan khi các con ở trường, hãy là một người tử tế khi bước ra xã hội ngoài kia.”. Đó là những lời nhắn nhủ yêu thương mà thầy Tate gửi tới học trò của mình.
Đề cao tinh thần tự do của học sinh là triết lý giáo dục thấm nhuần trong công tác giảng dạy của thầy Tate cũng như toàn thể đội ngũ giáo viên tại Dewey. Chúng tôi tin rằng, dù có theo đuổi quy ước nào đi chăng nữa, giáo dục luôn hướng đến một môi trường nơi học sinh được làm những điều yêu thích, được tự do sống với đam mê, được nói lên tâm tư nguyện vọng của bản thân. Dewey là nơi các con có quyền bình đẳng, được tôn trọng và phát huy hết khả năng của mình.