“Con từng nghĩ rằng dự án cộng đồng là bộ môn khó nhằn, thách thức và nhàm chán, tất cả chỉ xoay quay việc tìm cách giúp đỡ những người khác mà mình chẳng nhận lại điều gì. Thế nhưng, khi bắt tay vào xây dựng dự án, trải qua vô vàn khó khăn và thành công trong việc tạo dựng website cho một tổ chức thiện nguyện, chúng con nhận ra rằng, dự án này đã dạy chúng con nhiều điều. Đó là bài học về sự cho đi mà không cần nhận lại, là giá trị của những lần thất bại, là cơ hội gắn kết và giúp đỡ cộng đồng, dù họ là những người xa lạ. Cùng nhau, chúng con khao khát biến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.” Đó là những chia sẻ tâm huyết và chân thành mà nhóm học sinh Tuấn Kiệt, Hoàng Việt và Bảo Lâm gửi tới khán giả tại buổi thuyết trình dự án cộng đồng, diễn ra vào ngày 13/5 vừa qua.
8 dự án, 8 phần trình bày mang màu sắc riêng, dấu ấn riêng nhưng đều thể hiện sự tự tin, lòng nhiệt huyết và tinh thần dám thất bại không ngại thách thức của những “chiến binh” TDS. Từ những dự án quyên góp sách, Humans of TDS, dự án nâng cao nhận thức về bệnh tiểu đường tại trường học đến mô phỏng mô hình hoạt động của Liên Hợp Quốc, tất cả đều thể hiện rõ nét tinh thần “Học đi đôi với hành” (Learning by doing) của Nhà trường.
Trên hành trình khởi tạo, phát triển và lan tỏa các dự án ấy, TDSers đối diện với không ít khó khăn thử thách. Đó là sự hụt hẫng ban đầu của cô học trò nhỏ sau khi phát động dự án quyên góp sách mà chẳng nhận được cuốn sách nào, là tâm lý rụt rè, e ngại của những học sinh lớp 9 khi trực tiếp gặp mặt với 1 CEO, đó là những căng thẳng, áp lực của những cô cậu học trò trong lần đầu tiên tranh luận về những vấn đề mang tính toàn cầu tại hội nghị mô phỏng mô hình Liên Hợp Quốc,…
Đối diện với những thách thức ấy bằng lòng can đảm, chia sẻ về những lần thử nghiệm ấy bằng sự tự tin và tràn đầy năng lượng tích cực, lạc quan, TDSers đã mang đến thông điệp đầy ý nghĩa “Thất bại không phải điểm kết thúc, thất bại là khởi đầu cho những điều tốt đẹp hơn”.
Sau 2 tuần không nhận được cuốn sách quyên góp nào, Học sinh Hoàng Tùng Thư đã tìm cách thay đổi phương thức truyền thông cho dự án. Kết quả là sau gần 7 tháng, đã có tới hơn 600 cuốn sách được gửi về, vượt xa rất nhiều so với kỳ vọng của Tùng Thư. Hay dự án nâng cao nhận thức về bệnh tiểu đường của nhóm Học sinh Khánh An và Yun Bi cũng nhận được sự ghi nhận từ cộng đồng và được Tổng biên tập Tạp chí Computer Science and Cybernetics của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác nhận sẽ đăng bài về dự án.
“Ấn tượng và đầy cảm xúc”, đó là những lời khen mà chị Trần Phương Lan – phụ huynh học sinh Chloe Elizabeth – lớp 9 Copenhagen dành cho màn thể hiện xuất sắc của TDSers tại buổi thuyết trình.
Chị Nguyễn Thị Nhật Hoài – phụ huynh học sinh Hoàng Tùng Thư cho biết: “Là người đồng hành cùng con tại dự án quyên góp sách cho các bạn nhỏ vùng sâu vùng xa nhưng ngày hôm nay khi nhìn thấy con đứng trên sân khấu tôi vẫn thấy vô cùng xúc động. Qua dự án này, mình cũng thấy con trưởng thành nhiều hơn. Con đã bước ra thế giới thường ngày của mình, cùng mẹ đi tới những vùng cao, gặp gỡ và giúp đỡ các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Con cũng đã hiểu hơn về công việc của mẹ để thấy một điều rằng phục vụ cộng đồng là một hoạt động nhân văn, ý nghĩa mà ai cũng nên tham gia.”