Tại The Dewey Schools, phương pháp giảng dạy phân hóa (Differentiated Instruction) đã và đang tạo ra một không gian học tập sáng tạo và linh hoạt, thay thế lối dạy truyền thống rập khuôn. Phương pháp này cho phép giáo viên điều chỉnh hoạt động học tập phù hợp với nhu cầu, năng lực và phong cách học tập của từng học sinh. Mỗi tiết học là một sân chơi sáng tạo, mang tới những trải nghiệm khác biệt và độc đáo, tạo cơ hội cho TDSers khám phá, phát triển bản thân theo cách riêng.
Tuần vừa qua, học sinh lớp 9Lisbon đã có một tiết Nhân văn học (Humanities) sôi nổi và vị khi cùng nhau xây dựng ý tưởng về một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ và kỹ thuật sử dụng ánh sáng. Học sinh được tự do lựa chọn truyền tải phong trào nghệ thuật Phục Hưng (Renaissance), Gothic hay Chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism) qua việc thiết kế bảo tàng.
Áp dụng 2 chiến lược thiết kế lớp học là Nhóm Linh Hoạt (Flexible Grouping) và Trạm Luân Chuyển (Station Rotation), lớp học được chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm đảm nhiệm một phần công việc quan trọng: từ xây dựng ý tưởng bảo tàng, phác thảo thiết kế, đến bố trí ánh sáng và trang trí nội thất. Trong suốt buổi học, thầy giáo sẽ di chuyển luân phiên tới từng trạm, kịp thời đưa ra những nhận xét, phản hồi và trợ giúp cho từng nhóm. Đây cũng là hai chiến lược phổ biến trong giảng dạy phân hóa.
Thầy Diarmuid Patricia Kelly – giáo viên môn Nhân văn học chia sẻ: “Việc phân nhóm kết hợp hài hòa giữa học sinh có năng lực học tập tốt, trung bình và học sinh có khả năng tiếp thu chậm hơn nhằm tạo cơ hội cho các em học hỏi lẫn nhau. Học sinh có trình độ cao hơn được giao vai trò nhóm trưởng, dẫn dắt và điều phối hoạt động của nhóm. Mô hình nhóm nhỏ này giúp các em dễ dàng trao đổi ý tưởng, đồng thời khuyến khích tinh thần hợp tác, đóng góp ý kiến xây dựng.”
Thầy Diarmuid cũng nhận định: “Phương pháp trạm luân chuyển cho phép học sinh tiếp cận đa dạng nội dung trong một tiết học, tạo điều kiện để các em khám phá và phát huy thế mạnh của bản thân. Những học sinh gặp khó khăn trong việc viết lách hay giao tiếp có cơ hội thử sức, thể hiện bản thân qua các hoạt động thực hành sáng tạo hay nghiên cứu.”
Lớp 8Torun cũng mang đến không khí học tập không kém phần sôi nổi với phần thảo luận về phong trào đấu tranh nhân quyền tại Mỹ những năm 1960. Mỗi nhóm học sinh được giao nhiệm vụ tìm hiểu và thiết kế các poster tái hiện một trong ba sự kiện lịch sử nổi bật: Cuộc tẩy chay xe buýt Montgomery (1955-1956), Cuộc biểu tình ngồi (sit-in) tại nhà hàng những năm 1960, và cuộc tấn công vào các thành viên “Freedom Riders” năm 1961.
Thông qua hoạt động xem triển lãm (Gallery Walk), học sinh được khuyến khích di chuyển quanh lớp học, chủ động tham đánh giá, trao đổi và đóng góp ý kiến về sản phẩm của các nhóm. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến lược Trạm luân chuyển, cho phép học sinh chia sẻ kết quả làm việc của mình với bạn bè, từ đó giúp các em học hỏi lẫn nhau. Trong quá trình quan sát và thảo luận về các ý tưởng và sản phẩm của nhóm khác, học sinh có cơ hội mở rộng góc nhìn, phát triển kỹ năng phản biện và tư duy sáng tạo. Điều này đặc biệt hữu ích trong giảng dạy phân hóa, nơi mỗi học sinh có thế mạnh riêng và phong cách học tập khác nhau.
Lưu Diệp Anh (8Torun) chia sẻ: “Việc sáng tạo poster giúp con không chỉ thỏa mãn đam mê hội họa mà còn học cách chắt lọc thông tin và áp dụng nguyên tắc thiết kế, từ phối màu đến sử dụng tương phản để gây ấn tượng. Nhờ đó, bài học trở nên sinh động và dễ ghi nhớ hơn..” Lê Trần Khánh Lâm (8Torun) cũng cho biết: “Cách học này không chỉ hấp dẫn hơn so với việc học thuộc lòng mà còn giúp con phát triển khả năng tự nghiên cứu. Việc trao đổi và nhận phản hồi từ các bạn trong nhóm giúp con cải thiện kỹ năng tư duy phản biện và biết cách hỗ trợ lẫn nhau.”
Không chỉ có các môn xã hội hay nghệ thuật, giảng dạy phân hoá tại Dewey còn được áp dụng vào các bộ môn tự nhiên như Toán. Tuần qua, các bạn lớp 2Shanghai đã được trải nghiệm học phép toán cộng trừ qua các trò chơi vui nhộn, đầy màu sắc. Thầy Joe Finch – Giáo viên Toán Tiểu học chia sẻ: “Thay vì yêu cầu học sinh ghi nhớ phép tính một cách máy móc, tôi sẽ thiết kế các trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh. Các em nhỏ luôn thích thú với các hoạt động vui chơi. Điều này không chỉ giúp các em ghi nhớ bài học tốt hơn mà còn khiến việc học trở nên thú vị.”
The Dewey Schools đã và đang theo đuổi triết lý giáo dục trải nghiệm. Đây là mô hình học tập lấy người học làm trung tâm, tập trung vào các hoạt động thực tiễn, tạo cơ hội cho học sinh tự khám phá, thực hành và suy ngẫm từ chính trải nghiệm cá nhân. Để hiện thực hóa triết lý này, dạy học phân hóa được sử dụng như một phương pháp tiếp cận hiệu quả, giúp đảm bảo mỗi học sinh đều có cơ hội được tham gia vào quá trình trải nghiệm một cách tối ưu, phù hợp với khả năng và nhu cầu của riêng mình.
Tại Dewey, mỗi giờ học đều là một cơ hội để học sinh thể hiện bản thân. Sự kết hợp đa dạng các chiến lược trong giảng dạy khu biệt hoá không chỉ giúp học sinh mở rộng kiến thức mà còn nâng cao kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy phản biện, và sáng tạo. Không chỉ đơn thuần là một phương pháp giáo dục, giảng dạy phân hoá còn là hành trình khơi dậy tiềm năng trong mỗi học sinh, giúp các em phát triển toàn diện và tự tin bước vào tương lai. Hãy cùng Dewey tiếp tục khám phá những giờ học đầy sáng tạo và hấp dẫn trong những tuần tiếp theo nhé!!!