Kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, dẫu bao thời gian trôi qua, vẫn luôn làm say đắm lòng người bởi giá trị xã hội sâu sắc. Để các học sinh Khối 9 có thể thấm nhuần giá trị nhân văn của tác phẩm quả là thử thách không nhỏ dành cho thầy cô. Nhưng tại Dewey, liệu có bí quyết nào để TDSers say mê việc học Văn?
Bước vào buổi báo cáo dự án “Truyện Kiều – Một dấu ấn văn hóa” của các em học sinh lớp 9 Praha, khán giả được tiếp cận và trải nghiệm dự án theo một cách rất riêng. Không đi theo lối truyền thống, tiết học mở ra với sự dẫn dắt của 2 MC và sau đó là những màn trình bày của từng nhóm Học sinh về các hình thức Truyện Kiều lan tỏa trong đời sống nhân dân như Bói Kiều, Vịnh Kiều, Đố Kiều…
Dự án “Truyện Kiều – Một dấu ấn văn hóa” như một chuyến phiêu lưu vào sự giàu đẹp của thế giới văn thơ. Tại đây, học sinh được nghiên cứu, chia sẻ về cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều. Vượt ra ngoài khuôn khổ của việc học Văn thông thường, dự án này đã lôi cuốn TDSers chủ động tìm kiếm thông tin, nghiên cứu để báo cáo trước lớp những nội dung sáng tạo và mang đậm dấu ấn nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du.
Buổi báo cáo trở nên thú vị khi nhóm học sinh giới thiệu về hoạt động Bói Kiều dân gian mà các bạn đã tự mình nghiên cứu. Dẫn dắt người tham gia từ xem video hướng dẫn đến trực tiếp thực hiện bói Kiều. Tất cả tạo nên những tiếng cười, tiếng vỗ tay bởi sự dí dỏm của học sinh. Đây là minh chứng cho thấy dù ở thời đại nào, những “di sản” văn hóa, truyền thống của dân tộc vẫn được neo giữ và thưởng lãm dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó cô Trần Thị Diệu Hương – Giáo viên Văn khối THCS-THPT cũng đồng hành và dẫn dắt để Truyện Kiều trở thành nguồn cảm hứng cho những “siêu phẩm” tự sáng tác bởi chính TDSers. Một trong những sản phẩm ấn tượng của các TDSers lớp 9 là hai bài thơ Mộng Kiều Phiêu Bạt và Ngậm Ngùi Tài Mệnh do chính Học sinh của nhóm Vịnh Kiều sáng tác lần đầu được trình làng.
“…
Tài hoa ngậm đắng, vùi trong kiếp,
Hồng nhan phận bạc, nổi gió vần.
Chữ tình sâu nặng đêm quạnh quẽ,
Kiếp đa đoan chảy dạ bâng khuâng.
Người đọc Kiều nhớ mảnh tình xưa,
Lệ rơi thương giấc mộng chẳng vừa.
Hỏi trời xanh có hay nỗi oán,
Ngọc ngà u mê, buồn tuổi thừa.”
Dù chỉ là những cô cậu học trò lớp 9, nhưng từ cảm hứng mà tác phẩm Truyện Kiều mang lại, các em đã thể hiện được những nỗi niềm, cảm xúc sâu lắng về tình yêu, cuộc đời. Các câu thơ phản ánh sự bất công và số phận nghiệt ngã, kết hợp với những suy tư, day dứt về tình cảm và cuộc sống của nhân vật.
Sự đa dạng và phong phú trong cách tiếp cận tác phẩm Truyện Kiều của Học sinh tại Dewey là một bước tiến mới trong việc khai thác và tôn vinh giá trị của tác phẩm này. Thông qua buổi báo cáo dự án, có thể thấy rõ ràng tình cảm của Học sinh dành cho tác phẩm qua những nỗ lực trong việc khai thác và giới thiệu tác phẩm này đến với mọi người.
Thân mời Ba Mẹ cùng xem lại hình ảnh buổi báo cáo môn Văn – “Truyện Kiều – Một dấu ấn văn hóa” của TDSers lớp 9 Praha!