“How do you feel today? – Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?” – Đó là câu hỏi được được đặt trên bức tường cảm xúc ngay phía bên ngoài phòng Tâm lý tại The Dewey Schools Tây Hồ Tây. Một câu hỏi đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, một câu hỏi tưởng chừng nhẹ nhàng, nhưng lại là cánh cửa mở ra những câu chuyện, những cảm xúc được các em Học sinh mang theo mỗi ngày đến trường.
Câu hỏi “Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?” không chỉ xuất hiện trên bức tường phòng Tâm lý, mà còn là điều thường xuyên được giáo viên chủ nhiệm và nhân viên tâm lý hỏi các em. Những câu hỏi ấy không chỉ là một phần trong quá trình giáo dục mà còn là cầu nối để các em Học sinh cảm nhận được sự quan tâm, được lắng nghe và thấu hiểu.
Trong thế giới đầy màu sắc cảm xúc của các em, mỗi ngày là một hành trình với những cung bậc khác nhau. Có những ngày, niềm vui hiện rõ trên gương mặt các em, khi thành công trong một bài kiểm tra, khi vượt qua một thử thách mới hay khi có một người bạn đồng hành chia sẻ cùng mình. Nhưng cũng có những ngày, sự mệt mỏi, lo lắng len lỏi vào từng ánh mắt. Đó có thể là nỗi sợ bị hiểu lầm, áp lực từ kỳ vọng hoặc những khó khăn trong việc tìm thấy giá trị bản thân.
Nhân viên tâm lý học đường không chỉ đặt ra những câu hỏi để hiểu cảm xúc của Học sinh, mà để hỗ trợ các em hiểu được cảm xúc của chính mình. Khi các em nhận ra và biểu đạt được cảm xúc, đó là lúc các em bắt đầu hiểu hơn về chính mình, từ đó học cách kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc một cách hiệu quả. Phòng tâm lý không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn đóng vai trò giáo dục, giúp các em phát triển một số kỹ năng như quản lý cảm xúc, trò chuyện với bản thân,…. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một môi trường học tập an toàn, nơi Học sinh được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ để trở thành những cá nhân khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các nhân viên tâm lý tại TDS không đơn thuần là những người hỗ trợ, mà còn là những người bạn đồng hành trong hành trình các em khám phá chính bản thân mình. Họ lắng nghe không chỉ bằng tai, mà bằng cả trái tim và sự thấu cảm, giúp các em từng bước xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc, để có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.
——————–
Để làm được điều này, nhà trường đã tạo ra một không gian cởi mở, thân thiện nhưng kín đáo, nơi Học sinh có thể tự do chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc mà không lo bị phán xét. Qua quá trình lắng nghe và đặt những câu hỏi thích hợp, các nhân viên tâm lý sẽ hỗ trợ các em nhận diện cảm xúc và gọi tên được vấn đề mà mình đang gặp phải.
Phòng tâm lý học đường không chỉ là nơi hỗ trợ Học sinh với các vấn đề về cảm xúc, mối quan hệ,… mà nó còn thể hiện sự quan tâm toàn diện của nhà trường đối với sức khỏe tinh thần của học sinh. Giống như khi gặp vấn đề về sức khỏe thể chất, Học sinh phải xuống phòng y tế, thì khi cảm xúc bất ổn, Học sinh cũng cần có một nơi để chia sẻ và tìm sự hỗ trợ về tinh thần. Sự hiện diện của Phòng tâm lý cũng giúp Học sinh nhận ra rằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là cần thiết và hoàn toàn thuận tự nhiên, không nên bị xem nhẹ hay né tránh.