Không còn là cô học trò nhút nhát năm nào
“Thầy Tate từng đùa lớp con rằng, tên của thầy phát âm gần giống từ “Tết” trong tiếng Việt. Với con, năng lượng mà thầy truyền tải cũng giống như ý nghĩa và tinh thần của lễ hội ấy, luôn ấm áp và tràn đầy sức sống, luôn xứng đáng được trân trọng. ”
Đó là những lời bộc bạch đáng yêu mà Phan Nguyễn Châu Anh (11 Berlin) dành cho người thầy của mình. Ngắm nhìn cô học trò nhỏ năng động, hoạt bát với nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi, ít ai nghĩ rằng, đã từng có một Châu Anh thật khác cách đây 2 năm trước…
Bỡ ngỡ, rụt rè là những cảm xúc tự nhiên của một cô bé 15 tuổi khi làm quen với môi trường mới. Nhập học tại Dewey vào giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, giãn cách xã hội vô hình trung trở thành rào cản khiến Châu Anh ít có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với các bạn trong lớp. Vốn là một cô bé hướng nội, cộng thêm những nhạy cảm của tuổi mới lớn, Châu Anh từng gặp khó khăn khi hòa nhập với trường lớp, bạn bè mới.
“Hồi đó, con cảm thấy mình có nhiều nét tương đồng với nhân vật Charlie trong cuốn sách The perks of being a wallflower.” Châu Anh bồi hồi nhớ lại. Giống như đóa hoa nở âm thầm trên tường, cậu bé Charlie từng sống khép mình, chỉ lặng lẽ quan sát cuộc sống của những người xung quanh. Trong những ngày đầu tại ngôi trường mới, Châu Anh cũng từng có lúc thu mình vào thế giới riêng, đắm chìm trong những trang sách mỗi giờ ra chơi.
Sự đồng cảm và thấu hiểu của người thầy
Hình ảnh một cô bé có vẻ ngoài trầm lắng, chăm chú đọc sách hay đôi lúc đăm chiêu suy nghĩ đã thu hút sự chú ý của người thầy. “Tôi cảm nhận một sự đồng điệu đặc biệt với Châu Anh bởi hồi còn là học sinh, tôi cũng từng có lúc suy tư như thế khi mải mê nghĩ về một điều gì đó trong sách. Tôi nhìn thấy phiên bản hồi trẻ của mình qua em ấy, một đóa hoa thầm lặng nhưng cũng khao khát được nở rộ.” – Thầy Tate chia sẻ.
Niềm đam mê sách, phim ảnh và khoa học đã trở thành sợi dây kết nối giữa Châu Anh và thầy Tate. Mỗi tiết học của thầy Tate luôn thời khoảng thời gian tràn đầy năng lượng của cô bé. Trái ngược với một Châu Anh nhút nhát, rụt rè thường thấy, con luôn thể hiện sự say mê, nhiệt tình trong mỗi bài giảng của thầy. Châu Anh cho biết: “Chương trình học của lớp con tương đối khó, có những bài học liên quan đến những kiến thức sinh học như nghiên cứu về cấu tạo gen, về tập tính tự nhiên của các loài động vật nhưng thầy luôn biết cách tạo hứng thú cho cả lớp bằng những “fun facts” không nằm trong sách vở.”
Không chỉ truyền cảm hứng cho Châu Anh qua mỗi tiết học thú vị, thầy Tate cũng là người giúp cô bé tháo gỡ những “nút thắt” trong lòng. Người thầy ấy đã lắng nghe, đồng cảm với những cảm xúc mong manh nhất, yếu đuối nhất của một cô học trò nhỏ trong quá trình hòa nhập với môi trường mới. “Cảm xúc của chúng ta cũng giống như thời tiết, có ngày nắng và có cả những ngày mưa. Nhưng tất cả rồi sẽ qua. Vậy nên, bất luận là con đang vui hay buồn, thầy tin rằng những cảm giác này rồi sẽ qua thôi.” Châu Anh nhớ mãi lời khuyên đó của thầy.
Quá trình trưởng thành và thành tích nổi bật của Châu Anh
Bằng niềm tin và sự trân trọng dành cho người thầy của mình, Châu Anh đã dần cởi mở hơn, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, bắt đầu có thêm nhiều người bạn mới. Trong năm học lớp 10, đội thi của Châu Anh xuất sắc giành giải nhất hạng mục Nhảy hiện đại tại cuộc thi D-show. Châu Anh cũng “bỏ túi” nhiều thành tích học tập đáng nể khi liên tiếp giành danh hiệu học sinh tiêu biểu của tháng, là học học sinh duy nhất khối 11 giành học bổng 50% của Nhà trường. Chứng kiến sự “lột xác” và trưởng thành của con gái, chị Vân Anh – mẹ của Châu Anh cũng không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào.
Đối với Châu Anh, sự xuất hiện của thầy Tate giống như sự hiện diện của tia nắng mùa xuân. Sau những ngày đông dài, ánh nắng ấy đã đánh thức nguồn năng lượng mới, sức sống mới, để đóa hoa lặng lẽ nở trên tường ngày nào vươn mình rực rỡ.
Ai đó đã từng nói: “Những thứ đẹp nhất trên đời không thể thấy và chạm vào được, chúng chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.” Tình thầy trò giữa thầy Tate và Châu Anh là một điều đẹp đẽ như thế.
Tình cảm thầy trò ấy cũng củng cố niềm tin của The Dewey Schools vào sứ mệnh “nâng đỡ và phát triển con người” của giáo dục. Một bác sĩ có thể không chữa được mọi bệnh, một người thầy cũng không thể dạy cho học sinh mọi điều. Tri thức không phải là tất cả tại trường học, nuôi dưỡng tình yêu thương, sự tử tế, nâng đỡ và tạo điều kiện phát triển toàn diện cho các con mới là sứ mệnh đích thực của giáo dục, cũng là sứ mệnh cao cả của người thầy.