Tại The Dewey Schools, học sinh được sống thật với cảm xúc của mình thông qua những công cụ khác nhau. Các em được thả gánh nặng cảm xúc, tự tin sống thật với chính bản thân mình
Khi trường học là “vùng an toàn” để Học sinh bộc lộ cảm xúc
Thế giới cảm xúc vốn là một nơi ẩn sâu trong mỗi con người, một nơi mà mỗi hành trình thường là lâu dài, đơn độc và khó khăn. Để tạo được một môi trường nơi mỗi người bạn nhỏ có thể cảm thấy đủ an toàn bộc lộ nội tâm của mình, các Giáo viên Văn-Nghệ thuật Thị giác tại Dewey Tây Hồ Tây đã đưa Triển lãm “Tiếng nói bàn tay” vào dự án học tập liên môn đầu tháng 3 của các bạn Học sinh Khối 5.
Các thầy cô giáo chính là những ngọn hải đăng mang lại nguồn sáng dẫn lối trên biển cả cảm xúc, để mỗi con thuyền tâm hồn của các bạn vẫn luôn đúng hướng. Ở vùng biển an toàn này, các TDSers được trao kiến thức về tâm lý – cảm xúc, và được truyền những công cụ hỗ trợ cho hành trình khám phá bản thân của mỗi bạn Học sinh.
Nghệ thuật Thị giác giúp con diễn đạt cảm xúc của mình
Trong môn Nghệ thuật Thị giác, Học sinh được học kỹ thuật vẽ tranh, những lưu ý về bố cục, màu sắc, đường nét để tổng thể bức tranh hài hòa, có tính thẩm mỹ. Còn trong môn Văn, các em được tìm hiểu về cách biểu đạt tình cảm của Nghệ thuật tạo hình, có sự so sánh, đối chiếu với cách biểu đạt tình cảm của các loại hình nghệ thuật khác. Qua đây, Học sinh thể hiện nhu cầu biểu đạt tình cảm qua loại hình nghệ thuật này, biết thưởng thức và tự làm ra cái đẹp nghệ thuật theo con đường những người nghệ sĩ đã từng đi. Trong quá trình thực hiện dự án này, các bạn Học sinh đã được trang bị những công cụ mạnh nhất trong hành trình bộc lộ cảm xúc và sống chân thật với chính mình của từng cá nhân.
Bạn Thuỷ Minh 5Atlanta vô cùng xúc động khi thuyết trình về sản phẩm của mình trong Triển lãm: “Đây là bức tranh của con, nói về những suy nghĩ mà con đã có trong đầu suốt nhiều năm qua. Con đã từng nghĩ là mình không đủ xinh, mình béo quá, mình gầy quá… Và nó làm tinh thần của con tụt xuống rất nhiều. Con đã vẽ bức tranh này để giải tỏa những cảm xúc ấy và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Bây giờ con sống thật với suy nghĩ của con.”
Triển lãm “Tiếng nói bàn tay” – Nơi con được “biểu diễn” cảm xúc của mình
Cảm xúc là những hành lý quá cân. Chúng ta cố chấp mang theo bên mình, thì sẽ phải trả một cái giá đắt cho nó. Nhưng nếu nhẹ nhàng đặt nó xuống, chúng ta sẽ kịp cất cánh tới những bầu trời xa và cao hơn rất nhiều!
Để giúp các TDSers có công cụ, cũng như nơi để bộc lộ cảm xúc bản thân một cách khoa học và tốt cho sức khoẻ vật lý cũng như tâm lý, Triển lãm “Tiếng nói bàn tay” đã diễn ra trong vòng 3 ngày từ 1-3/3/2023 tại Sảnh E, The Dewey Schools Tây Hồ Tây, và thu về hàng trăm lời chia sẻ từ những vị khách tham dự.
Bố của Học sinh Thuỷ Minh 5 Atlanta tâm sự: “Mình rất là vui khi được đến đây tham dự triển lãm ngày hôm nay. Thực ra, Thuỷ Minh dành tuổi thơ ở Mỹ khoảng 3 năm, và cũng như các bạn ở Việt Nam thôi, COVID đã ảnh hưởng rất là nhiều. Khi xem bức tranh và bài viết của con thì bản thân mình có một sự đồng cảm rất lớn, bởi ai cũng sẽ có những suy nghĩ, hay sự tự ti như vậy. Chúng ta luôn cần tìm cách để vượt qua. Mình rất cảm ơn trường Dewey đã tạo ra một môi trường để Học sinh trường có cơ hội thể hiện cảm xúc của mình, như Thuỷ Minh vừa nói, có cơ hội để nói ra những điều đó. Khi chúng ta có điều gì đó chất chứa trong lòng, nếu được nói ra thì sẽ giúp chúng ta được giải toả, có được suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống. Mình thực sự cảm ơn Nhà trường!”
Những tác phẩm mang tên “nỗi lòng con”
Thầy Vũ Đình Phước – Giáo viên bộ môn Nghệ thuật Thị giác Khối Tiểu học chia sẻ: “Để bộc lộ cảm xúc của mình các con cần nhiều loại công cụ, vẽ chính là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà thầy được biết. Tại đây thầy trao cho các con loại công cụ thầy dành cả đời học hỏi, cũng mong các con có một nguồn mở để giải toả những cảm xúc của mình, những điều bản thân cảm thấy khó nói, khó diễn tả trong cuộc sống, không có giới hạn, không có khó khăn… tất cả đều là có thể trên nền giấy trắng.”
Nhà kho của các phiền muộn – Nguyễn Vũ Nhật Anh – 5Chicago
Tên bức tranh của tôi là “Nhà kho của các phiền muộn”. Lúc bắt đầu, tôi có nghe thấy một cuộc hội thoại từ bố tôi đến đồng nghiệp kể về các tâm tư của người bố. Nên tôi vẽ bức tranh này để thể hiện các tâm tư của bố tôi.
Khi tôi vẽ, tôi vừa thương vừa hối hận vì tôi biết rằng bố tôi phải chịu đựng, trải qua những điều này. Tôi vẽ bức tranh này để bố tôi và các cha mẹ ngoài kia có chung hoàn cảnh hãy mạnh dạn bày tỏ và chia sẻ với các con để các con hiểu và giúp đỡ được phần nào. Tôi chọn màu xanh cho những điều như: Làm sao để cho con vui? … Tôi chọn màu đỏ cho những điều như: Làm sao để đảm bảo an toàn cho con? …
Tôi đã thể hiện các phiền muộn của không chỉ bố tôi mà còn các cha mẹ ngoài kia nữa.
Khác biệt – Trần Ngọc My Lan – 5Chicago
Tôi nghĩ rằng mọi người trên thế giới này đều có quyền để trở nên khác biệt. Bạn sẽ chẳng bao giờ bắt chước một cuộc sống của người khác được. Mỗi người đã được sinh ra với một khuôn mặt và tính cách khác nhau. Điều đó tạo cho thế giới ta đầy màu sắc. Có người sẽ tức giận và căm ghét, điều đó thể hiện cho màu xanh lá cây. Ngoài căm ghét, thù hận ra thì ta còn có vui vẻ và hạnh phúc. Đó chính là màu đỏ. Còn con người không có màu thể hiện cho sự khác biệt ở trong xã hội. Tuy mỗi người đều khác nhau nhưng ta vẫn luôn nên học cách để tôn trọng họ. Mỗi người đều có được một giá trị khác nhau trong cuộc sống. Không ai hơn ai cả. Vì vậy ta nên sống vì chính chúng ta, chúng ta không sống vì ai cả.
Lăng kính cầu vồng – Vũ Như Ý – 5Boston
Một ngày đẹp trời nào đó trong tháng 2, năm 2023, tôi bắt đầu phác thảo bức tranh mang tên “Lăng kính cầu vồng”. Tôi đã phải suy nghĩ khá nhiều trước khi đặt bút vẽ và sau khi bạn bè trong lớp đã sắp vẽ xong tranh rồi thì tôi mới phác được vài nét chì.
Chủ đề của bức tranh là về hạnh phúc gia đình. Bức tranh vẽ một ngôi nhà được tô vẽ lên một cách rực rỡ, nhưng xung quanh lại là một khu rừng tăm tối và trời đêm không trăng, sao. Tuy vậy, gia đình sống trong ngôi nhà ấy vẫn rất hạnh phúc và vui vẻ, dù ngoài kia thật nguy hiểm và đáng sợ. Có lẽ là vì họ đang ở trong ngôi nhà ấm áp và thân thương của họ, không quan tâm ngoài kia thế nào, vì họ đã ở nhà.
Sự khác biệt của giới tính – Phạm Gia Bảo Hân – 5NewYork
Tên tranh của tôi là “Sự khác biệt của giới tính”. Bởi vì tôi thấy được sự khác biệt của người khác nhìn vào các giới tính nam và nữ. Tôi đã dùng màu dạ để tô.
Trong tiết Lối sống, tôi đã thấy rằng người ta vẫn luôn coi con trai là một người mạnh mẽ, chỉ một chút yếu đuối người ta sẽ lôi việc con trai phải mạnh mẽ ra để bàn tán. Con gái thì vẫn luôn được nghĩ là một người phải hiền lành, chăm lo gia đình và ở nhà nội trợ. Tôi không thể hiểu được như vậy nữa. Vì vậy tôi đã vẽ các chi tiết giống nhau và chia đôi bức tranh. Tôi đã tô một nửa là màu xanh da trời tượng trung cho con trai và phần còn lại tôi tô màu hồng để tượng trung cho con gái. Tôi thấy một số người già thường hay thích con trai vì có thể nối tiếp dòng họ. Còn con gái chân yếu tay mềm thì chỉ nên ở nhà lo bếp núc, nhà cửa để con trai yên tâm đi làm. Thế nhưng, tôi chỉ thấy điều ấy thật cổ hủ. Sao họ không cùng nhau cố gắng lao động để kiếm tiền mà cứ nghĩ chỉ con trai mới làm được?
Nên tôi đã vẽ bức tranh này để kêu gọi mọi người trên Trái đất này, mong rằng sẽ có sự công bằng về giới tính.
Mời các bố mẹ cùng xem lại những khoảnh khắc Ngày Khai mạc Triển lãm của những nghệ sĩ “nhí” và những cách thể hiện cảm xúc của các bạn Học sinh!