📚Năm học 2021 -2022 đã trôi qua theo 1 cách đặc biệt. TDSers phải dành phần lớn thời gian học tập trực tuyến và các em chỉ được đến trường học trực tiếp 2 tháng cuối năm học. Chưa bao giờ việc học tập nói chung và học bộ môn Văn – Tiếng Việt nói riêng lại có nhiều thách thức đến thế. Chúng ta khó khăn ngay cả với việc tìm kiếm ánh mắt của thầy cô, bạn bè, khó khăn với quá nhiều thứ cám dỗ trên không gian ảo. Một hành trình trôi qua đầy biến động, nhưng với sự cố gắng, thích nghi, linh hoạt trong cách dạy và học của cả thầy lẫn trò, hành trình đó cuối cùng đã cập bến thành công và chứa đựng nhiều cảm xúc.
🖋Văn và Tiếng Việt vốn không phải là những môn học khô khan, nhưng nếu không biết cách liên hệ và kết nối với thực tiễn cuộc sống thì khó có thể thu hút được Học sinh. Trăn trở với điều đó, các thầy cô tổ Khoa học Xã hội The Dewey Schools đã rất nỗ lực để tổ chức hoạt động “thực học – thực làm” với những dự án thực tiễn để tạo hứng thú và kéo các em Học sinh đến gần hơn với Văn – Tiếng Việt.
Trong thời gian vừa qua, Học sinh Khối 6-10 cùng Giáo viên bộ môn Văn – Tiếng Việt đã cùng nhau làm việc nghiêm túc suốt 5 tuần để hoàn thành trọn vẹn Bài học cuối năm có tên gọi “Những thế giới trong tâm trí”.
❓Tại sao lại là Bài học cuối năm? Và tại sao lại là ““Những thế giới trong tâm trí”?
Bài học cuối năm là hoạt động tổng kết thường niên của môn Văn – Tiếng Việt tại The Dewey Schools cuối mỗi năm học. Gọi theo cách khác, Bài học cuối năm như là 1 tiết học lớn với cả Giáo viên và Học sinh. Tiết học mà tất cả thầy và trò, cùng ba mẹ được hội tụ, được ngồi cùng nhau ở sân khấu lớn nhất trường. Nhìn lại, chúng ta đã trải qua các giờ học, ôn tập cái đã biết trong tiết học, học cái mới, sơ kết các tiết học và thực hiện những dự án trải nghiệm mới mẻ xuyên suốt trong năm học. Trong tổng thể năm học, Học sinh được trải qua bài mở đầu, tiến trình những bài học mới, rồi tới Bài học cuối năm. Đây là lúc các bạn nhìn lại những điều chúng ta đã học trong năm qua, tự lựa chọn 1 vấn đề mà mình quan tâm, muốn đào sâu nghiên cứu để viết thành tiểu luận, và tạo ra các sản phẩm học tập khác.
Năm nay, Bài học cuối năm môn Văn – Tiếng Việt THCS & THPT được tổ chức dưới hình thức Hội thảo mở với tên gọi “Những thế giới trong tâm trí” – được gợi cảm hứng từ cuốn sách cùng tên nằm trong tủ sách Cánh buồm. Cô Nguyễn Thị Thanh Hải – Giám đốc Chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hội đồng Khoa học và sư phạm The Dewey Schools chia sẻ: “Có thể nói đây là tủ sách đầu tiên tại Việt Nam đã dịch ra những tác phẩm về Tâm lý học giáo dục hiện đại, cung cấp tài liệu cho các nhà trường, nhà sư phạm một cách đầy đủ và có hệ thống về mặt lý luận, dạy học. “Những thế giới trong tâm trí” tại The Dewey Schools còn được lấy cảm hứng từ phát biểu của Nhà giáo Phạm Toàn: “Giáo dục phổ thông cho ra đời một loại sản phẩm kép, gồm một mặt là cái có thể nhìn thấy được và một mặt nữa là cái gì đó rất khó nhìn thấy. Một mặt sản phẩm nằm trong kỹ năng của học trò, còn một mặt kép nữa nằm trong tâm trí”. Với môn Văn, các sản phẩm Tiểu luận, Video… là 1 mặt của quá trình học tập, là những cái thể hiện kỹ năng của các em Học sinh. Còn 1 mặt khác không phải là những sản phẩm hữu hình, đó là nghệ thuật, là ngôn ngữ, sự sáng tạo trong tâm trí của các em”.
📌Hai nhiệm vụ được đặt ra cho Học sinh trong Bài học cuối năm là viết tiểu luận cá nhân và thực hiện video theo nhóm. Đối với Tiểu luận, các em được phép chọn bất cứ đề tài yêu thích nào trong phạm vi bộ môn. Còn với nhiệm vụ nhóm, để làm việc hiệu quả nhất, các em tự mình tổ chức các cuộc họp, phân chia công việc rõ ràng và chịu trách nhiệm cho phần công việc của mình. TDSers đã tận dụng toàn bộ thời gian của các tiết học Văn – Tiếng Việt, giờ ra chơi và thời gian sau giờ học với hy vọng có thể khắc họa rõ nét nhất về “những thế giới” đầy màu sắc trong tâm trí của các em và gửi tới người xem những thông điệp ý nghĩa qua các video “handmade”.
🔑Điều đặc biệt của dự án này là thay vì được đánh giá trên thang điểm 10 như những bài kiểm tra chuẩn thông thường, các em Học sinh được đánh giá theo từng tiêu chí cụ thể ứng với mỗi thể loại sản phẩm. Cụ thể, đối với sản phẩm là Tiểu luận, tiêu chí đánh giá sẽ là cách các em tư duy chọn đề tài, khả năng xây dựng dàn ý, viết thành công tiểu luận và bảo vệ những luận điểm đưa ra trong tiểu luận trước lớp. Đối với hạng mục làm video theo nhóm, các em được đánh giá dựa trên ý tưởng cho video, kịch bản tự viết, quá trình quay phim, dựng phim, làm đồ họa và ý thức khi làm việc nhóm. Đây cũng là cách kiểm tra đánh giá đặc biệt tại The Dewey Schools. Vượt qua khuôn khổ của điểm số hay thành tích, cách học tập này giúp thầy cô, ba mẹ đánh giá đúng năng lực, sở trường của Học sinh, và giúp các em có niềm yêu thích thực sự với môn học này.
💬Cô Thanh Hải cũng cho biết thêm: “Cách học tập như thế này là điều mà tôi đã quan sát trong suốt mấy năm học vừa qua. Các bạn học sinh được chủ động sáng tạo, trao quyền để quyết định trải nghiệm học tập của mình. Các thầy cô không chỉ nỗ lực hướng dẫn, truyền cảm hứng cho Học sinh mà còn nỗ lực bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại. Tôi thực sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các em và cả các thầy cô. Những bài tiểu luận của các bạn có thể còn vụng về, những thước phim tự làm có thể còn chưa tới, nhưng vẫn thể hiện rõ sự tiến bộ của các bạn so với chính bản thân mình trước kia.”
💬Trâm Anh – Lớp 10 Kyiv cho biết: “Bản thân con ấn tượng nhất về 2 phần chính của chương trình là Báo cáo tiểu luận và công chiếu các tác phẩm phim xuất sắc. Ở phần tiểu luận, các bạn đã thể hiện được quá trình và khả năng nghiên cứu của các bạn cũng như nhìn thấy những kiến thức mà các bạn tiếp thu được trong suốt 1 năm học vừa qua. Phần công chiếu phim thì cho thấy khả năng biên kịch và dựng phim rất tuyệt vời khiến cho bọn con không chỉ cười bởi sự hài hước mà còn khâm phục khả năng sáng tạo của các bạn nữa. Con xin được gửi lời cảm ơn trực tiếp đến cô Vân Anh, Giáo viên Văn – Tiếng Việt của lớp, cô đã hướng dẫn bọn con trong các bài học khó của chương trình lớp 10 cũng như hướng dẫn làm các dự án làm phim và các bài tiểu luận trong phân môn Tiếng Việt. Cảm ơn các thầy cô tổ Khoa học xã hội vì đã soạn chương trình giảng dạy rất công phu đặc biệt là trong năm nay và giúp đỡ bọn con rất nhiều để bọn con có thể hoàn thành sản phẩm tốt như ngày hôm nay.”
💬Phương Linh- 9 Dublin thì hào hứng chia sẻ sau khi kết thúc chương trình: Năm học sau chắc chắn con sẽ vẫn giữ tình yêu to lớn với Tiểu luận vì mặc dù nó khá khó khăn nhưng con cảm thấy năng lực của mình được công nhận một cách rõ ràng”.
🌿Dự án “Những thế giới trong Tâm trí” là 1 minh chứng rõ nét về bản lĩnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống của TDSers, đồng thời là thành quả đầy tự hào sau một năm học đặc biệt mà các em Học sinh muốn “khoe” với thầy cô, bố mẹ. Chắc hẳn, các bậc Phụ huynh cũng đã không khỏi bất ngờ trước những bài Tiểu luận xuất sắc với đề tài khó nhằn, những thước phim ngắn lấy ý tưởng từ chính vấn đề thực tế của Gen Z hay những bộ phim hoạt hình “vượt ra khỏi giới hạn phòng chiếu của một trường học” theo chia sẻ của Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn. Nhưng trên tất cả, những trải nghiệm các em có được trong quá trình thực hiện dự án là điều quý giá nhất, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để có những bước tiến xa hơn trong hành trình học tập và trưởng thành của mình.
Cùng nhìn lại những khoảnh khắc đầy cảm xúc tại Hội thảo tổng kết Văn – Tiếng Việt THCS – THPT năm học 2021-2022 nhé!