“Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ Việt Nam đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc” – đó là lời nhận định của Giáo sư Đào Duy Anh – cây đại thụ của nền Sử học Việt Nam trong lời đầu sách Từ điển Truyện Kiều (1974).
Trải qua những biến thiên của dòng chảy lịch sử, Truyện Kiều vẫn là một tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du trong đời sống nhân dân Việt Nam. Nhưng Truyện Kiều có thực sự được đón nhận đúng với giá trị của mình hay chỉ là cái tên của lịch sử? Tất cả sẽ được giải mã với dự án Tìm hiểu cách lan tỏa Truyện Kiều của các Học sinh lớp 9Wellington.
Những màn trình diễn hiện đại nhưng không làm mất bản sắc xưa
Trong hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc với từng bước tìm hiểu về tác phẩm truyện Kiều được xem là quãng thời gian thật sự khó khăn và gian nan của các bạn Học sinh. Thay vì mở đầu bằng những bài luận phân tích, nghiên cứu, 4 chàng trai Việt Anh – Gia Hưng – Tiến Đạt – Việt Anh đã mang tới một không gian sôi động đậm chất Gen Z khi đưa truyện Kiều vào Rap. Màn Rap ngẫu hứng với phần đầu kể về nàng Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, sống trong cảnh êm ấm cùng cha mẹ và hai em đã giúp cho không gian buổi báo cáo được mở ra đầy hào hứng.
Cách các TDSer học về tác phẩm văn học không phải là việc “học chay”, “học vẹt” và đặc biệt là với tác phẩm truyện Kiều chứa đựng nhiều lối nghệ thuật ẩn dụ, tả cảnh ngụ tình, ước lệ… Bài tiểu luận của TDSer Hà Vy với chủ đề “Trò chơi đố Kiều” đã phần nào hóa giải cho cái khó của ngôn ngữ Kiều khi người dân Việt Nam tuy không biết chữ Nôm nên không đọc được “Truyện Kiều” nhưng tác phẩm này vẫn lan tỏa khắp đất nước.
Thêm một minh chứng cho sức sống của Truyện Kiều trong đời sống dân gian chính là màn Bói Kiều do chính TDSer Khánh Hòa trực tiếp “xem bói” cho tất cả khách mời đến tham gia dự án. Qua hoạt động này, các bạn Học sinh hiểu được rằng Bói Kiều không phải mê tín mà là một nét văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Quẻ Kiều không cho ra một phán quyết chung cuộc, cái mà con người ta có được là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh và sự chiêm nghiệm trong cuộc sống.
Khi văn hoá dân gian giao hoà cùng thế hệ mới
Tiếp nối buổi báo cáo, các vị khách mời còn đặc biệt ấn tượng với sản phẩm lan tỏa Truyện Kiều qua hình thức Tờ rơi gấp với các nội dung: Lẩy Kiều, Vịnh Kiều, Bói Kiều, Đố Kiều, Tập Kiều của nhóm 1 và Scrapbook của nhóm 2. Tết mục múa Em đây chẳng phải Thúy Kiều của TDSer Diệp Anh và Phương Anh đã thêm một lần nữa khẳng định Văn hóa dân gian Việt ‘sống dậy’ trong âm nhạc đương đại.
Chia sẻ về dự án Kiều, cô giáo trẻ Phương Thảo tự hào: “Để nói học Kiều có khó không thì chắc chắn là có khi ta cần hiểu nhiều lớp nghĩa ẩn sâu trong lớp chữ. Nhưng những gì các bạn Học sinh làm được đều thật đáng tự hào. Các bạn chủ động học, chủ động tìm tòi và nghiên cứu, đưa ra những góc nhìn hiện đại với Truyện Kiều từ đó có cho mình những hiểu biết về kiến thức, sự trưởng thành sau hơn 1 tháng làm dự án. Với mình đó mới là điều quý giá nhất mình có thể để lại cho các bạn.”
Chúc mừng các Học sinh lớp 9Wellington đã tiếp tục chinh phục thêm một dự án Học tập thật thành công và hẹn gặp lại các bạn vào những dự án trong tương lai!