Nhận thấy tầm quan trọng của IELTS trong hành trình học tập tiếng Anh của TDSers, từ năm học 2022-2023, The Dewey Schools đã quyết định đưa vào giảng dạy trực tiếp bộ môn IELTS ngay trong chương trình học của học sinh THCS & THPT, đồng thời định hướng hoàn thiện lộ trình IELTS cá nhân với từng học sinh.
“Độ nóng” của chứng chỉ IELTS vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong thời điểm hiện nay. Đây không đơn thuần là 1 chứng chỉ kèm theo mà đã trở thành một trong những hành trang thiết yếu của các bạn Học sinh trên hành trình hội nhập. Nhưng để thực sự hiểu tại sao cần một mức điểm IELTS nhất định, cũng như làm thế nào để đạt được mục tiêu đó thì không phải ai cũng có thể giải đáp rõ ràng được!
Chương trình Hội thảo cung cấp thông tin và lộ trình chương trình IELTS dành cho toàn bộ các bạn Học sinh Trung học đã được tổ chức ngay đầu năm học tại The Dewey Schools. Dẫn dắt Hội thảo là thầy Nguyễn Hùng Tuân – Chuyên gia IELTS, cùng sự tham gia của các khách mời đặc biệt: cô Vũ Phương Nhi – Trưởng Ban Chương trình Tiếng Anh và Ngữ Văn Anh (ERPC) và bạn Nguyễn Thanh Mai học sinh lớp 8Canberra, người đã đạt 8.5 IELTS ngay trong lần thi đầu tiên ở năm học trước.
Khi nào các bạn Học sinh muốn thi IELTS? Và kết quả mà các bạn kỳ vọng khi ôn thi là bao nhiêu? Đưa ra 2 câu hỏi này trong phần mở đầu của chương trình, các thầy cô nhận ra vẫn có nhiều bạn chưa có kế hoạch về IELTS hay chưa có dự định trong việc tìm hiểu sâu sắc về kỳ thi, và thể hiện một số sự hoang mang nhất định khi nhận thấy xung quanh có những bạn đã có mục tiêu và lộ trình khá rõ ràng cho IELTS rồi.
Lúc này, bảng hướng dẫn để TDSers có thể nắm bắt được lộ trình IELTS của bản thân mình trong hành trình học tập tại Dewey đã được các thầy cô đưa ra. Trong phần này, các bạn có thể đối chiếu được trình độ của mình dựa trên cả bảng quy chuẩn CEFR và IELTS. Các bạn được làm quen với “band descriptors” (Tiêu chí chấm điểm) và biết cách đọc những thông tin chính để lọc ra những yêu cầu đối với từng band điểm của mỗi kỹ năng. Cả khán phòng xôn xao thảo luận với người ngồi cạnh mình về những điểm cần chú trọng và khác nhau giữa band 6, 7, 8, mục “Fluency and coherence” (Độ trôi chảy và mạch lạc) của kỹ năng Nói.
Có rất nhiều bạn đã đưa ra được những câu trả lời rất hay và chính xác khi phân biệt điểm khác nhau đáng kể trong câu từ chính thức được diễn giải ra ở phần Tiêu chí này của Cambridge. Tuy nhiên, phân biệt trên câu chữ và phân biệt trong thực tế vẫn là hai khái niệm ở cách nhau khá xa. Làm thế nào để các bạn học sinh nhỏ tuổi có thể nhận thấy rõ được sự khác biệt ấy?
Đây chính là lúc cô Nhi và bạn Thanh Mai đã đặc biệt xuất hiện để chia sẻ và thực hành ví dụ cho toàn bộ các bạn học sinh tham dự Hội thảo. Thanh Mai đã thực hiện 3 bài kiểm tra Speaking ở ba cấp độ band điểm 6, 7 và 8. Nhiệm vụ của các bạn học sinh khác lúc này là dựa trên Tiêu chí chấm điểm đã được làm quen ở phần trước, và “thử làm giám khảo IELTS”, đưa ra nhận định của mình về việc bài nói nào đang ở mức điểm nào. Đây là hoạt động thực tiễn nhất để TDSers có thể thấy rõ được sự khác biệt giữa các band điểm, và cũng là cách hỗ trợ tốt nhất để các bạn hình dung được cách hướng về đích đến mà mình đang đặt ra trên “đường tới IELTS”. Lúc này phần thảo luận giữa các bạn Học sinh diễn ra rất sôi động. Nhiều tiếng ồ à vang lên bởi các em cũng bất ngờ với những yêu cầu của mỗi band điểm thực ra lại không khó để đạt được như mình đang “thần thánh hoá” nó lên.
Khép lại buổi Hội thảo trong không khí sôi nổi, thầy Tuân chia sẻ: Bất cứ một kỳ thi nào, nếu các em có người cùng “giải phẫu” đề thi, cách ôn thi, đưa ra ví dụ thực tế, trực quan, cùng các em kết nối các điểm cần chú trọng, thì bỗng dưng kỳ thi ấy không còn là “điều đáng sợ” nữa, mà nó chỉ còn là một “bước rào” chờ các em vượt qua”. Rất nhiều kiến thức quan trọng khác về IELTS sẽ tiếp tục được lên sóng ở những số “Road to IELTS” sắp tới, TDSers đừng bỏ lỡ nhé!