Việc tiếp nhận thông qua các giác quan, các hoạt động thực tế, gần gũi thiên nhiên là vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng nền tảng nhận biết thế giới xung quanh của các em. Đồng thời còn giúp học sinh khai mở tâm hồn, dễ dàng tạo ra những ý tưởng độc đáo. Đây cũng là một lý do chính yếu khi lựa chọn không gian ngoài trời trở thành “lớp học” của các em.
Cùng con đi tìm “cảm hứng” sáng tác
Hành trình đi tìm “cảm hứng” làm thơ của TDSers lớp 6 Dewey Tây Hồ Tây chẳng hề gián đoạn dù trời mưa, hay nắng. Thay cho bài học trong lớp, là giờ học mở giữa lòng thiên nhiên, lang thang vào khoảng sân trường đầy cây, hoa, lá.
Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời
Hôm nay, em đi gặp cây cỏ
Hôm nay, em đi chạm ngọn gió
Hôm nay, em ngắm nhìn khoảnh sân
Hôm nay, em đi tìm cảm hứng…
(Trích thơ Nguyễn Thiên Ngân)
Đây là giờ tĩnh lặng. Giờ học dành riêng cho cảm xúc, vun vén tâm hồn của mỗi thi sĩ nhí. Để các con có thể phát triển khả năng ngôn ngữ của mình – như là một công cụ để học hỏi, suy tư, bày tỏ cảm nhận về đời sống xung quanh mình. Hay đơn giản hơn, để trí tưởng tượng của các con được bay theo nắng gió, trôi theo mây trời, cao thật cao và xa thật xa… Phải chăng tất cả những điều này còn quan trọng hơn nhiều những bài văn “chuẩn mẫu”?
Thông qua những giờ học hòa mình cùng thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, Học sinh còn học được cách sống hòa hợp với thiên nhiên để trưởng thành hạnh phúc. Tiếp xúc và hòa mình với thiên nhiên diệu kỳ con càng biết trân trọng và thương yêu tự nhiên, dặn mình sống chan hòa và bảo vệ muôn loài, biết tạo dựng màu xanh cho cuộc sống an lành.
“Và rồi, ta có thiên nhiên, hội hoạ và thi ca, và nếu tất cả những điều ấy là không đủ, thế nào mới là đủ?”