“Văn học xuất phát từ những rung động trong tâm hồn. Học văn là học cách đồng cảm với cuộc đời bởi đồng cảm chính là gốc rễ của nghệ thuật” – Đó là những lời gợi mở của MC nhí Gia Hân khi dẫn dắt khán giả bước vào cuộc hành trình khám phá thế giới Văn- Tiếng Việt của học sinh khối 5.
“Bài học cuối năm Văn – Tiếng Việt” của học sinh khối 5 đã biến Dewey trở thành một thế giới sống động, nhiệm màu. Từ những kiến thức sâu sắc về nghệ thuật như nhảy múa, âm nhạc, tạo hình, trữ tình, tự sự đến hoạt động ngôn ngữ trong xã hội như ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính,… tất cả đều được tái hiện sinh động, đầy lôi cuốn trên sân khấu. Nét diễn hồn nhiên của các con khiến thế giới văn chương trở nên thật dịu dàng, lấp lánh màu sắc trẻ thơ.
Thế giới văn chương mà cô và trò Dewey tạo nên không chỉ là thế giới của tri thức mà còn là thế giới của tinh thần nhân văn. Mượn tình huống từ truyện dân gian “Cóc Kiện Trời”, các bạn học sinh đã mang đến một phiên tòa giả lập, xử tội Rồng mải chơi, không phun mưa, gây hậu quả nghiêm trọng tới trần gian. “Rồng đã nhận nhiệm vụ, ăn bổng lộc của triều đình thì không được lý do lý trấu. Rồng phải tìm cách thay vì tìm lý do!”. Đằng sau lời nói đanh thép của Cóc là bài học sâu sắc về lòng trung thực, dũng cảm nhận sai và sửa chữa lỗi lầm. Đó cũng chính là một trong những giá trị cốt lõi mà Dewey hướng tới.
Sau những tràng cười sảng khoái tại phiên toà xử tội Rồng, vở kịch “Chuyện trẻ nhỏ” tiếp tục đưa khán giả bước vào một thế giới tưởng tượng đẹp đẽ, diệu kỳ, vừa lạ lẫm nhưng cũng thật thân quen. Ở đó, ba mẹ như được trở về với tuổi thơ, gặp lại những nhân vật thân quen trong truyện cổ Andersen, những chị gà mái, những chú lính chì, cô bé bán diêm,… Ở đó, chú lính chì không cần phải chiến đấu với quỷ dữ để chứng minh lòng dũng cảm. Ở đó, nhân vật Andersen phải gật gù đồng tình: “Ta đã từng ngao du khắp thế gian nhưng hôm nay ta nhận được một bài học từ một em bé dám chữa lại văn của ta. Em đã đúng, con quỷ trong truyện của ta là con quỷ của sự mông muội, còn sự dũng cảm trong câu chuyện em thêm thắt là sự dũng cảm của trí tuệ.”
“Bài học cuối năm môn Văn – Tiếng Việt” của học sinh khối 5 cũng làm sống dậy những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó là màn hóa thân xuất sắc vào hình tượng bất khuất của tướng Trần Bình Trọng “thà làm quỷ nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”. Đó là tinh thần lạc quan của những người lính trong kháng chiến qua bài hát “Nhạc rừng”.
Những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, khái niệm về cú pháp, văn bản được học từ lớp 1 đến lớp 4, tất cả đã trở thành hành trang vững vàng để TDSers chiếm lĩnh những khái niệm ngôn ngữ trong năm học lớp 5. Các con được tự mình nói lên những rung động trước cái đẹp, được đi lại con đường của người nghệ sĩ khi tạo ra tác phẩm nghệ thuật, được thoả sức ngụp lặn trong thế giới của văn chương.
Xúc động và tự hào – đó là những dư âm cảm xúc đọng lại trong lòng ba mẹ sau khi ngắm nhìn những màn trình diễn thăng hoa của các con học sinh lớp 5 trên sân khấu. Anh Bùi Ngọc Sơn – phụ huynh bé Bùi Vân Trang (lớp 5 Boston) miêu tả, sân khấu mà các con mang đến giống như một bữa tiệc thịnh soạn môn Văn-Tiếng Việt, một buổi liên hoan về nghệ thuật. “Tôi tin rằng, qua bữa tiệc ấy, các bậc phụ huynh đã thưởng thức những món ăn ngon, những đặc sản của môn Văn-Tiếng Việt tại trường Dewey”.
Chị Nguyễn Thuỳ Anh – phụ huynh bé Nguyễn Phong Anh Minh (lớp 5 Los Angeles) chia sẻ: “Tôi cảm thấy được một nguồn nội lực mạnh mẽ của các con khi đứng trên sân khấu. Đó không còn là nhiệm vụ của mà đã trở thành niềm yêu thích, sự đam mê của các con. Với màn thể hiện xuất sắc ngày hôm nay, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự trưởng thành của các con trong tương lai.”