Học qua dự án (Project-based learning) là 1 trong 4 phương pháp học tập thông qua trải nghiệm tại hệ thống trường The Dewey Schools, xuyên suốt từ bậc Tiểu học đến THPT. Phương pháp này có thể hiểu đơn giản là Học sinh thực hiện một dự án học tập để tự mình tìm tòi, áp dụng kiến thức, đồng thời phát triển kĩ năng của môn học. Như vậy, việc học diễn ra ngay trong quá trình học sinh thực hiện các công việc của dự án, không phải học xong một bài học hoặc chủ đề sau đó mới áp dụng kiến thức đã học để thực hiện dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án học tập, Học sinh luôn là trung tâm và tự chủ với việc học của mình.
- Các mục tiêu của dự án hướng đến việc giúp Học sinh đạt được các tiêu chuẩn năng lực của môn học;
- Học sinh duy trì truy vấn, tìm câu trả lời trong suốt quá trình thực hiện dự án;
- Học sinh được đưa ra các lựa chọn quyết định về sản phẩm học tập;
- Học sinh được quyền thử và sai, đánh giá và rút kinh nghiệm, phản biện và điều chỉnh, sau đó tiếp tục với lựa chọn tốt nhất;
- Học sinh chủ động, tích cực hợp tác với bạn bè cùng sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành các công việc của dự án;
- Học sinh báo cáo, trình bày sản phẩm của dự án trước nhiều Học sinh và giáo viên, phụ huynh.
Chúng ta có thể hình dung cụ thể hơn qua dự án tìm hiểu về cảm hứng sáng tác ca dao của các bạn Học sinh khối 6 năm học 2022 – 2023. Các bạn có tiết học đầu tiên để tìm hiểu chung về ca dao và triển khai dự án. Câu hỏi cốt lõi, mang tính thử thách cho Học sinh là: Vì sao người ta sáng tác ca dao? Trước câu hỏi lớn này, Học sinh tìm câu trả lời để đạt được mục tiêu học tập qua các việc: sưu tầm ca dao, phân loại ca dao theo chủ đề, làm việc nhóm hoặc cá nhân thực hiện sản phẩm học tập tự chọn như: đóng kịch, chuyển thể ca dao thành tranh, truyện tranh, làm video v.v…
Trong quá trình thực hiện dự án này, Học sinh được sự hướng dẫn, tư vấn, đánh giá, rút kinh nghiệm của giáo viên. Các em cũng tương tác liên tục với nhau ở lớp cũng như ở nhà để tìm ra các câu trả lời cũng như hoàn thiện sản phẩm. Cuối cùng, các em tổ chức một buổi hội thảo để báo cáo các sản phẩm học tập trước tất cả bạn bè khối 6 và thầy cô giáo.
Xem thêm: Dạy học giải quyết vấn đề: Ưu nhược điểm và cách triển khai
Chứng kiến và theo sát toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Học sinh cho tới tiết cuối cùng là báo cáo dự án, các giáo viên tại The Dewey Schools Cầu Giấy luôn tràn đầy niềm tự hào về Học sinh của mình. Vì được tự chủ với việc học nên Học sinh đã thực hiện được các sản phẩm học tập, học hỏi và phát triển, nâng cao kĩ năng, năng lực học tập rất nhanh chóng, nhiều bạn còn vượt qua kì vọng của thầy cô. Hơn hết, dù thực hiện dự án học tập có không ít vất vả nhưng các bạn Học sinh đều rất thích thú, hào hứng; nhìn lại dự án luôn là niềm vui vì được làm việc cùng nhau và rất, rất nhiều kinh nghiệm thực tế được rút ra.
Chính vì vậy, chỉ cần sau 1 năm học tại Dewey, Học sinh có thể nắm chắc, thậm chí thành thạo với phương pháp học tập qua dự án. Nhiều bạn còn tự tin với vai trò trưởng nhóm, dẫn dắt các bạn thực hiện dự án hoặc trở thành trợ giảng đắc lực của thầy cô.
Tuy nhiên, để có được những dự án học tập thành công và sự trưởng thành của Học sinh đáng tự hào như vậy, các thầy cô giáo Dewey luôn phải không ngừng học tập và trau dồi cả về kiến thức và phương pháp giảng dạy. Để Học sinh học tập qua dự án hiệu quả, giáo viên phải là người hiểu rõ bản chất và thành thạo phương pháp dạy học qua dự án. Giáo viên khi đó vừa là người tổ chức giờ học, vừa là người hướng dẫn, tư vấn, quản lí dự án, tổ chức sự kiện… Từng việc làm của giáo viên sẽ là định hướng, hình mẫu tham khảo quan trọng cho Học sinh trong học tập dự án.
Có thể nói, học tập qua dự án đã và đang là phương pháp học tập đặc trưng tại The Dewey Schools. Nhờ đó, Học sinh Dewey luôn là người học chủ động, tự chủ với việc học của mình và tự tin, không ngừng sáng tạo, vượt qua giới hạn của bản thân.
Bài viết được thực hiện bởi cô Hoàng Thị Tâm (Tổ trưởng Văn Tiếng Việt cấp THCS)