Hà Nội, ngày 15.11.2021
Viết cho một ngày đầu đông, bầu trời Dewey xanh thật xanh!
Một cái chớp mắt, bốn năm học trôi qua. Nghĩ về những thứ đã qua và những điều sẽ đến, tôi không khỏi bâng khuâng. Một mùa 20/11– ngày mà chúng tôi gọi vui là “Ngày-của-chúng-ta”, lại tới. Tôi nhất tâm hướng về những người thầy trong nghề của mình….
Có thể nói, Dewey là một phần thanh xuân của tôi. Từ một “chị giáo độc thân” mới chập chững vào nghề, giờ đây tôi đã là “cô giáo một con” với gia đình nhỏ của mình. Năm tháng qua, tôi từng vui với từng hoạt động của học trò, từng hạnh phúc với tình đồng nghiệp ấm áp, từng khóc với những biến cố thăng trầm. Dewey không chỉ là cái tên, Dewey là máu chảy trong tim, là nụ cười trên môi, là tâm huyết của không biết bao nhiêu con người tạo dựng nên nó. Lời tri ân không khó, nhưng tôi đã phải lấy hết dũng khí mà thốt ra thành lời….
Tôi nhớ về người thầy lớn – Cố nhà giáo Phạm Toàn. Nếu như trường Đại học Sư phạm Hà Nội là mảnh đất màu mỡ để những “hạt mầm” như chúng tôi gieo xuống, nảy nở thì năm tháng được thầy Toàn dìu dắt, chỉ bảo chính là ánh mặt trời rực sáng. Chỉ khi hướng về ánh mặt trời, tôi mới tìm ra chân lí của đời mình. Đó là phương pháp giáo dục hiện đại, là tâm huyết với khát vọng “tổ chức sự trưởng thành cho thanh thiếu niên Việt Nam”. Người đã về cõi vĩnh hằng, nhưng giọng nói sang sảng “Phải LÀM! Phải tổ chức VIỆC LÀM! Học sinh phải được nghĩ, được nói và được LÀM!” vẫn cứ văng vẳng bên tôi. Tôn chỉ ấy như ghim vào trí não, ghim vào trái tim, để tôi mang theo chúng vào từng tiết học…
Tôi nghĩ về người thầy, người chị lớn – Chị Thanh Hải – Giám đốc chương trình Khoa học xã hội và Nhân văn của Hội đồng Khoa học & Sư phạm Dewey. Chị đã dang tay đón tôi – một cô sinh viên non nớt – cho tôi cơ hội, cho tôi niềm tin rằng cứ-nỗ-lực-sẽ-được-đền-đáp. Dù tối muộn hay sáng sớm, tôi có điều khó, sẽ có chị lo! Chị không chỉ là quản lí, là người hướng dẫn mà còn là người thấu hiểu, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn nghề giáo. Cũng có những lúc tôi hoài nghi về chính cuộc đời mình, hoài nghi về con đường sự nghiệp đang theo đuổi. Người chị – người thấy ấy đã cho tôi hiểu rằng, trên đời này sẽ không có con đường nào là hoàn hảo, chỉ có con đường mà ta-dám-dấn-thân-vì-nó….
Tôi nghĩ về những người thầy “nhỏ mà vĩ đại” của đời tôi – Học trò. Mỗi một dự án học tập, một bài học trôi qua, tôi thầm nghĩ, các em học, nhưng, người học được nhiều nhất, phải chăng chính là tôi? Học để biết rằng, Giáo viên chưa bao giờ là người thông minh, tài giỏi hơn Học sinh – chúng ta chỉ là những người đi trước. Học để hiểu rằng một mầm cây bé nhỏ cần, rất cần thầy cô, bố mẹ nâng niu, uốn nắn. Học để nhận ra rằng đằng sau mọi gánh nặng trong công việc thì nụ cười hồn nhiên của học trò chính là phần thưởng vô giá. Tôi luôn tâm niệm: “tôi không dạy Học sinh” mà là “tôi và Học sinh cùng học như thế nào”….
Lời cuối, tôi nghĩ về chính mình. Cảm ơn bản thân vì đã không bỏ cuộc! Cảm ơn vì những năm tháng đã qua, dù khó khăn thế nào vẫn dành niềm tin trọn vẹn ở khoảng trời Dewey. Cuộc đời có bão giông, có vất vả, hãy cứ mạnh mẽ mà bước tiếp…..Bởi, trên con đường ấy, tôi-chưa-bao-giờ-đơn-độc.
—-
Bài viết trên đây là chia sẻ của Cô Bế Thị Thanh Thanh – Tổ trưởng Tổ Khoa học Xã hội cấp THCS&THPT The Dewey Schools.
- Cô Thanh tốt nghiệp loại xuất sắc lớp Chất lượng cao khoa Văn đại học sư phạm Hà Nội, gắn bó với Dewey từ ngày đầu thành lập, là thế hệ giáo viên đầu tiên của trường được sự dìu dắt, huấn luyện sư phạm bởi nhà giáo Phạm Toàn.
- Đến nay là năm thứ 5 công tác tại trường, cô Thanh thực sự là người giáo viên tận tâm, nhiệt huyết, tổ chức những giờ học Văn cho các em Học sinh theo đúng tinh thần tự học, tự mình khám phá, làm giàu tri thức.
- Bên cạnh công tác giảng dạy, cô Thanh còn là một Giáo viên Chủ nhiệm yêu thương và nghiêm khắc với Học sinh, kỳ vọng cao ở các em trong lối sống, hành vi ứng xử… Sự tận tâm của cô Thanh trong công tác chủ nhiệm được Học sinh và Phụ huynh rất ghi nhận.