Ngay tại “cái nôi” của nghề truyền thống làm gốm Việt Nam – Bảo tàng Gốm Bát Tràng, TDSers đã cùng tìm hiểu các môn Khoa học xã hội và Nghệ thuật Thị giác ngay tại khuôn viên của bảo tàng. Lớp học vẽ nón tại xưởng sáng tạo là hoạt động đầu tiên mà TDSer được trải nghiệm ngay sau khi tới đây, các Học sinh vô cùng thích thú khi được tự tay trang trí chiếc nón của riêng mình theo đúng sở thích.
Khám phá lịch sử của nghệ thuật lâu đời
Trong những không gian trưng bày nghệ thuật gốm gắn liền với lịch sử phát triển qua từng thời kỳ, những tác phẩm điêu khắc được các nghệ nhân gốm tự tay nhào nặn tỉ mỉ và tinh tế, tái hiện nhiều hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của nghề gốm. Từ đó, các bạn nhỏ cũng có thêm hiểu biết về vai trò và giá trị của nghề làm gốm nói riêng, ngành nghề thủ công nghiệp thời xưa nói chung trong nền kinh tế Việt Nam.
Đến với bảo tàng Gốm, ngoài những tác phẩm có lịch sử lâu đời hàng trăm năm, các TDSers còn được “du hành” trên chuyến tàu lịch sử, đi qua những chiến công lừng lẫy, những sự kiện vang dội của các vị vua thời Lê, thời Trần và của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Không gian nghệ thuật đương đại – triển lãm điêu khắc ánh sáng.
Cải thiện teamwork và học hỏi lịch sử qua những trò chơi
Bên cạnh những giờ tìm hiểu lịch sử văn hóa, TDSer có cơ hội được thắt chặt tình đồng đội, nâng cao khả năng teamwork, hóa thân làm “running man“ bằng trò chơi “Giải mật mã làng cổ”. Từng lớp sẽ được các hướng dẫn viên chỉ dẫn và đưa ra các nhiệm vụ phải hoàn thành để nhận được mảnh bản đồ còn thiếu, đi tới những địa điểm mang đậm dấu vết lịch sử như: Văn Chỉ, Nhà ký ức con đường lửa, cổng làng…
Bạn Phạm Khánh Linh – Học sinh lớp 5Miami hào hứng chia sẻ: “Con thấy buổi dã ngoại rất vui, các câu hỏi ở làng cổ khá khó nên chúng con phải giải mãi mới xong. Con đã có một trải nghiệm rất vui khi đến đây.”
“Trong chuyến đi học tập ngoài trời lần này, nhà trường đã sắp xếp một chương trình rất thú vị và bổ ích, giúp các bạn Học sinh học hỏi rất nhiều kiến thức mới, mở rộng hiểu biết về làng cổ truyền thống của Việt Nam. Lớp của mình cũng đã về nhất trong thử thách ở làng cổ, cả cô và trò đều vui vì đã có một buổi dã ngoại đầy ý nghĩa.”
Kết thúc chuyến đi dã ngoại với rất nhiều các cung bậc cảm xúc, các TDSers đã gắn kết hơn, đồng thời phát triển kỹ năng hợp tác làm việc nhóm. Qua hoạt động trải nghiệm, các bạn có cơ hội hiểu hơn về lịch sử, về nghệ thuật, và cả những vất vả, khó khăn của người lao động đằng sau những sản phẩm gốm đẹp mắt và tinh xảo. Từ đó, các TDSer thêm tự hào với những giá trị truyền thống của dân tộc. Hy vọng rằng các bạn đã có một trải nghiệm khó quên bên bạn bè, thầy cô tại “cái nôi” của tinh hoa làng nghề Việt.
Tìm hiểu thêm:
- Học thông qua chơi: Phương pháp dạy giúp trẻ hứng thú học tập
- 9 mẹo giúp cân bằng giữa học và chơi cho trẻ hiệu quả
- Cân bằng học tập và vui chơi tác động tới con như thế nào?