Có phải chỉ cần giỏi Tiếng Anh và cập nhật đầy đủ những gì đang diễn ra trên thế giới là sẽ trở thành Công dân toàn cầu?
Tại The Dewey Schools, định nghĩa Công dân toàn cầu không dừng lại ở đó. Tiêu chuẩn năng lực Công dân toàn cầu còn là việc Học sinh có được kỹ năng Thấu cảm, Giao tiếp, Tư duy phản biện, Hợp tác, Hiểu sự khác biệt và tương tác một cách tôn trọng; từ đó tự tin, sẵn sàng hành động hiệu quả và có trách nhiệm trong cộng đồng.
Qua mỗi tiết học, Học sinh có cơ hội tiếp cận các khía cạnh xã hội theo một cách gần gũi, dễ hiểu. Từ những vấn đề được giáo viên đặt ra, Học sinh tự suy ngẫm, đưa ra nhận định cá nhân, làm việc nhóm, qua đó đúc kết được góc nhìn đa chiều, rèn luyện được lòng thấu cảm với mỗi đối tượng trong cộng đồng và đưa ra cách ứng xử, hành động phù hợp.
Tiết học về “Phá bỏ Thành kiến” mới đây của các TDSers khối 9 bắt đầu bằng một câu chuyện của 2 chú ếch. Giáo viên đặt ra những câu hỏi để Học sinh cùng suy ngẫm. Tại sao một chú ếch rơi xuống giếng lại dễ dàng bỏ cuộc khi nghe những lời nói “Khó lắm”, “Không làm được đâu” từ những người xung quanh? Tại sao chú ếch khác bị điếc thì lại có thể thành công nhảy ra khỏi giếng?
Từ việc trả lời những câu hỏi, Học sinh được hiểu được những nhận định “đóng khung” về một ai đó, một điều gì đó chính là “Thành kiến”. Chú ếch nhảy ra khỏi giếng là tượng trưng cho những con người thành công phá bỏ thành kiến và nỗ lực đạt được mục tiêu.
Sau những suy ngẫm ban đầu, TDSers được làm việc nhóm để rèn luyện Tư duy phản biện. Các bạn đã nhập vai Gen Z và Người lớn để tranh biện, bảo vệ bản thân trước những “thành kiến” mà nhóm đối thủ nói tới.
Thầy Vũ Đức Anh – Giáo viên Công dân toàn cầu tại The Dewey Schools nhấn mạnh, Công dân toàn cầu không giới hạn trong 1 tiết học hay 1 môn học mà được khéo léo lồng ghép ở tất cả các môn. “Ví dụ như bài tập vận dụng của học sinh về Phá bỏ thành kiến đòi hỏi việc học sinh có kiến thức về lịch sử, địa lý gắn với các chế độ xã hội, đặc điểm tự nhiên xã hội để có thể chỉ ra các thành kiến đã tồn tại, phát triển và biểu hiện cụ thể trong xã hội loài người như thế nào. Từ đó, đưa ra góc nhìn của cá nhân và giá trị ứng dụng của bài học. Ở bài sản phẩm của học sinh chúng ta đã thấy rõ được các thành kiến được vận dụng các kiến thức Lịch Sử, Địa lí như: phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính…”
Công dân toàn cầu và Học tập liên văn hóa là một trong ba tuyên bố sư phạm nền tảng của The Dewey Schools. Nhà trường cam kết cung cấp cho Học sinh các trải nghiệm đa văn hóa và cơ hội tiếp cận các vấn đề toàn cầu. Qua đó hỗ trợ học sinh phát triển các kỹ năng giao tiếp và hợp tác, trở thành những nhà lãnh đạo tự tin và thấu cảm, tư duy phản biện, tương tác với sự tôn trọng và hành động có trách nhiệm.
Gen Z ăn chơi, phông bạt? Người lớn bảo thủ, cứng nhắc? Thành kiến chỉ được phá bỏ khi chúng ta đủ Thấu cảm, Hiểu sự khác biệt và tương tác một cách tôn trọng. Đó cũng chính là những năng lực cần thiết để tạo nên một công dân toàn cầu tự tin, có trách nhiệm và khát khao đóng góp những giá trị tích cực cho cộng đồng.