“Dạy học là giúp các em đánh thức khả năng của bản thân, tự tin bước ra thế giới”
Người cô luôn tận tâm với nghề
“Mình luôn áp dụng phương pháp dạy học coi học sinh làm trung tâm, tôn trọng sự sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh hơn là “trói buộc” học sinh đi theo những kiến thức khô khan bất động trên trang sách. Mình không muốn cho học sinh đi theo một lối mòn nào đấy. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ còn người tìm tòi để đưa ra lời giải sẽ là học sinh, như vậy các con mới hiểu được bản chất của vấn đề, của kiến thức đó. Vì vậy, học sinh của mình khi giải một bài toán cũng không rập khuôn theo một phương pháp nào mà chủ yếu dựa trên ý hiểu của các con về bài học và kiến thức mình đã tích lũy được. Với cách học đó, các bạn sẽ học vì mong muốn khám phá ra kiến thức mới, hay giải được một bài toán khó chứ không đơn thuần vì điểm số hay một bài kiểm tra nào đó và quan trọng hơn là nội dung bài học sẽ theo bạn mãi về sau”. Đây là quan điểm dạy học mà cô Vũ Cẩm Vân, giáo viên Toán THPT Dewey áp dụng trong suốt hành trình 5 năm gắn bó với nghề của mình.
Dạy và học là quá trình tương trợ lẫn nhau, giáo viên sử dụng kiến thức của mình để dạy học sinh, học sinh sử dụng trải nghiệm cá nhân của mình để giáo viên có cơ hội nhìn nhận lại và nâng cao cách giảng dạy của mình cho tương lai. Giảng dạy và học tập nên là sự “sống”, biết chuyển động, biết thích ứng và biết cố gắng phát triển chính mình chứ không chỉ dừng lại ở việc trao truyền kiến thức một cách thụ động. Việc tiếp nhận phản hồi từ Học sinh một cách tích cực của cô Vân cũng truyền cảm hứng cho chính các TDSer giúp các bạn cảm thấy ý kiến, trải nghiệm của mình được lắng nghe, từ đó mang đến nhiều hơn động lực học tập để yêu thứ mình học, yêu việc tiếp nạp kiến thức.
Theo cô Vân, chính nhờ sự trao đổi chủ động, tôn trọng lẫn nhau này, việc gây dựng niềm tin trong mối quan hệ thầy-trò đã có ảnh hưởng lớn tới những thành công trong giảng dạy cho tới nay của cô. Trao đi – nhận lại, “cô trò mình cùng hiểu nhau, hiểu năng lực của các con sẽ là phần quan trọng tác động trực tiếp tới phương pháp giảng dạy của mình như thế nào”. Với cô Vân, mỗi thầy cô giáo đều có những cách dạy học rất riêng, nhưng tựu chung, chúng ta đều cùng đi trên một con đường hướng tới mục tiêu truyền lại những kiến thức hữu ích nhất cho thế hệ các học sinh, không vì cách mình đã được dạy mà bỏ quên cách thế hệ trẻ đón nhận kiến thức trong thời đại mới.
Chặng đường đầy nỗ lực và sứ mệnh thay đổi cách nhìn về học tập
Từ thời học sinh sinh viên, cô gái chuyên Toán Trường THPT Nguyễn Huệ đã luôn thích tìm tòi, thử thách bản thân trước những điều khó. Từ Học bổng du học Hiệp định Chính phủ Nga năm 2015 tới Học bổng của Đại học Hongkong 2019. Cô cũng là một trong những sinh viên tiêu biểu nhất được Đại học Giáo dục cử sang Đại học Chiba (Nhật Bản) theo hình thức du học sinh trao đổi văn hóa, cô Vân đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong chặng đường “học” này.
Ở cô Vân luôn tỏa ra năng lượng của sự tích cực, nhiệt huyết phấn đấu tìm ra cái mới, cô không ngại khổ, ngại khó, chỉ ngại khi… học sinh không cho mình cơ hội được “học” cùng các em trên chặng đường sắp tới!
Cô Vân chia sẻ đầy tự hào: “Thành tựu lớn nhất trên chặng đường giáo dục với mình là làm thay đổi cách nhìn của một Học sinh với việc học, từ việc con chán ghét đến trường, ghét việc học đặc biệt là môn Toán, trở thành một đứa trẻ chủ động trong việc học, có động lực và ước mơ. Gần đây nhất là trong dự án toán của khối 10 mình cũng rất ngạc nhiên khi các bạn Học sinh có thể tìm tòi các kiến thức mới bất kể thời gian. Mình thấy rằng học tập qua dự án là cách học giúp Học sinh được phát triển toàn diện nhất bao gồm cả kiến thức và kỹ năng, giúp các em biết cách sử dụng các kiến thức được học vào đời sống. Việc học qua dự án cũng mang đến nguồn cảm hứng cho Học sinh với các môn học, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên vốn là những công thức, định lý… khô khan khó hiểu.”