Vấn nạn bạo lực học đường đang có khuynh hướng gia tăng và trở thành nỗi trăn trở của nhiều trường học và phụ huynh. Hậu quả của hành vi này không chỉ gây ra những tổn thương trên cơ thể mà còn những tổn thương khác về mặt tinh thần.
Vậy những tác hại nguy hiểm do hậu quả của bạo lực học đường gây ra là gì, The Dewey Schools sẽ cùng phụ huynh nhìn nhận trong nội dung bài viết sau đây.
Thực trạng bạo lực học đường đã và đang là nỗi trăn trở của nhà trường và phụ huynh
Bạo lực học đường là chủ ý ngược đãi có hệ thống và có chú ý về thể xác và tâm lý bởi một hoặc một nhóm học sinh với một hay nhóm học sinh. Trong đó nạn nhân là những em học sinh không có khả năng tự vệ. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra tại Việt Nam, tại các nước đang phát triển khác mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trên thế giới mỗi năm có khoảng 4 – 6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Tại Việt Nam, bình quan có khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau mỗi ngày, cứ khoảng 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau, 11.000 học sinh có 1 em bị thôi học do đánh nhau. Đặc biệt, không ít vụ bạo lực học đường đã vượt qua giới hạn thông thường trở thành hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đáng tiếc.
Những số liệu trên đây chỉ là con số thống kê “phần nổi của tảng băng chìm” bởi có nhiều trường hợp nạn nhân bạo lực học đường âm thầm chịu đựng hậu quả. Những vụ đánh nhau, cự cãi, xích mích không chỉ dừng lại giữa các em học sinh mà còn kéo theo nhiều phụ huynh khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Do đó tác hại của bạo lực học đường đã và đang trở nên nghiêm trọng và kéo dài. Vậy bạo lực học đường gây ra những tác hại gì?
Hậu quả của bạo lực học đường đối với trẻ em
Hậu quả của bạo lực học đường lớn nhất là đối với trẻ em, những học sinh trực tiếp chịu tác động xấu từ những hành vi bạo lực. Những tác hại nguy hiểm có thể kể đến như là tác động xấu đến sức khỏe thể chất, ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình học tập, ảnh hưởng đến tương lai và các mối quan hệ của trẻ. Cụ thể:
Tác hại xấu đến sức khỏe thể chất
Hậu quả của bạo lực học đường phổ biến, dễ nhận biết nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất. Người bạo lực có thể sử dụng các hành vi như đánh đập, cào cấu, sử dụng dụng cụ, công cụ để hành hung nạn nhân. Các vật hành hung thường được sử dụng là dép, guốc chiếm 28%, gạch đá 4%, gậy gộc 8%, ống nước hay dao lam 0,7%… Tùy theo dụng cụ sử dụng gây nên mức độ thương tích khác nhau.
Một điểm cần lưu ý là tình trạng bạo lực học đường thường xảy ra theo hình thức đội nhóm, tập thể. Nạn nhân bị bạo lực từ 1 nhóm người, do đó hậu quả tác động lên thể chất là điều khó dự đoán. Trên thực tế đã có những trường hợp nạn nhân bị đánh đập gây tàn phế, hoặc mất mạng.
Có những ý kiến cho rằng, những cuộc đánh nhau mà học sinh tham gia là điều bình thường trong môi trường giáo dục. Tuy nhiên nếu chúng ta không kịp thời phát hiện thì từ những mâu thuẫn nhỏ có thể dẫn đến những vết thương nghiêm trọng và bạo lực học đường sẽ gây ra những hậu quả lâu dài không mong muốn.
Hậu quả của bạo lực học đường đối với trẻ em là rất lớn
Ảnh hưởng đến tâm lý
Hậu quả của bạo lực học đường đối với nạn nhân còn là sự ảnh hưởng tới phát triển tâm lý của trẻ. Những hình thức trêu trọc, xô đẩy, dọa nạt, bình phẩm ác ý, cô lập, làm nhục… sẽ để lại tổn thương nặng nề.
- Tự ngược đãi: Nhiều nạn nhân bạo lực học đường trở nên suy sụp, tự làm đau bản thân mình, tự ngược đãi chính mình sau khi bị bắt nạt. Theo một số khảo sát. sau khi trải qua bạo lực học đường có đến 18% số trẻ từng tự làm tổn thương bản thân. Những tổn thương tâm lý, tinh thần khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường khác với tổn thương trên cơ thể. Nó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển, tâm lý của mỗi nạn nhân, người bạo hành.
- Tâm lý suy sụp: Do phải chịu đựng nhiều tổn thương tinh thần, trẻ bị bạo lực cảm thấy cô đơn, chán nản và suy sụp. Tâm lý sợ hãi, ám ảnh kéo dài vì phải tìm các đối phó với những kẻ bắt nạt khiến các em luôn sống trong tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý.
Trong thời đại công nghệ thông tin, hậu quả của bạo lực học đường lên sức khỏe tâm lý, tinh thần ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài bạo lực trực tiếp, hiện nay hình thức có thể diễn ra bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử thông qua các trang mạng như website, email, hội nhóm, diễn đàn, mạng xã hội…
Người bạo lực sẽ sử dụng hình ảnh, video, câu từ, nội dung dạy cảm để bôi nhọ, cách lý, nhục mạ nạn nhân khiến các em xấu hổ, kích động và dẫn đến những hành động bộc phát khi tinh thần không ổn định. Nạn nhân thường là học sinh ở độ tuổi dậy thì chưa trưởng thành dễ bị kích động, khó kiểm soát tâm lý.
Tham khảo: Các hình thức bạo lực học đường mà học sinh có thể gặp phải
Ảnh hưởng đến quá trình học tập
Một trong những hậu quả của bạo lực học đường phổ biến khác đối với trẻ em đó là ảnh hưởng đến quá trình học tập. Khi trẻ bị tổn thương về tinh thần hay thể chất sẽ làm quá trình học tập thiếu tập trung, sợ hãi khi phải đến trường, thường xuyên trốn học dẫn đến kết quả yếu kém bị ở lại lớp hoặc lưu ban. Hậu quả này có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, đối với trẻ mầm non, tiểu học, THCS, THPT thậm chí là cả sinh viên đại học.
Học sinh gây bạo lực cũng phải đối mặt với sự kỷ luật của nhà trường, với sự trả thù của nạn nhân hay gia đình nạn nhân. Nghiêm trọng hơn nhiều em còn phải đối mặt với sự truy tố của pháp luật gây gián đoạn việc học tập.
Hậu quả của bạo lực học đường ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ
Ảnh hưởng đến tương lai
Thường xuyên bị bạo lực học đường làm cho trẻ bị sức khỏe, thể chất, tâm lý, kết quả học tập. Các em ngày càng trở nên sống cách biệt, rụt rè, hoảng sợ mất niềm tin vào những người xung quanh, vào cuộc sống. Đây chính là 1 trong những nguyên nhân khiến nạn nhân gặp khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ
Hậu quả của bạo lực học đường còn làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ của học sinh. Trẻ tự ti, xấu hổ, lo sợ thường xuyên mà không dám chia sẻ việc bị bạo hành với bất cứ ai, bao gồm cả người thân. Bên cạnh đó một số trẻ còn bị bạo hành dưới sự chứng kiến của người khác mà không nhận được sự giúp đỡ. Từ đó khiến các em cảm thấy mất niềm tin vào những người xung quanh.
Bạo lực học đường khiến nhiều nạn nhân trở nên khép kín, từ chối các mối quan hệ, sống cô độc, tách biệt, hạn chế giao lưu với người khác. Điều này càng khiến trẻ dễ bị bắt nạt, cam chịu hậu quả bạo lực kéo dài. Một khảo sát đã cho kết quả 64% học sinh đã từng bị bắt nạt tại trường, tuy nhiên có đến 40% trẻ không báo cáo với thầy cô hay chia sẻ với phụ huynh để được hỗ trợ, giải quyết hậu quả.
Cha mẹ quan tâm: Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm trong cuộc sống
Hậu quả của bạo lực học đường đối với người bạo hành
Không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân, tác hại của bạo lực học đường còn gây ra những vết thương khó lành cho cả những người gây ra bạo hành. Khi thực hiện những hành vi bạo lực người khác, chính học sinh cũng đang trong trạng thái bất ổn. Nếu kéo dài, lối sống bạo lực sẽ gây ra những sai lệch cho sự phát triển nhân cách của trẻ.
Hậu quả của bạo lực học đường làm tăng tỷ lệ tội phạm tuổi vị thành niên, đặc biệt là lứa tuổi từ 12 – 17 khi các em đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Theo thống kê của Bộ Công An, có khoảng 1.000 thanh thiếu niên phạm tội mỗi tháng, trong đó 17% số lượng có độ tuổi từ 14 – 18 tuổi. Theo báo cáo từ Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, có hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sinh với hơn 42.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh niên, sinh viên và học sinh chỉ trong 2 năm (2013 – 2015).
Những kẻ bắt nạt trong bạo lực học đường sẽ làm mất đi sự chân thiện trong bản tính của mình khi dùng nắm đấm, bạo lực để giải quyết vấn đề. Các em sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng, việc bị pháp luật trừng trị sẽ khiến tương lai bị ảnh hưởng.
Hậu quả của bạo lực học đường đối người bạo hành đó là hình thành lối sống bạo lực
Hậu quả của bạo lực học đường đối với xã hội
Tác hại của bạo lực học đường không chỉ dừng lại trong môi trường giáo dục, giữa các em học sinh với nhau mà còn gây hậu quả đối với gia đình và xã hội. Khi bạo lực xảy ra nhà trường, gia đình sẽ phải mất nhiều công sức, thời gian và chi phí để giải quyết vấn nạn. Bên cạnh đó dư âm của những tổn thương về sức khỏe, tinh thần còn tồn tại trong thời gian dài.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nạn bạo lực học đường không chỉ xuất hiện ngoài đời thực mà còn báo động trên mạng trực tuyến. Tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trực tuyến ngày càng gia tăng, có nguy cơ cao ở lứa tuổi từ 10 – 18 tuổi. Nếu bạo lực học đường tràn lan, xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống có nguy cơ hình thành một thế hệ trẻ vô cảm, bạo lực. Lúc này hậu quả của bạo lực học đường là cực kỳ nghiêm trọng và nó sẽ trở thành tệ nạn của toàn xã hội không chỉ là vấn nạn gói gọn trong trường học.
Thế hệ trẻ thường đầy năng lượng, nhiệt huyết, muốn chứng tỏ bản thân và dễ bị kích động. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, cần có biện pháp ngăn chặn tác hại của bạo lực học đường, tránh trở thành trào lưu. Đây chính là nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội để đảm bảo tính hiệu quả. Trong đó:
- Học sinh: Học sinh nên tích cực rèn luyện tri thức, kỹ năng sống, học cách kiềm chế cảm xúc, tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động do nhà trường tổ chức. Nhận thức rõ hành vi bạo lực và nói không với hành vi bạo lực, kịp thời thông báo cho cha mẹ, thầy cô giáo để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.
- Gia đình: Phụ huynh cần xây dựng gia đình yêu thương, lành mạnh, nói không với bạo lực để trẻ được lớn lên trong tình yêu thương. Cha mẹ nên gần gũi, chia sẻ, trao đổi tạo niềm tin cho con và can thiệp một cách khéo léo, chừng mực nếu phát hiện trẻ có liên quan đến bạo lực học đường.
- Nhà trường: Giáo dục, trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường bằng phương pháp tích cực. Xây dựng môi trường học tập lành mạnh, văn minh, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi bạo lực hiệu quả. Nhà trường cần có cách giáo dục và hình phạt nghiêm khắc đối với trẻ bạo lực và hỗ trợ với nạn nhân.
- Xã hội: Một trong những nguyên nhân khiến bạo lực phát triển là sự thờ ơ của xã hội. Chúng ta cần loại bỏ bạo lực học đường, giải quyết một cách khéo léo để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ.
Đến đây chắc hẳn chúng ta đã có câu trả lời chính xác cho câu hỏi bạo lực học đường gây ra những tác hại gì? Bên cạnh đó cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và khách quan về hậu quả của bạo lực học đường bởi sự ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước. Nhận thức đúng đắn về tính nghiệm trọng của vấn đề và cùng chung tay góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh cho trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Xem thêm bài viết: Các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có thể bạn không biết