Vấn nạn bắt nạt học đường đã và đang trở nên phổ biến tại nhiều trường học gây ảnh hưởng lớn tới trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ bị bắt nạt kéo dài chịu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần, nhưng không phải người lớn nào cũng nhận biết được vấn đề này.
Vậy bắt nạt là gì, đâu là dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt hay con bị bắt nạt thì phải làm sao? Những vấn đề này sẽ được The Dewey Schools cùng bạn tìm lời giải đáp chính xác nhất trong nội dung dưới đây.
Bắt nạt là gì?
Định nghĩa về bắt nạt theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh là một hình thức của bạo lực giới trẻ đối với nạn nhân, có liên quan đến hành vi hung hãn từ kẻ bắt nạt là 1 cá nhân hay một nhóm người. Nguyên nhân sâu xa của hành vi bắt nạt này là do sự mất cân bằng về quyền lực (theo thực tế hay nhận thức) về sức mạnh thể chất, tiền tài, địa vị xã hội hoặc các chuẩn mực khác được cân đo. Những đứa trẻ bắt nạt thường có quyền lực hoặc địa vị xã hội cao hơn, ví dụ nạn nhân là trẻ nhỏ con hơn, yếu hơn…
Bắt nạt là một hình thức của bạo lực liên quan đến một cá nhân hay nhóm người
Hành vi bắt nạt có thể xảy trong thời gian dài, lặp lại nhiều lần dẫn đến nạn nhân bị tổn hại lớn về tâm lý, thể chất, giáo dục hay xã hội. Bắt nạt là kiểu hành vi khác với sự cố cá biệt hay đơn lẻ như đánh nhau, tranh cãi hay bắt nạt 1 lần. Thông thường những người xung quanh thường khó nhận thấy rõ hành vi bắt nạt cho đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hoặc xảy ra hậu quả xấu.
Bắt nạt là việc làm sai trai nên cần có hành động thích hợp để vấn nạn này không trở nên phổ biến, nạn nhân cần nhận được sự hỗ trợ để sớm ngăn chặn hành vi càng sớm càng tốt.
Các hình thức bắt nạt
Việc bắt nạt có thể xảy ra dưới nhiều hình thức đa dạng, chúng ta có thể nhận ra bằng cách xem xét các hành vi phổ biến như sau:
Bắt nạt lời nói
Bắt nạt bằng lời nói là việc người bắt nạt sử dụng những lời nói hay viết ra lời độc địa với nạn nhân như:
- Hành vi trêu chọc, chế giễu, lăng mạ, chửi bới, chế nhạo hoặc cô lập nạn nhân khỏi xã hội
- Hành vi bêu rếu, tung tin đồn thất thiệt hay nói những điều không đúng về người bị hại
- Bình luận không thích hợp về tình dục
- Đe dọa gây hại
Bắt nạt bằng lời nói
Bắt nạt trực tuyến
Bắt nạt không chỉ diễn ra công trên đời thực mà còn hoạt động sôi nổi trên mạng. Cyberbullying (bắt nạt trên mạng) là hành vi bắt nạt được thực hiện trực tuyến thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, diễn đàn, tin nhắn, hội nhóm, cuộc trò chuyện và các trang web. Đây là hình thức rất khác biệt vì các tin nhắn và hình ảnh có thể được đăng nặc danh và được phát tán rất nhanh chóng đến nhiều người và thu hút số lượng lớn người xem. Cụ thể:
- Gửi tin nhắn, email mà người khác không mong muốn hay nội dung độc địa, gửi hình ảnh khiêu dâm cho nạn nhân, hay gửi hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân cho người khác
- Hành hạ nạn nhân một cách riêng tư, ẩn danh hay công khai thông qua mạng xã hội, tin nhắn, diễn đàn, ứng dụng hoặc trò chơi
- Gửi thông tin không đúng sự thật qua email, tin nhắn hay đăng trên các trang mạng xã hội, sử dụng là những tin đồn thất thiệt, dọa dẫm, nhục mạ nạn nhân
- Đăng hồ sơ giả hay các video, hình ảnh, trang web phản cảm
- Dùng những cách tấn công kiểm soát nạn nhân, liên tục hỏi nạn nhân ở đâu, làm gì, đi cùng ai…
Tham khảo: Bạo lực mạng: Biểu hiện, hậu quả và giải pháp phòng tránh
Bắt nạt bằng vũ lực
Bắt nạt bằng vũ lực là hành vi gây đau đớn, thương tích lên cơ thể nạn nhân hay giật đồ của người đó.
- Đe dọa, gây tổn thương về thể chất như đẩy ngã, đấm đá, đánh, cấu véo nạn nhân
- Nhổ nước bọt vào người khác
- Hành vi phá hoại tài sản, dọa dẫm, bắt buộc nạn nhân phải làm những điều mà họ không muốn
- Ngáng chân cho ngã hay xô đẩy nạn nhân
- Lấy hoặc cướp hay làm hỏng đồ của người khác
Bắt nạt bằng vũ lực
Xem thêm: Bạo lực thể chất là gì? Các hình thức và nguyên nhân diễn ra
Bắt nạt về xã hội
Bắt nạt về xã hội là hành động hay lời nói làm tổn hại đến danh dự hay các mối quan hệ của nạn nhân, bao gồm:
- Chủ ý cô lập một người nào đó
- Vận động, bắt buộc người khác không chơi với nạn nhân
- Truyền tin đồn không hay, không đúng sự thật về một người nào ðó
- Chủ ý làm nạn nhân phải xấu hổ trước đám đông
Dấu hiệu nhận biết ai đó đang bị bắt nạt?
Nạn nhân bị bắt nạt thường lo sợ nên không phải người nào cũng yêu cầu sự giúp đỡ. Do đó việc nhận biết các dấu hiệu ai đó đang bị bắt nạt có thể giúp chúng ta nhanh chóng giải thoát nạn nhân.
Các dấu hiệu nhận biết người khác đang bị bắt nạt có thể là:
- Nạn nhân có những vết thương không thể giải thích được
- Liên tục bị mất hoặc bị làm hỏng quần áo, sách vở, trang sức, đồ điện tử…
- Thường xuyên cảm thấy không khỏe, hay giả vờ ốm, xuất hiện các cơn đau bụng, đau đầu và đau nhiều vị trí khác trên cơ thể
- Thay đổi thói quen ăn uống như đột nhiên ăn uống vô độ hoặc bỏ ăn
- Thường xuyên gặp ác mộng, có biểu hiện khó ngủ
- Không muốn đến trường, không hứng thú với việc học, kết quả học tập đột nhiên giảm sút
- Né tránh các tình huống liên quan đến quan hệ xã hội, đột nhiên mất bạn bè, không muốn tương tác với bạn bè
- Thích ở 1 mình, xuất hiện cảm giác tuyệt vọng, bất lực hoặc giảm lòng tự trọng
- Có hành vi tự hủy hoại bản thân, tự làm tổn thương hoặc có ý định tự tử
Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết người bị bắt nạt
Nên làm gì khi bị bắt nạt?
Bắt nạt là hành vi tồi tệ cần phải lên án và có biện pháp xử lý thích hợp. Vậy chúng ta nên làm gì khi bị bắt nạt?
Nên làm gì khi mình bị bắt nạt?
Nếu bạn là nạn nhân bị bắt nạt trực tiếp, hãy thực hiện theo những bước sau:
- Bình tĩnh: Hãy tập trung vào điều hòa hơi thở của bản thân để giữ bình tĩnh. Việc giữ bình tĩnh mặc dù khó khăn nhưng sẽ giúp bạn thể hiện với đối phương sự vững vàng, khó bị lấn áp, để bản thân cảm thấy tốt hơn.
- Không gây gổ: Chúng ta nên nhớ đứng trước tình huống bị bắt nạt đừng gây hấn lại, sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, khiến đối phương làm bạn bị thương hoặc đổ lỗi cho chúng ta là người gây ra vấn đề.
- Phớt lờ việc bị bắt nạt: Bạn nên cố gắng phớt lờ việc bị bắt nạt bằng cách quay lưng và bỏ đi. Nếu đối phương cố tình chặn hay dừng bạn lại hãy tỏ ra rõ ràng, cứng rắn. Đi cùng bạn bè cũng là 1 ý tưởng tốt để hạn chế việc bị bắt nạt.
- Tìm sự giúp đỡ: Khi bị bắt nạt hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người tin tưởng như phụ huynh, thầy cô giáo, bạn bè khác… để giúp bạn ngăn chặn kẻ bắt nạt.
- Tham khảo thêm thông tin: Hãy tham khảo thêm thông tin về hành vi bắt nạt, phòng tránh và xử lý bị bắt nạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trường học, phòng tư vấn tâm lý… để tìm ra những cách hay giúp bạn tránh bị bắt nạt.
Nên bình tĩnh, tìm sự giúp đỡ khi bị bắt nạt
Nếu đang rơi vào tình trạng bị bắt nạt trên mạng, bạn có thể thực hiện các biện pháp như sau:
- Báo cáo online hành vi bắt nạt: Khi bạn bị bắt nạt dưới bất kỳ hành vi trên mạng nào hãy báo cáo với nơi nó đang diễn ra. Trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội, website… đều có hệ thống báo cáo sẽ gỡ các bài viết bị báo cáo nhanh chóng.
- Lưu giữ bằng chứng bị bắt nạt: Với bất cứ hình thức bắt nạt nào như tin nhắn, hình ảnh, video… mang tính chất bắt nạt mà bạn nhận được, hãy tìm cách lưu giữ bằng chứng đó. Những chứng cứ này rất cần thiết khi bạn cần tố cáo hành vi sai trái của kẻ bắt nạt.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Hay nói chuyện với những người mà bạn tin tưởng để tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề đang gặp phải. Phụ huynh, gia đình, thầy cô, nhà trường… luôn sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ bạn.
- Chặn kẻ bắt nạt: Hãy thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên các nền tảng xã hội, chặn kẻ bắt nạt để họ không tiếp tục gây tổn hại đến bạn.
- Xóa tài khoản trực tuyến: Nếu đã thực hiện nhiều cách ngăn chặn, tố cáo mà hành vi bắt nạt vẫn tiếp tục diễn ra, bạn có thể xóa tài khoản trực tuyến của bản thân và bắt đầu bằng tài khoản mới. Khi dùng tài khoản mới, ban đầu chỉ nên cung cấp thông tin cho danh sách nhỏ bao gồm những người đáng tin cậy.
Nên làm gì khi thấy người khác bị bắt nạt?
Trong trường hợp bạn thấy bạn bè hay người khác bị bắt nạt, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như sau:
- Thăm hỏi: Hãy thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và tôn trọng với nạn nhân bằng cách hỏi han về tình hình của họ và có những động viên phù hợp. Trong trường hợp hộ không muốn trao đổi gì với bạn thì cũng là vấn đề hoàn toàn bình thường.
- Lắng nghe: Lắng nghe những tâm sự từ nạn nhân là cách bạn thể hiện sự quan tâm, cho họ biết là họ không cô đơn. Đồng cảm và chia sẻ giúp họ hiểu rằng nhiều người khác cũng đã phải trải qua tình trạng này.
- Khẳng định mọi thứ sẽ ổn: Hãy nhắc nhở nạn nhân là luôn có người đồng hành, không phải xử lý vấn đề một mình.
- Hỗ trợ tìm kiếm sự giúp đỡ: Hãy tích cực giúp đỡ nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, cùng thảo luận lựa chọn người tin tưởng để chia sẻ về tình hình hiện tại. Trường hợp bị bắt nạt học đường thì giáo viên chính là người đáng tin để bắt đầu trò chuyện.
- Đảm bảo rằng họ an toàn: Sự sợ hãi là tâm lý chung mà nhiều nạn nhân bị bắt nạt phải trải qua, việc bạn hành động, nói chuyện với họ, làm họ tin tưởng bạn là sự đảm bảo an toàn. Hãy chia sẻ về quyết định của bạn với họ nếu rơi vào tình huống như vậy, để nạn nhân có thêm sự lựa chọn giải quyết tình hình của bản thân.
- Chú ý đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân: Bắt nạt là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Vì vậy bạn cần chú ý đến sức khỏe tinh thần của người bị bắt nạt, để cân nhắc việc có cần sự hỗ trợ từ chuyên gia hay không.
Nên hỗ trợ nạn nhân nếu chứng kiến người khác bị bắt nạt
Những ảnh hưởng mà hành vi bắt nạt gây ra
Bắt nạt là hành vi xấu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất của trẻ, thậm chí gây ảnh hưởng lâu dài đến khi trẻ trường thành. Những ảnh hưởng mà hành vi bắt nạt gây ra là:
- Bắt nạt có thể dẫn đến những chấn thương về thể chất, cảm xúc, các vấn đề xã hội thậm chí hậu quả nghiêm trọng là tử vong.
- Nạn nhân bị bắt nạt kéo dài nhiều khả năng bị rối loạn lo âu, trầm cảm, tổn thương lâu dài đến lòng tự trọng. Người bị bắt nạt sẽ cảm thấy cô đơn hay cam chịu, một số khác có thể tìm cách chống trả bằng bạo lực đột ngột hoặc cực đoan.
- Kẻ bắt nạt thường gặp một số vấn đề ở trường học như bỏ học, có nguy cơ cao trong việc chống đối xã hội, trở thành người bạo lực, gây ra những hành động vi phạm pháp luật như đánh nhau, phá hoạt tài sản, lạm dụng chất kích thích. Nếu kéo dài tình trạng xấu đến tuổi trưởng thành họ có nhiều khả năng lạm dụng bạn đời, đánh đập con cái hoặc tham gia vào các hành vi phạm tội.
- Nạn nhân bị bắt nạt có thể trở thành kẻ đi bắt nạt và cũng là đối tượng phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tâm thần hơn những người chỉ là nạn nhân hoặc chỉ là kẻ đi bắt nạt. Tỉ lệ những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, có hành vi tự tử chiếm tỉ lệ cao.
- Những người chứng kiến hành vi bắt nạt có thể thuộc nhóm người chỉ quan sát hoặc nhóm người có hành động ngăn chặn. Những người không ngăn chặn hành động xấu có thể do lo sợ bị trả thù, hoặc không muốn can thiệp vì không đủ can đảm. Họ thuộc đối tượng có thể gia tăng sự lo lắng, trầm cảm, sa sút việc học tập hoặc tăng tần suất sử dụng chất kích thích. Những người có hành động ngăn chặn bạo hành thường có những kết quả có lợi như gia tăng lòng tự trọng.
Như vậy, bắt nạt gây ảnh hưởng không chỉ đến nạn nhân, mà bao gồm cả kẻ bắt nạt và người chứng kiến. Hành vi có thể góp phần gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu diễn ra trong một thời gian dài, với tần suất liên tục thì nguy cơ tự tử là rất cao.
Bắt nạt có thể dẫn đến những chấn thương về thể chất, cảm xúc
Xem ngay: Trầm cảm ở học sinh: Dấu hiệu, hậu quả và cách phòng tránh
Ai là người thường xuyên bị bắt nạt khi ở trường?
Theo 1 kết quả thăm dò cho thấy cứ 5 học sinh từ 12 – 18 tuổi thì có ít nhất 1 trẻ nói rằng đã từng bị bắt nạt. Tình trạng này xảy ra thường xuyên ở 14% các trường công lập ít nhất 1 lần/ 1 tuần. Tỷ lệ bắt nạt cao nhất ở trường trung học cơ sở, sau đó đến trường trung học phổ thông và trường tiểu học. Như vậy bắt nạt có thể diễn ra vào bất kỳ địa điểm nào, với lứa tuổi nào và tập trung vào một số cá nhân sau:
- Trẻ bị coi là có sự khác biệt so với bạn bè: Những người có gu thời trang khác lạ, những học sinh mới nhập học, trẻ bị thừa cân hay thiếu cân, trẻ đeo kính, trẻ bị coi là quê mùa không sành điệu…
- Những học sinh có thể trạng yếu không có khả năng tự bảo vệ bản thân
- Trẻ thường xuyên lo âu, tự ti, có ý thức tự tôn về bản thân thấp, trẻ bị trầm cảm
- Trẻ có ít bạn bè, ít được quan tâm hơn những học sinh khác trong lớp, trong trường
- Trẻ không hòa nhập tốt với môi trường, bị coi là dễ khiến người khác nổi cáu, bực bội hoặc trẻ hay gây hấn để được người khác chú ý
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp dù không thuộc bất cứ nhóm nào nêu trên, bạn vẫn có thể bị bắt nạt học đường chỉ vì rơi vào tầm ngắm của kẻ bắt nạt.
Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt tại trường học?
Bất cứ cha mẹ nào khi phát hiện con mình bị bắt nạt sẽ vô cùng đau lòng và phẫn nộ. Tuy nhiên chúng ta chính là người đóng vai trò then chốt để ngăn ngừa và ứng phó với nạn bắt nạt học đường. Con bị bắt nạt phải làm sao để hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất và giải quyết hiệu quả tình trạng này.
Cha mẹ cần hỗ trợ trẻ giải quyết tình trạng bị bắt nạt để con học tập vui vẻ, hiệu quả
Sau đây là một số gợi ý cha mẹ nên làm khi con bị bắt nạt học đường:
- Hướng dẫn trẻ hiểu về hành vi bắt nạt: Nếu con chưa hiểu bắt nạt là gì, cha mẹ cần giáo dục cho trẻ xác định được hành động bắt nạt dù xảy ra với con hay với người khác. Hướng dẫn trẻ cách chống lại nạn bắt nạt an toàn như thế nào. Trẻ cần phân biệt với bắt nạt trực tuyến, học cách làm việc chung nhưng ngăn ngừa bị bắt nạt và cách ứng phó nếu xảy ra bắt nạt trực tuyến.
- Trò chuyện cởi mở với con: Đừng ngại trao đổi với trẻ về hành vi bắt nạt, hãy nói chuyện một cách thoải mái để trẻ không cảm thấy căng thẳng không phải nhìn thấy hay trải nghiệm nó. Khuyến khích trẻ sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ nếu bị bắt nạt hay thấy bạn bì bị bắt nạt. Ngay cả khi chúng ta không thể trực tiếp giải quyết vấn đề vẫn cần an ủi, khuyên bảo và hỗ trợ con mọi lúc, mọi nơi.
- Trở thành người mà con tin tưởng: Thường xuyên giao tiếp, lắng nghe con và trở thành người mà trẻ tin tưởng. Hiểu về nỗi lo lắng của trẻ, biết về bạn bè, về trường lớp của con để kịp thời nhận ra bất thường mà trẻ phải trải qua. Đồng thời khuyến khích trẻ báo cáo nếu bắt nạt xảy ra.
- Giúp trẻ trở thành tấm gương tích cực: Trong hành vi bắt nạt thường có 3 bên liên quan là nạn nhân, kẻ bắt nạt và người ngoài cuộc. Hãy khuyến khích trẻ dù là nạn nhân hay người chứng kiến bắt nạt, con cũng cần hòa nhập, tôn trọng và tử tế với bạn bè mình. Trẻ cần lên án, tố cáo hành vi sai, ủng hộ và hỗ trợ nạn nhân.
- Giúp trẻ trở nên tự tin: Khuyến khích con phát huy tiềm năng, sở trường của bản thân, ghi danh vào các lớp học kỹ năng, tham gia hoạt động cộng đồng yêu thích. Đây là cách giúp trẻ trở nên tự tin, tích cực, xây dựng cộng đồng bạn bè có cùng sở thích để phòng ngừa bắt nạt.
- Trở thành hình mẫu: Hãy hướng dẫn con cách đối xử tử tế, tôn trọng những người xung quanh, sẵn sàng lên tiếng tố cáo, phản đối hành vi sai trái. Cha mẹ nên là hình mẫu để trẻ nhìn nhận và học tập theo.
- Trở thành người đồng hành cùng trẻ: Hãy làm quen với những nền tảng trực tuyến mà con đang sử dụng, giải thích cho trẻ hiểu về thế giới thực và thế giới ảo, cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn có thể gặp phải trên internet và biện pháp phòng tránh.
- Khi trẻ bị bắt nạt: Cha mẹ bình tĩnh lắng nghe để biết con cần gì, tìm ra nguyên nhân để có cách hỗ trợ thích hợp. Hãy cho trẻ thấy con không phải đối mặt với bắt nạt 1 mình, luôn có bố mẹ, thầy cô cùng đồng hành. Chúng ta cần đảm bảo để trẻ biết rằng có thể nói chuyện với phụ huynh bất cứ lúc nào và trấn an con mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.
- Khi con bắt nạt người khác: Khi phát hiện trẻ bắt nạt người khác, đừng vội áp dụng các biện pháp xử lý cực đoan. Cha mẹ nên giúp con hiểu về hành động sai lầm của mình, hạn chế các hoạt động xấu trẻ đang tham gia, khuyến khích con xin lỗi và hòa nhập với các bạn. Phụ huynh cũng cần xem xét lại hành động của bản thân có gây tổn thương, hiểu nhầm hoặc trở thành hình mẫu xấu khiến trẻ học hỏi không để cải thiện.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên thường xuyên quan sát, theo dõi để kịp thời nhận ra những dấu hiệu bất thường của trẻ. Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời hiệu quả với tình trạng bắt nạt sẽ giúp con không gặp phải hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai.
Đến đây chắc chắn chúng ta đã có câu trả lời cho vấn đề bắt nạt là gì, những ảnh hưởng của bắt nạt và biện pháp xử lý thích hợp. Chúc phụ huynh có những biện pháp tốt nhất để đồng hành cùng con trên hành trình học tập và phát triển. Đừng quên theo dõi Dewey Schools để liên tục cập nhật thông tin mới nhất về lĩnh vực giáo dục nhé.
Nhiều cha mẹ quan tâm: Học sinh bị cô lập: Thầy cô và cha mẹ phải làm sao?