Phương pháp dạy học hợp tác (Cooperative learning) giúp học sinh phát huy tính tích cực, trách nhiệm, năng lực hợp tác và giao tiếp. Bên cạnh đó phương pháp này giúp nâng cao chất lượng bài giảng cho giáo viên. Chính vì vậy dạy học hợp tác được các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo chú ý, quan tâm.
Vậy dạy học hợp tác là gì và ưu nhược điểm như thế này, hãy cùng The Dewey Schools tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
Phương pháp dạy học hợp tác là gì?
Dạy học hợp tác là phương pháp dạy học mang tính tập thể cho nhiều cá nhân, cụ thể học sinh làm việc theo nhóm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để đạt được mục tiêu học tập chung nhất định. Người học tiếp thu kiến thức thông qua các hoạt động tương tác giữa người dạy với người học, người học với người học và người học với môi trường. Phương pháp dạy học này có tính ứng dụng cao và mang đến nhiều lợi ích trong dạy và học.
Trong học hợp tác, các em học sinh học tập theo nhóm, cùng làm việc, nghiên cứu, khảo sát 1 chủ đề bài học nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao kết quả học tập. Mỗi thành viên phải có trách nhiệm riêng của mình. Các thành viên cùng tương tác, hợp tác để nâng cao chất lượng học tập. Mỗi nhóm thường bao gồm từ 4 – 6 học sinh có học lực khác nhau, cùng nỗ lực đóng góp để thực hiện các nhiệm vụ học tập hướng đến mục đích chung.
Phương pháp dạy học hợp tác là gì?
Bản chất của dạy học hợp tác là tạo điều kiện cho tất cả học sinh tham gia có thể chủ động đóng góp hoạt động, tri thức, trí tuệ và học tập. Cùng chia sẻ ý kiến, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân trong việc giải quyết vấn đề học tập mà giáo viên đưa ra. Học sinh học hỏi lẫn nhau, giao lưu, hợp tác để giải quyết nhiệm vụ chung.
Theo nghiên cứu của Johnson và các tác giả khác đã đưa ra mô hình dạy học hợp tác hiệu quả bao gồm 5 yếu tố là:
- Tương tác – Interaction
- Phụ thuộc tích cực – Positive Interdependence
- Vận hành nhóm – Group processing
- Trách nhiệm cá nhân – Individual Responsibility
- Kỹ năng (bao gồm con người và công nghệ) – Skills (Human and technical)
>> Xem thêm: Phương pháp dạy học trực quan là gì? Áp dụng trong dạy học tiểu học
Mục tiêu của phương pháp dạy học hợp tác
Nhiều nghiên cứu và trải nghiệm thực tế cho thấy lợi ích thiết thực mà dạy học hợp tác mang lại. Vì vậy phương pháp giáo dục này đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thực tế, khắc phục được những nhược điểm của phương pháp truyền thống. Các học hợp tác góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh, giúp các em hiểu được sức mạnh của tập thể và phát triển sự hợp tác tốt hơn.
Dạy học hợp tác hướng đến các mục tiêu tốt đẹp, cụ thể:
- Nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và cải thiện kết quả học tập cho học sinh.
- Giúp học sinh nhận ra tác dụng của việc học tập theo nhóm và sức mạnh của tập thể.
- Tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm giao lưu, giao tiếp, gắn kết và củng cố mối quan hệ tốt đẹp đó.
- Giúp người học quyết đoán, tự tin khi đưa ra ý kiến cá nhân.
- Giải quyết các vấn đề học tập hiệu quả hơn với ý kiến đóng góp từ nhiều thành viên của nhóm.
Dạy học hợp tác nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện kết quả học tập
Các yếu tố quan trọng của phương pháp dạy học hợp tác
Giáo dục hợp tác là phương pháp dạy học được cấu thành bởi 5 yếu tố: sự tương tác, sự phụ thuộc tích cực, quy trình vận hành, trách nhiệm của mỗi cá nhân và kỹ năng. Các yếu tố này có nội dung chi tiết như sau:
Sự tương tác
Tương tác (Interaction) là mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm, giữa học sinh với giáo viên và giữa học sinh với môi trường. Mối quan hệ tương tác trong dạy học hợp tác cần được thực hiện tuần tự. Trong đó học sinh có trách nhiệm đưa ra câu hỏi, giáo viên trả lời từng câu hỏi đến khi học sinh thỏa mãn. Bên cạnh đó giáo viên cần lắng nghe tạo điều kiện để học sinh thỏa mái trình bày quan điểm của mình.
Trong dạy học hợp tác cổ vũ sự tương tác giữa học sinh với học sinh trong cùng 1 nhóm. Bằng cách liên tục trao đổi, cả nhóm cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề đặt ra một cách hiệu quả nhất. Đây là phương pháp giáo dục khác hẳn với phương pháp truyền thống. Mô hình làm việc, học tập cạnh tranh truyền thống chỉ những học sinh giỏi, xuất sắc mới được giáo viên chú ý và được trình bày. Do việc chú trọng đến thành viên, cá nhân nổi bật nên các thành viên còn lại trong nhóm tiếp thu kiến thức không đồng đều.
Sự phụ thuộc tích cực
Sự phụ thuộc tích cực (Positive Interdependence) là việc mỗi học sinh cần hiểu vai trò và trách nhiệm của bản thân trong nhóm. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của mình để đóng góp đến mục tiêu chung của cả nhóm. Để đảm bảo sự phụ thuộc tích cực, có 2 điều kiện cần đáp ứng trong khi học tập hợp tác là: Giáo viên cần đưa ra yêu cầu cho học sinh đòi hỏi yếu tố hợp tác chặt chẽ, học sinh cùng hướng đến mục tiêu, ý tưởng hay cách giải quyết.
Do đó, các thành viên trong cùng 1 nhóm phải đoàn kết, liên hệ với nhau. Mỗi kết quả thu thập được từ thành viên sẽ phục vụ cho kết quả của các thành viên còn lại, phục vụ cho kết quả chung của cả nhóm. Đây chính là sự phụ thuộc tích cực trong dạy học hợp tác.
Sự phụ thuộc tích cực ảnh hương rất nhiều đến phương pháp dạy học hợp tác
>> Xem thêm: Top 13 phương pháp dạy học tích cực thành công và hiệu quả
Quy trình vận hành
Vận hành nhóm (Group processing) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc làm nên chất lượng và kết quả hoạt động của nhóm. Ngoài đánh giá của giáo viên, cách vận hành nhóm hoạt động bao gồm việc tương tác và đưa ra đánh giá chéo. Ví dụ: Mỗi thành viên có đảm nhiệm chức năng khác nhau không? Các thành viên có thể hiện được điểm mạnh của mình không? Quá trình trao đổi, giao tiếp, tranh luận như thế nào? Các kết quả nhận được giúp thành viên đánh giá được điểm yếu, điểm mạnh để phát huy và khắc phục.
Kỹ năng
Kỹ năng (bao gồm con người và công nghệ) (Skills) là điều mà học sinh cần được cải thiện sau khi buổi học hay buổi trình bày kết thúc mà giáo viên cần phải đảm bảo. Theo đó người học được nâng cao trình độ, giao tiếp, biết các giữ bình tĩnh khi tranh luận, biết cách bày tỏ quan điểm của bản thân, tôn trọng ý kiến của người khác và biết cách lắng nghe.
Bên cạnh đó vấn đề hỗ trợ công nghệ cho quá trình học hay làm việc cũng đóng vai trò quan trọng. Ví dụ: Thầy cô có thể cho trẻ sử dụng các công cụ trình bày như máy chiếu, máy tính, dụng cụ trực quan… để thể hiện ý tưởng 1 cách hiệu quả nhất.
Ngoài các yếu tố trên trong dạy học hợp tác giáo viên nên chú trọng việc phân chia công việc. Thầy cô nên chia yêu cầu thực hành thành nhiệm vụ nhỏ nằm trong khả năng của học sinh để học sinh có thể hoàn thành. Các nhiệm vụ này nhằm mục đích đáp ứng 1 mục tiêu học tập tổng thể.
Trách nhiệm mỗi cá nhân
Trách nhiệm cá nhân (Individual Responsibility) của mỗi thành viên trong nhóm là rất lớn, bởi kết quả hoạt động của mỗi cá nhân đều ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nhóm. Ý thức trách nhiệm cá nhân, mỗi học sinh sẽ xác định được nhiệm vụ của mình để nghiêm túc, tập trung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thảo luận hay nghiên cứu.
Trong khi áp dụng phương pháp dạy học hợp tác, giáo viên đưa ra yêu cầu cho học sinh cần cung cấp cả thời gian làm việc 1 mình và hoạt động tương tác với nhóm. Hoạt động đồng thời giúp học sinh tăng tính tự chủ, hợp tác của bản thân.
Kết quả hoạt động của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến kết quả của cả nhóm
>> Xem thêm: Cách rèn luyện tinh thần trách nhiệm cho học sinh hiệu quả
Ưu và nhược điểm của phương pháp dạy học hợp tác
Dạy học hợp tác là phương pháp giáo dục sở hữu các ưu điểm và nhược điểm riêng. Chúng ta cùng tìm hiểu ưu nhược điểm của phương pháp này trong nội dung tiếp theo nhé.
Ưu điểm của phương pháp dạy học hợp tác
Dạy học hợp tác ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng dạy học bỏi sở hữu nhiều điểm ưu việt phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống. Dưới đây là tổng hợp một số ưu điểm của phương pháp này:
- Cùng học cùng hợp tác: Người học cùng làm việc, học tập với các bạn khác nên tăng cường khả năng hợp tác, học hỏi lẫn nhau trên nhiều phương diện.
- Tiếp nhận kiến thức khách quan và khoa học: Dạy học hợp tác cho phép học sinh học tập 2 chiều, thoải mái đưa ra quan điểm, ý tưởng riêng đóng góp vào hoạt động chung của cả nhóm. Đồng thời có thể lắng nghe quan điểm, ý kiến của các bạn khác để lựa chọn, tham khảo.
Quá trình hoạt động nhóm người học cùng bàn bạc, trao đổi để đi đến việc chọn lựa giải pháp, kết luận tối ưu để hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy kiến thức học sinh tiếp nhận mang tính khách quan, khoa học bớt đi tính phiến diện, chủ quan của cá nhân. Đồng thời học sinh có thể phát triển tư duy phê phán.
Dạy học hợp tác cùng học cùng hợp tác
- Học hỏi ưu điểm và khắc phục nhược điểm: Trong quá trình học tập học sinh có cơ hội chia sẻ các suy nghĩ, quan điểm, thắc mắc, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân một cách tự do, bình đẳng. Cả nhóm, cả lớp cùng nhau xây dựng nhận thức, học hỏi ưu điểm, khắc phục nhược điểm để cùng tiến bộ.
Quá trình học hỏi còn giúp các em ghi nhớ kiến thức nhanh hơn, sâu sắc hơn và lâu bền hơn. Đồng thời học sinh sẽ cảm thấy hào hứng trong học tập, đóng góp ý kiến vào sự thành công chung của nhóm và cả lớp.
- Môi trường học tập thân thiện: Dạy học hợp tác là môi trường học tập thân thiện tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội bày tỏ ý kiến một cách thoải mái cởi mở. Do đó ngay từ học sinh nhút nhát, e dè cũng được rèn luyện trở nên bạo dạn hơn. Các em học được kỹ năng giao tiếp, thuyết trình từ các bạn khác để hòa nhập nhóm. Từ đó người học trở nên tự tin, hứng thú với việc học tập và hoạt động nhóm trên lớp.
- Nâng cao sự hiểu biết: Từ sự đóng góp, tiếp nhận ý kiến từ các học sinh trong một nhóm giúp người học mở rộng hiểu biết, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Học sinh được rèn luyện kỹ năng hợp tác để cùng nhau phát triển.
Nhược điểm của dạy học hợp tác
Ngoài rất nhiều ưu điểm, phương pháp dạy học hợp tác cũng có những nhược điểm nhất định, cụ thể:
- Thời gian học tập kéo dài: Áp dụng phương pháp giáo dục hợp tác có thể khiến thời gian học tập kéo dài hơn.
- Bố trí không gian học tập hợp lý: Khác với lớp học truyền thống, dạy học hợp tác cần điều kiện cơ sở vật chất thích hợp cho việc học nhóm. Do đó nếu không gian lớp học hạn chế, bàn ghế khó di chuyển hay lớp học quá động có thể gây bất tiện cho việc tổ chức hoạt động.
- Ảnh hưởng đến lớp học khác: Quá trình thảo luận nhóm có sự tranh luận làm cho lớp học ồn ào có thể làm ảnh hưởng đến lớp học khác.
- Có những học sinh không tham gia hoạt động nhóm: Trường hợp lớp học có những học sinh nhút nhát hay vì lí do nào đó có thể không thích, không muốn học theo nhóm. Do đó giáo viên cần có sự phân công hợp lý để tất cả các học sinh đều được phân công nhiệm vụ và tham gia hoạt động nhóm.
- Không thống nhất kết quả hoạt động nhóm: Khi học theo nhóm có thể xảy ra tình trạng các ý kiến trái ngược nhau, thậm chí thảo luận trở nên gay gắt, không thể thống nhất. Trường hợp này thường gặp phải ở các môn học khoa học và xã hội.
Thời gian học tập trong dạy học hợp tác có thể kéo dài hơn
Có thể cha mẹ quan tâm:
- Top 4 phương pháp giáo dục hiện đại được áp dụng phổ biến
- Các phương pháp dạy học ở tiểu học giúp trẻ thông minh, tài giỏi
Các chiến lược triển khai phương pháp dạy học hợp tác
Dạy học hợp tác mang đến nhiều hiệu quả tích cực trong dạy và học. Để việc kết hợp với pháp này vào quá trình giáo dục một cách hiệu quả giáo viên cần có chiến lược triển khai cụ thể. Trên thực tế việc dạy học hợp tác không đòi hỏi quá nhiều công chuẩn bị và ưu thế là rất dễ để mở rộng.
Dưới đây là các chiến lược triển khai dạy học hợp tác để giáo viên có thể tạo ra trải nghiệm mà tất cả các học sinh trong lớp đều được thử thách, tham gia.
Think-Pair-Share
Chiến lược Think-Pair-Share thực hiện khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tốt. Giáo viên là người đưa ra câu hỏi vào thời điểm thích hợp ví dụ đầu giờ hoặc phần quan trọng của bài học, học sinh suy nghĩ tìm câu trả lời. Học sinh cần dành thời gian để tự suy nghĩ về đáp án tiềm năng hay câu trả lời vào giấy. Sau đó cặp cùng bạn bên cạnh để thảo luận và thống nhất về đáp án. Cuối cùng, người học trình bày kết luận.
Chiến lược phương pháp dạy học hợp tác Think-Pair-Share không chỉ sử dụng trong việc tìm ra đáp án cho câu hỏi mà còn được dùng để đánh giá nội dung bài học. Giáo viên sử dụng chiến lược để xem về mức độ hiểu bài của học sinh và học sinh tự kiểm chứng lại khả năng hiểu bài của vừa được học của mình.
Chiến lược triển khai phương pháp dạy học hợp tác Think-Pair-Share
Circle-the-Sage
Với chiến lược Circle-the-Sage giáo viên sẽ đặt câu hỏi trước lớp, yêu cầu học sinh biết câu trả lời đứng lên. Những học sinh còn lại sẽ chọn bắt cặp với 1 bạn đã biết câu trả lời để hợp tác. Học sinh biết câu trả lời sẽ đưa ra đáp án với bạn cặp với mình và giải thích về đáp án đó.
Đây là chiến lược được đánh giá là mang lại hiệu quả cao bởi học sinh có thể học hỏi tốt từ bạn của mình. Bên cạnh đó thông qua quá trình trao đổi, người học có thể rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác.
Timed-Pair-Share
Timed-Pair-Share là chiến lược lý tưởng để triển khai phương pháp dạy học hợp tác trong lớp học. Giáo viên đưa ra chủ đề và thời gian quy định để học sinh tự suy luận cá nhân. Sau đó thầy cô giáo yêu cầu mỗi học sinh chọn 1 bạn bắt cặp và thảo luận và đề nghị thời gian thảo luận. Trong quá trình thảo luận giữa các cặp học sinh cần thực hiện việc lắng nghe giữa 2 người. Hoc sinh cần được phân chia rõ ràng người nói, người nghe trong quá trình thảo luận. Sau khi thảo luận người nghe phải đưa ra phản hồi cho người nói trước khi đổi vai.
Timed-Pair-Share có hiệu quả cao trong việc khuyến khích học sinh thụ động, ngại nói chủ động hơn. Tất cả các thành viên trong lớp không chỉ rèn luyện kỹ năng nói, đọc hiểu hay viết mà còn phát triển kỹ năng nghe và tuân thủ giới hạn thời gian. Đây là chiến lược rất hữu ích với các lớp học tiếng Anh giao tiếp.
Agree-Disagree Line-ups
Agree-Disagree Line-ups là chiến lược xếp hàng chia nhóm đồng ý hay không đồng ý trong phương pháp dạy học hợp tác. Giáo viên đưa ra 1 nhận định sau đó sẽ hỏi ý kiến học sinh đồng ý hay không đồng ý và xếp học sinh thành 2 hàng/ 2 nhóm.
Trong mỗi nhóm, các học sinh sẽ thảo luận xem ai có luận điểm mạnh nhất. Học sinh có luận điểm mạnh nhất của 2 nhóm (đồng ý và không đồng ý) đối diện nhau. Mỗi học sinh lần lượt đưa ra ý kiến của mình, người đối diện bắt buộc phải nghe xong mới được trình bày quan điểm.
Chiến lược phương pháp dạy học hợp tác Agree-Disagree Line-ups
Numbered Head Together
Chiến lược Numbered Head Together được giáo viên thực hiện bằng cách chia học sinh thành cách nhóm có số lượng bằng nhau. Giáo viên đánh số thứ tự vào giấy ghi chú và học sinh dán lên vị trí dễ nhìn. Sau đó giáo viên đưa ra câu hỏi và thời gian để các nhóm thảo luận. Sau khi hết giờ, thầy cô giáo gọi thành viên có cùng số thứ tự của các nhóm đưa ra câu trả lời và bảo vệ quan điểm của nhóm mình.
Đây là chiến lược được áp dụng khá phổ biến khuyến khích học sinh làm việc theo nhóm hoặc cả lớp. Với chiến lược này tất cả các thành viên đều phải tham gia thảo luận để sẵn sàng trình bày kết quả khi giáo viên gọi lên theo số thứ tự.
Tea Party
Ở chiến lược phương pháp dạy học hợp tác Tea Party, giáo viên chia lớp ngồi thành 2 vòng tròn trong đó một vòng tròn lớn bên ngoài và 1 vòng tròn nhỏ bên trong, học sinh ngồi đối mặt nhau. Học sinh sẽ nhận câu hỏi từ giáo viên và 2 người ngồi đối diện ở 2 vòng trong cùng thảo luận để thống nhất câu trả lời.
Khi giáo viên đưa ra câu hỏi tiếp theo, các học sinh ở vòng tròn bên ngoài sẽ di chuyển theo cùng chiều kim đồng hồ và đổi bạn bắt cặp. Quá trình thảo luận tương tự như câu hỏi trước và cứ tiếp tục như vậy đến khi toàn bộ học sinh có thể thảo luận với bạn mới.
Chiến lược Tea Party rất hữu ích trong các giờ ôn tập hay giải bài tập nhanh. Chiến lược thúc đẩy học sinh tích cực hợp tác với bạn cặp trong lớp.
Jigsaw
Jigsaw là một phương pháp dạy học hợp tác mà học sinh được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 chuẩn bị bài tập để ôn lại kiến thức cũ, bài cũ đã học, 1 nhóm chuẩn bị tóm tắt các kiến thức của bài học mới. Tiếp theo giáo viên ghép cặp học sinh ở nhóm 1 và nhóm 2. Hoạt động của cặp ghép là mỗi học sinh lần lượt ôn tập kiến thức, giải bài tập kiến thức cũ và xem nội dung kiến thức mới.
Sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ. giáo viên bắt đầu bài giảng và tổng kết các kiến thức học sinh cần học. Chiến lược Jigsaw giúp học sinh tương tác, nắm vững kiến thức đã học và kiến thức mới. Bên cạnh đó còn giúp các em chịu trách nhiệm với quá trình học tập của mình.
Chiến lược phương pháp dạy học hợp tác Jigsaw
Một số lưu ý khi triển khai phương pháp dạy học hợp tác
Khi triển khai phương pháp dạy học hợp tác, phụ huynh và giáo viên cần chú ý một số lưu ý như sau:
- Đưa ra quy định và giới hạn thời gian thảo luận, trình bày kết quả rõ ràng.
- Các nhóm có thể bầu trưởng nhóm nếu cần hoặc các bạn trong nhóm thay phiên nhau đảm nhiệm. Trưởng nhóm đảm nhiệm việc phân công công việc, nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm.
- Giáo viên cần chú ý quan sát các nhóm khi thảo luận để sẵn sàng hỗ trợ, gợi ý khi cần thiết.
- Để trình bày kết quả thảo luận có thể sử dụng nhiều cách thuyết trình, vẽ tranh, văn bản trên giấy khổ lớn, tiểu phẩm… Thực hiện việc trình bày có thể là do 1 học sinh hoặc nhiều học sinh lần lượt, nối tiếp nhau thực hiện
- Đánh giá kết quả do giáo viên, đánh giá chéo giữa các nhóm hoặc cả lớp cùng đánh giá. Kết quả chung của cả lớp là kết quả tổng hợp từ các nhóm.
- Tổ chức hoạt động, làm việc có thể theo hình thức cá nhân hoặc nhóm tương ứng và phù hợp với nhiệm vụ. Việc tổ chức cần thực hiện linh hoạt nhằm mang lại hiệu quả. Dạy học hợp tác không bắt buộc phải sử dụng hoạt động nhóm, trên thực tế vẫn có thể tổ chức theo hình thức cá nhân
Trên đây là các thông tin quan trọng về phương pháp dạy học hợp tác, phương pháp dạy học giúp học sinh tăng cường sự tương tác và trải nghiệm hợp tác theo cặp, theo nhóm và tương tác với cả lớp. Hy vọng The Dewey School đã giúp các phụ huynh và giáo viên giải đáp được các thắc mắc của mình. Chúng tôi liên tục cung cấp các tài liệu giáo dục bổ ích khác cho các bạn để hành trình đồng hành cùng trẻ đạt hiệu quả hơn.
—-
The Dewey Schools là hệ thống trường quốc tế song ngữ tốt nhất hiện nay tại Hà Nội, là trường tiên phong mang đến nền giáo dục chuẩn Mỹ và thế giới tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 2011, đến nay Trường quốc tế Dewey Schools đã có cho mình hơn 8000 học sinh, 1600 cán bộ nhân viên, 4 cơ sở trường tại Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất, Dewey Schools còn ghi điểm trong mắt phụ huynh bởi chất lượng đào tạo và triết lý giáo dục nổi bật giúp học sinh có được hành trang tốt nhất để bước vào đời.
Thông tin cơ bản:
- Hotline: 19003293
- Website: https://thedeweyschools.edu.vn/
- Trường Dewey học phí