Hoạt động trải nghiệm trong các cấp học được đánh giá cao và nhận được sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh. Đối với cấp tiểu học, chương trình trải nghiệm hướng đến mục tiêu hình thành năng lực chung, phẩm chất chủ yếu và một số năng lực thành phần đặc thù cho trẻ. Vậy hoạt động trải nghiệm ở tiểu học có gì nổi bật và đặc biệt, cùng The Dewey Schools tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
Tháng 7 năm 2017 theo công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học là các hoạt động giáo dục bắt buộc. Trong đó dựa trên sự huy động tổng hợp kỹ năng, kiến thức từ các lĩnh vực giáo dục khác nhau, học sinh trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình và xã hội, tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng, hướng nghiệp dưới sự tổ chức, hướng dẫn của các nhà giáo dục.
Tổng quan về hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Hoạt động thực hành và trải nghiệm là nội dung ngoài chương trình môn học cơ bản theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông các môn học. Tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế còn có nhiều khó khăn, lúng túng về lý luận và thực tiễn với nhiều giáo viên của các trường. Làm thế nào để tổ chức tốt hoạt động này, hãy cùng chúng tôi nghiên cứu mục tiêu và ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm ở tiểu học trong nội dung tiếp theo.
Giới thiệu về hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Mục tiêu
Mục tiêu của hoạt động trải nghiệm ở tiểu học nhằm hình thành những phẩm chất cơ bản, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù cho hoạt động này như:
- Năng lực thiết kế, tổ chức hoạt động
- Năng lực giao tiếp, hợp tác
- Năng lực giải quyết vấn đề
- Năng lực sáng tạo
- Năng lực chuyên môn
Trong đó năng lực chuyên môn được hình thành và phát triển thông qua một số hoạt động giáo dục, môn học nhất định như năng lực ngôn ngữ, tự tìm hiểu tự nhiên và xã hội, toán học, công nghệ, thẩm mỹ, thể chất, tin học. Ngoài việc hình thành phát triển các năng lực chủ yếu thì hoạt động trải nghiệm ở tiểu học còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt, phát hiện và phát huy tiềm năng của học sinh.
Ý nghĩa
Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học hỗ trợ hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh
Mỗi học sinh bằng hoạt động trải nghiệm của mình vừa là người tham gia, đồng thời là người thiết kế, tổ chức hoạt động cho chính mình. Thông qua những hoạt động trải nghiệm ở tiểu học này trẻ tự khám phá, điều chỉnh bản thân, cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống để sinh hoạt, học tập làm việc có trách nhiệm theo kế hoạch. Bên cạnh đó các em cũng bước đầu xác định được sở trường, năng lực và chuẩn bị năng lực cơ bản của người lao động trong tương lai, trở thành công dân có trách nhiệm. Trong đó:
- Vai trò, vị trí của hoạt động trải nghiệm của học sinh tiểu học là các hoạt động giáo dục bắt buộc tương tự các môn học khác ở bậc tiểu học
- Hoạt động trải nghiệm là con đường để học sinh hình thành năng lực, phẩm chất dựa trên sự huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau
- Hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học là trải nghiệm thực tiễn đời sống trong gia đình, nhà trường, xã hội, tham gia các hoạt động hướng nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng
- Quan điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học xuất phát từ quan điểm cho rằng dạy học bằng hoạt động, thông qua hoạt động đồng thời với quá trình học sinh được trải nghiệm những điều đã được học trong trường
Nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Nội dung cơ bản của chương trình hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh, giữa học sinh với bạn bè và thầy cô giáo, giữa học sinh và môi trường, giữa học sinh với cộng đồng và xã hội, giữa học sinh với nghề nghiệp
Các nhóm hoạt động trong nội dung chương trình trải nghiệm ở tiểu học
Do đó nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm ở tiểu học được triển khai qua 4 nhóm hoạt động chính là:
- Hoạt động phát triển cá nhân học sinh
- Hoạt động lao động
- Hoạt động xã hội
- Hoạt động phục vụ cộng đồng
Các giai đoạn trong nội dung hoạt động trải nghiệm của học sinh tiểu học
Nội dung hoạt động trải nghiệm ở tiểu học được phân chia thành các giai đoạn cụ thể:
- Giai đoạn cơ bản: Giai đoạn hình thành các thói quen, phẩm chất, kỹ năng sống… thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tập thể, các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, hoạt động lao động, tham gia các dự án học tập… Nội dung hoạt động ở bậc tiểu học tập trung nhiều vào hoạt động phát triển bản thân, hình thành kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với những người xung quanh như thầy cô, bạn bè và người thân trong gia đình. Ngoài ra còn tổ chức thực hiện các hoạt động lao động, xã hội và làm quen với một số nghề nghiệp gần gũi.
- Giai đoạn tiếp theo: Đây là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, mỗi học sinh bắt đầu xã định sở trường, năng lực cá nhân và chuẩn bị một số năng lực cơ bản của người lao động trong tương lai, để trở thành người công dân có trách nhiệm.
Tìm hiểu nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Ngay sau đây là giới thiệu nội dung giáo dục ở cấp tiểu học cụ thể:
- Nội dung chương trình lớp 1 và lớp 2 bao gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn: Ngoại ngữ 1, Tiếng dân tộc thiểu số
- Nội dung chương trình lớp 3: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Giáo dục thể chất, Tin học và Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm.
- Nội dung chương trình lớp 4 và lớp 5: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Ngoại ngữ 1, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Giáo dục thể chất, Tin học và Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm.
Theo quy định tại Công văn Công văn 3535/BGDĐT-GDTH năm 2019 tiểu mục 1.3 Mục 1 được triển khai thực hiện từ năm học 2020 – 2021 thì nội dung chương trình hoạt động trải nghiệm ở tiểu học bao gồm:
- Chương trình hoạt động trải nghiệm quy định đối với lớp 1 gồm 3 mạch nội dung: nội dung hoạt động hướng vào bản thân, nội dung hoạt động hướng đến xã hội, nội dung hoạt động hướng đến tự nhiên
- Chương trình hoạt động trải nghiệm quy định đối với lớp 2, 3, 4, 5 bao gồm 4 mạch nội dung: nội dung hoạt động hướng vào bản thân, nội dung hoạt động hướng đến xã hội, nội dung hoạt động hướng đến tự nhiên và nội dung hoạt động hướng nghiệp
Chương trình giáo dục phổ thông quy định nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm bao gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…
Tham khảo: Dạy học trải nghiệm môn toán là như thế nào?
Các loại hình tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Các loại hình tổ chức chương trình hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học theo quy định tại Công văn Công văn 3535/BGDĐT-GDTH năm 2019 tiểu mục 1.3 Mục 1 được triển khai thực hiện từ năm học 2020 – 2021 thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu dưới đây:
- Sinh hoạt dưới cờ
- Sinh hoạt lớp
- Hoạt động giáo dục theo các chủ đề
- Hoạt động câu lạc bộ (đây là loại hình hoạt động câu lạc bộ tự chọn)
Hoạt động giáo dục theo các chủ đề là một trong các loại hình tổ chức hoạt động trải nghiệm
Thời lượng triển khai chương trình hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Thời lượng triển khai chương trình hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học theo quy định tại Công văn Công văn 3535/BGDĐT-GDTH năm 2019 tiểu mục 1.3 Mục 1 được triển khai thực hiện từ năm học 2020 – 2021 như sau:
Theo quy định hoạt động trải nghiệm ở tiểu học được quy định là 105 tiết/ năm học, bao gồm:
- 35 tiết sinh hoạt dưới cờ (quy mô trường, nhóm lớn)
- 35 tiết sinh hoạt lớp (quy mô lớp học, nhóm lớn)
- 35 tiết sinh hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ (nhóm lớp học, quy mô lớp học)
- Thời gian dành cho nội dung giáo dục của địa phương thuộc tổng thời lượng thực hiện chương trình trải nghiệm. Chương trình hoạt động trải nghiệm tích hợp trong 4 loại hình sinh hoạt chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo các chủ đề, Hoạt động câu lạc bộ.
Theo quy định khuyến khích tổ chức các chương trình trải nghiệm ngoài nhà trường đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện. Tuy nhiên các cơ sở giáo dục cần đảm bảo mục tiêu giáo dục và an toàn cho học sinh. Ngoài các nội dung của chương trình hoạt động trải nghiệm đã quy định trong chương trình, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức một số hoạt động giáo dục câu lạc bộ tự chọn, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường thực hiện ngoài giờ lên lớp tuân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học cần căn cứ vào quy mô và nội dung của từng hoạt động cụ thể, đặc biệt quy mô khối lớp và trường phải có sự tham gia, liên kết, phối hợp của nhiều lực lượng giáo dục như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học chuyên biệt (mỹ thuật, âm nhạc, thể chất), tổng phụ trách, Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, các nhà tài trợ, hội cha mẹ học sinh, phụ huynh…
Đối với các hoạt động trải nghiệm được tổ chức ngoài lớp học, ngoài trường học nên yêu Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức, khuyến khích cha mẹ học sinh hỗ trợ và quản lý cùng giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với nhà trường.
Cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Hoạt động trải nghiệm tiểu học được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp, quy mô trường học ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học. Hình thức tổ chức đa dạng thông qua sinh hoạt tập thể, thực hiện nhiệm vụ ở nhà, làm việc nhóm, thực hiện dự án, giao lưu, hội thảo, tham quan, lao động, câu lạc bộ, hoạt động thiện nguyện…
Cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học
Cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm có thể theo hình thức thông qua hoạt động học tập và theo qua điểm hoạt động. Cụ thể:
Thông qua hoạt động học tập
Áp dụng hoạt động trải nghiệm ở tiểu học thông qua hoạt động học tập có thể tiến hành theo cách thức tổ chức với bộ môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội và bộ môn năng khiếu… Áp dụng phương pháp học trải nghiệm, các em học sinh sẽ được trải nghiệm phương pháp tiếp cận từng môn học theo những cách thức khác nhau.
- Dạy học trải nghiệm thông qua hoạt động học tập môn Toán tiểu học: Học sinh được tiếp cận với phương pháp dạy và học sáng tạo, giúp môn Toán trở nên thú vị mang tính sáng tạo. Thông qua các hoạt động, ứng dụng toán học vào đời sống trẻ buộc phải tư duy không ngừng để hiểu bản chất các công thức và lĩnh hội đầy đủ kiến thức, kỹ năng của bài học. Ví dụ: Học sinh trải nghiệm nội dung thống kê của chương trình toán tiểu học để biết cách thống kê và quản lý cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ.
- Dạy học trải nghiệm thông qua hoạt động học tập môn Tiếng Việt: Dạy học trải nghiệm môn tiếng Việt là phương pháp phù hợp để trẻ lĩnh hội nội dung, ý nghĩa của các tác phẩm văn học một cách trọn vẹn. Giáo viên có thể áp dụng các hình thức như chơi trò chơi, nhập vai nhân vật, cho học sinh hóa thân và các câu chuyện trong tác phẩm văn học… Từ đó các em có hiểu biết sâu sắc hơn về hành động, cảm xúc của nhân vật, nuôi dưỡng sự nhân văn trong tâm hồn của trẻ.
- Dạy học trải nghiệm thông qua hoạt động học tập môn Tự nhiên xã hội: Tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học thông qua môn tự nhiên xã hội sẽ giúp học sinh hòa mình vào các hoạt động thực tế. Những bài học của môn học này sẽ giúp trẻ thực hành đa dạng các lĩnh vực, học tập được các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như cách chào hỏi, cách sang đường… Trẻ sẽ có thời gian học tập hứng thú, say mê, tiếp thu được nhiều kiến thức mới và ghi nhớ lâu hơn.
- Dạy học trải nghiệm thông qua hoạt động học tập bộ môn năng khiếu: Dạy học trải nghiệm thông qua hoạt động học tập bộ môn năng khiếu ở bậc tiểu học là phương pháp thú vị được nhiều học sinh yêu thích. Ví dụ với môn học âm nhạc, học sinh không chỉ đơn thuần đọc và ghi chép khuông nhạc theo chương trình sách giáo khoa mà các em được học múa, học đàn, học hát… bài bản. Hay với môn học Mỹ thuật, học sinh có cơ hội thưởng thức nhiều bức họa, tham gia các cuộc thi vẽ, hòa mình vào không gian hội họa… Những hoạt động này góp phần hiệu quả kích thích trí tưởng tượng, sự sáng tạo trong mỗi học sinh.
Theo quan điểm hoạt động
Tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học theo quan điểm hoạt động
Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học theo quan điểm hoạt động là vấn đề mới, phong phú nhưng khá phức tạp. Theo cách thức này sẽ làm rõ hơn lý luận và thực tiễn của hoạt động trải nghiệm và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên.
Dạy học thực chất là tổ chức hoạt động học cho học sinh tạo ra cái mới bằng phương pháp nhà trường. Tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học theo quan điểm hoạt động tức là dạy học thông qua hoạt động và bằng hoạt động theo triết học, tâm lý dạy học và giáo dục học:
- Thứ nhất: Dạy học phải thông qua hoạt động và bằng các hoạt động của học sinh bởi không có hoạt động thì không có sự phát triển nhân cách
- Thứ 2: Dạy học và tri thức khoa học có bản chất hoạt động, đối tượng hoạt động học tập – tri thức, kỹ xảo, kỹ năng… bao gồm phương thức tồn tại và phát triển. Do đó muốn chiếm lĩnh một đối tượng cần thực hiện trọn vẹn hành động theo phương thức vận động và tồn tại của chính đối tượng đó
- Thứ 3: Hoạt động học tập có cơ cấu giống như hoạt động sống, phải xuất phát từ động cơ, mục đích rõ ràng thực hiện thông qua thao tác, hành động và kiểm soát được. Hoạt động học tập phải tạo ra sản phẩm là phẩm chất và năng lực của học sinh.
Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học là hoạt động thiết thực nhằm hình thành năng lực và phẩm chất cho các em học sinh. Hoạt động này đã và đang được áp dụng tại các trường tiểu học trên khắp cả nước. The Dewey Schools hy vọng những thông tin chi tiết trong nội dung bài viết này, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những điểm nổi bật, đặc biệt và sự cần thiết của hoạt động trải nghiệm khi trẻ trong giai đoạn cấp 1.
Phụ huynh có thể xem thêm: Phương pháp dạy học trải nghiệm trong các bộ môn ở bậc tiểu học