Trong những năm gần đây, chúng ta liên tục cập nhật tình trạng trầm cảm ở học sinh ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Lứa tuổi học sinh đang bắt đầu phát triển về mặt tâm lý nên rất nhạy cảm với tác động xung quanh, nhất là áp lực học tập hay các lối sống tiêu cực dễ dẫn đến sự bi quan và chán nản. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết chứng trầm cảm, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh như thế nào, cùng The Dewey Schools tìm hiểu nhé.
Tình trạng trầm cảm ở học sinh ngày càng gia tăng và trẻ hóa
Trầm cảm (depression) là bệnh rối loạn tâm trạng, người bệnh có cảm giác buồn bã, tình trạng không có hoặc giảm động lực và hứng thú trong mọi công việc, ngay cả việc nằm trong sở thích. Căn bệnh nguy hiểm này làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động và các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trầm cảm nói chung và trầm cảm ở học sinh nói riêng là căn bệnh cần được quan tâm, phát hiện và điều trị kịp thời. Những người bị bệnh ở thể nhẹ, biểu hiện chưa nghiêm trọng không cần dùng đến thuốc nhưng cần được gia đình, người thân và bạn bè quan tâm, hỗ trợ. Nếu người bệnh không được phát hiện kịp thời, tình trạng sẽ ngày một tồi tệ hơn, cần có sự hỗ trợ điều trị từ bác sĩ để tránh gây ra những hậu quả không mong muốn.
Trầm cảm ở học sinh chia thành 3 nhóm thường gặp là rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn tâm trạng hỗn hợp và rối loạn khí sắc:
- Rối loạn trầm cảm chủ yếu: Đây là loại trầm cảm thường gặp ở trẻ ở độ tuổi dậy thì, người trường thành. Các biểu hiện đặc trưng và kéo dài là buồn chán, bi quan, tiêu cực, mệt mỏi, ủ rũ, tự tách ra khỏi tập thể, thường xuyên đau đầu, chán ăn, ngủ không sâu, khó ngủ, liên tục nghĩ đến cái chết và có ý định tự tử.
- Rối loạn tâm trạng hỗn hợp: Loại trầm cảm này chủ yếu xảy ra với trẻ trong độ tuổi từ 6 – 10. Nguyên nhân thường bắt đầu từ việc không hài lòng hay khó chịu về 1 điều gì đó liên tục xảy ra trong thời gian dài. Từ đó trẻ trở nên cáu gắt, chống đối, nóng giận, kích động với mọi người và mọi sự việc. Trẻ còn có xu hướng kích động tự làm tổn thương mình và những người xung quanh.
- Rối loạn khí sắc: Rối loạn khí sắc có thể kéo dài liên tục trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển cũng như cuộc sống của trẻ. Các biểu hiện thường gặp của loại trầm cảm này là mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, mệt mỏi, bi quan, tuyệt vọng…
Để tìm hiểu chi tiết về dấu hiệu, nguyên nhân, hậu quả của trầm cảm ở học sinh và cách phòng tránh, chúng ta cùng theo dõi nội dung tiếp theo của bài viết.
Xem thêm: Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và cách ứng phó kịp thời
Biểu hiện, dấu hiệu trầm cảm ở học sinh
Trầm cảm, rối loạn hành vi, lo lắng là những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật và bệnh tật ở thiếu niên. Theo thống kê toàn cầu cứ 7 trẻ em từ 10 – 19 tuổi có 1 trẻ bị rối loạn tâm thần, chiếm đến 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu ở nhóm tuổi này.
Giai đoạn học sinh là thời điểm trẻ phải trải qua những thay đổi về tình cảm xã hội, phát triển thể chất nên dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Nhiều trẻ có thể cảm thấy khó hòa nhập với xã hội, rối loạn ăn ngủ, cảm giác tự tin, tự hạ thấp giá trị của bản thân. Đây là hội chứng rối loạn tâm lý phổ biến gây ra chứng trầm cảm, khi ở mức độ nghiêm trọng có thể khiến trẻ có xu hướng suy nghĩ đến cái chết, tự tử.
Tìm hiểu những biểu hiện và dấu hiệu trầm cảm ở học sinh
Một số dấu hiệu trầm cảm ở học sinh điển hình là:
- Buồn bã, có thể khóc hoặc không
- Sợ hãi, lo lắng, bồn chồn không có lý do cụ thể
- Thiếu động lực, thiếu năng lực
- Dễ bị kích động, nóng nảy và có xu hướng trở nên bạo lực
- Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ
- Biếng ăn, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, ăn mất kiểm soát
- Xa cách với người thân, gia đình, bạn bè không rõ lý do
- Mất hứng thú với những hoạt động mà bản thân yêu thích
- Có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, tinh thần không yên, tự chế trách, chán ghét bản thân
- Trí nhớ giảm sút, khó hoặc mất khả năng tập trung trong học tập hay làm việc
- Cảm thấy bất lực, sợ hãi khi phải thay đổi môi trường sống, học tập
- Thường xuyên nghỉ học, bỏ học, kết quả học tập sa sút
- Cảm thấy mọi việc luôn xảy ra theo hướng xấu, không thể tốt hơn
- Suy nghĩ, nói chuyện, vẽ, viết, nghe nhạc… về vấn đề bạo lực, sự tuyệt vọng, thậm chí là cái chết
- Cảm giác chán nản, tìm đến rượu bia hoặc chất cấm
Ngoài những bất an về tinh thần dấu hiệu bệnh trầm cảm của học sinh còn thể hiện ở một số ảnh hưởng về thể chất như thay đổi khẩu vị, đau bụng, tăng hoặc giảm cân mất kiểm soát, đau cơ, đau đầu, đau xương khớp, đau lưng…
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm ở học sinh
Khi xác định dấu hiệu trầm cảm ở học sinh chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra biện pháp xử lý thích hợp. Nguyên nhân trầm cảm ở học sinh có thể bắt nguồn từ yếu tố môi trường hoặc di truyền, cụ thể:
Áp lực học tập
Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ xuất hiện tình trạng trầm cảm. Hiện nay, nhiều gia đình thường xuyên so sánh, đặt ra những mục tiêu về thành tích học tập cao cho con. Điều này có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, mệt mỏi và sau thời gian dài dẫn đến trầm cảm.
Áp lực học tập là một nguyên nhân của chứng trầm cảm
Nguyên nhân trầm cảm ở học sinh do bạo lực học đường
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng tại nhiều trường học. Đây cũng trở thành 1 trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trầm cảm ở trẻ. Phần lớn nạn nhân thường sợ hãi, lo âu, chịu đựng và dần trở nên khép kín dẫn đến trầm cảm.
Xem thêm: Bạo lực học đường là gì? Biểu hiện, hậu quả và cách phòng chống
Hoàn cảnh gia đình
Những đứa trẻ sống trong gia đình hạnh phúc thường có tâm lý thoải mái, vui vẻ và yên bình. Người lại trẻ sinh ra trong gia đình thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, hay bị la mắng, chê trách, đánh đập, thiếu sự yêu thương có xu hướng bị trầm cảm cao. Hạnh phúc gia đình chính là 1 trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và sự trưởng thành của trẻ.
Bị áp đặt là nguyên nhân trầm cảm ở học sinh
Khi bị áp đặt, can thiệp quá sâu vào sở thích, đời sống riêng tư có thể khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, bị gò bó, bị bắt buộc làm điều không mong muốn. Từ đó, hình thành tâm lý khó chịu, dễ cáu giận và muốn phản kháng. Trẻ cảm thấy có rào cản tâm lý với người lớn, ngày càng xa cách cha mẹ, dễ bị lạc hướng và trầm cảm.
Thay đổi môi trường sống
Một số trẻ gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường sống thay đổi. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ xã hội của trẻ như hàng xóm, bạn bè, quá trình học tập nên dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
Khó thích nghi với môi trường sống thay đổi là nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm
Trẻ bị trầm cảm do di truyền
Yếu tố di truyền trở thành nguyên nhân trầm cảm ở học sinh thường xảy ra trong giai đoạn từ 1 – 6 tuổi. Trẻ sinh ra trong gia đình có người thân bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trường hợp bình thường gấp 3 lần. Theo nhiều nghiên cứu khoa học của Mỹ đã chỉ ra rằng trẻ bị trầm cảm liên quan đến ADN có tỷ lệ chiếm tới khoảng 40%.
Ảnh hưởng tâm lý
Trẻ có thể gặp phải một số vấn đề gây chấn động tâm lý như cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, người thân mất, bị lạm dụng tình dục… Khi bị sốc tâm lý nghiêm trọng, nhiều trẻ có xu hướng sống khép mình, không quan hệ xã hội, không muốn chia sẻ với người khác và gia tăng nguy cơ trầm cảm.
Tham khảo: Cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh hiệu quả
Hậu quả mà bệnh trầm cảm ở học sinh gây ra
Hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh trong thời gian dài có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, dẫn đến các ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc, sức khỏe và nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Các biến chứng liên quan đến trầm cảm có thể bao gồm:
- Suy giảm kết quả học tập: Trầm cảm kéo dài khiến trẻ mất tập trung, suy giảm trí nhớ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập dẫn đến chất lượng sa sút.
- Suy giảm chất lượng cuộc sống: Bệnh nhân trầm cảm có thể mất hưng phấn làm việc, sống khép kín ngại quan hệ xã hội dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống. Thậm chí nhiều trẻ không muốn chăm sóc, vệ sinh cơ thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bản thân.
- Ảnh hưởng đến các mối quan hệ: Dấu hiệu đặc trưng của trẻ bị trầm cảm là xa lánh mọi người, cô lập bản thân, sống khép kín, không muốn nói chuyện với bất kỳ ai. Từ đó trẻ dần mất đi các mối quan hệ gia đình và xã hội, cuộc sống ngày càng bế tắc hơn.
- Tâm lý tiêu cực: Trẻ bị trầm cảm có xu hướng tâm lý tiêu cực, khó kiểm soát, ngại giao tiếp, hạ thấp bản thân. Trẻ hình thành cảm giác lo lắng thường xuyên, bồn chồn, dễ nóng giận mà không rõ nguyên nhân.
- Vi phạm pháp luật: Trẻ trầm cảm thường xuyên đối mặt với những tác động tiêu cực từ môi trường, mất khả năng đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Nhiều em tìm đến rượu bia, chất kích thích để giải tỏa hoặc bắt đầu các thói quen tình dục đầy rủi ro, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật.
- Nguy cơ tự tử: Một trong những hậu quả của bệnh trầm cảm ở học sinh nghiêm trọng nhất nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời là nguy cơ tự tử. Bệnh nhân trầm cảm kéo dài thường có suy nghĩ, hành động tiêu cực dẫn đến tự sát.
Trầm cảm làm suy giảm kết quả học tập và chất lượng cuộc sống
Những cách phòng tránh trầm cảm ở học sinh
Chúng ta có thể thấy hậu quả bệnh trầm cảm ở trẻ là không nhỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, các mối quan hệ và giảm sút học tập. Nếu được phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trầm cảm ở học sinh, có biện pháp can thiệp kịp thời thì người bệnh sẽ nhanh chóng cải thiện.
Hơn hết chúng ta nên chú ý cách phòng tránh bệnh trầm cảm ở học sinh để giúp các con có đời sống tinh thần khỏe mạnh, để phát triển toàn diện. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến trầm cảm xuất phát từ cuộc sống hàng ngày, đó cha mẹ có thể phòng ngừa nguy cơ bệnh thông qua một số biện pháp như sau:
- Xây dựng cho trẻ thói quen, lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
- Giúp con nhận biết, xây dựng các mối quan hệ bạn bè, người thân, người xung quanh, mối quan hệ xã hội lành mạnh
- Lựa chọn cho trẻ môi trường học tập, vui chơi an toàn nhất là môi trường học đường tránh xa bạo lực
- Cân bằng giữa thời gian học tập, nghỉ ngơi, vui chơi để trẻ không cảm thấy áp lực, căng thẳng
- Không nên gây áp lực cho trẻ về vấn đề học tập, rèn luyện, thành tích hãy cân nhắc khả năng của con vào tạo điều kiện cho trẻ phát huy tiềm năng, sở thích
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, phù hợp với lứa tuổi và giai đoạn phát triển để đảm bảo sự phát triển toàn diện
- Thường xuyên trao đổi, tâm sự, hỏi han, theo dõi để kịp thời nhận biết sự thay đổi, sự khác biệt và có biện pháp can thiệp, hỗ trợ con thích hợp
- Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về tâm lý như rối loạn ăn uống, ngủ nghỉ, dễ nổi nóng, có hành vi bạo lực, sống khép kín… phụ huynh nên cân nhắc đưa con đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để nhận hỗ trợ.
Phòng tránh trầm cảm ở học sinh bằng cách xây dựng lối sống khoa học
Trầm cảm ở học sinh là bệnh lý nghiêm trọng nếu kéo dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm nhưng có thể điều trị hiệu quả. Vì vậy cha mẹ nên thường xuyên quan tâm, theo dõi con, tạo cho trẻ môi trường sống, học tập và phát triển thuận lợi để phòng tránh bệnh. Trong trường hợp trẻ bị bệnh lý, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ với The Dewey Schools, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ giải đáp mọi vấn đề trong thời gian ngắn nhất.
Xem thêm: Cân bằng học tập và vui chơi tác động tới con như thế nào?