“Màu chì đen trong bức tranh tượng trưng cho những gian lao mà bố con đã trải qua, còn cây nến chính là bố con. Con chọn màu chì vì nó không quá rực rỡ, giúp con thể hiện rõ những vất vả, khổ cực của bố.” – Gia Huy (5Dodoma) chia sẻ về tác phẩm “Cây nến hạnh phúc” trong Triển lãm “Tiếng nói bàn tay”.
Với mong muốn kết nối và thấu hiểu hơn đời sống tinh thần của học sinh, Triển lãm “Tiếng nói bàn tay” đã mang đến một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, nơi các em lớp 5 trưng bày những tác phẩm sáng tạo trong dự án liên môn Ngữ văn – Tiếng Việt và Nghệ thuật Thị giác. Mỗi bức tranh không chỉ là sự kết hợp hài hòa của màu sắc và đường nét, mà còn chất chứa những câu chuyện chân thật, những suy tư hồn nhiên nhưng sâu sắc của các em.
Trong môn Nghệ thuật Thị giác, học sinh được hướng dẫn kỹ thuật vẽ tranh, sắp xếp bố cục, sử dụng màu sắc để tạo nên tác phẩm có tính thẩm mỹ cao. Còn trong môn Ngữ văn – Tiếng Việt, các em học cách biểu đạt cảm xúc bằng hình ảnh, đồng thời so sánh nghệ thuật tạo hình với các loại hình nghệ thuật khác.
Lấy cảm hứng từ chính những câu chuyện của mình – từ khoảnh khắc bên gia đình, kỷ niệm với bạn bè, những chuyến đi đáng nhớ hay những lần chạm vào cuộc sống của những số phận kém may mắn – các em đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thể hiện cảm xúc của mình qua nghệ thuật. Triển lãm không chỉ là dịp để thưởng thức cái đẹp mà còn là cơ hội để lắng nghe nhau bằng một ngôn ngữ đặc biệt: ngôn ngữ của nghệ thuật và cảm xúc.
80 bức tranh – 80 câu chuyện – 80 góc nhìn riêng biệt. Mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn cá nhân, vừa phản ánh thế giới nội tâm phong phú, vừa thể hiện sự sáng tạo đầy táo bạo của những “nghệ sĩ nhí”. Đây là nơi hội họa giao thoa với ngôn từ, nơi từng nét vẽ, từng gam màu trở thành lời kể chuyện chân thành nhất của các em về cuộc sống.
Phụ huynh Nguyễn Thị Thúy Hương xúc động chia sẻ: “Chiêm ngưỡng những tác phẩm này, tôi vô cùng tự hào khi thấy sự tỉ mỉ, tâm huyết của các con trong từng nét vẽ, từng câu chữ. Các con đã biến cảm xúc thành hình ảnh, suy tư thành câu chuyện, tạo nên những tác phẩm chạm đến trái tim người xem. Mỗi bức tranh là một mảnh ghép tâm hồn, là ước mơ, khát vọng và những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống. Các con đã chứng minh rằng khi đôi tay và trái tim hòa chung nhịp đập, nghệ thuật có thể kết nối và lan tỏa yêu thương theo cách riêng của mình.”
The Dewey Schools hy vọng rằng, sau triển lãm này, các em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật, với ngôn ngữ, và không ngừng khám phá thế giới bằng trái tim nhạy cảm, đôi mắt biết quan sát và đôi tay biết sáng tạo.
Bởi nghệ thuật không chỉ nằm trên những bức tranh, mà còn hiện hữu trong cách chúng ta yêu thương, sẻ chia và trân trọng cuộc sống này.
Triển lãm “Tiếng nói bàn tay” hiện vẫn đang được trưng bày tại sảnh E, The Dewey Schools Tây Hồ Tây. Kính mời Quý Phụ huynh cùng ngắm nhìn những tác phẩm giàu cảm xúc của các nghệ sĩ nhí và nhìn lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong ngày khai mạc triển lãm!