Đôi bàn tay và những chiếc tạp dề lấm lem màu vẽ là hình ảnh quen thuộc của TDSers khối 8 trong 2 tháng miệt mài cùng dự án Nghệ Thuật Thị Giác, hô biến đường hầm đi bộ trở thành một tác phẩm nghệ thuật đầy sắc màu. Bằng những cây cọ vẽ, TDSers đã kể câu chuyện sống động về hành trình sáng tạo, lan tỏa tinh thần hội nhập, kết nối văn hóa của những công dân toàn cầu.
Được triển khai theo phương pháp học tập qua dự án (Project-based learning), dự án Nghệ Thuật Thị Giác không chỉ giúp TDSers tìm hiểu bố cục, màu sắc, kỹ thuật vẽ trên tường mà còn phát triển các kỹ năng như làm việc nhóm, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề. Thông qua các buổi thảo luận mở, TDSers được khuyến khích chủ động nghiên cứu, đóng góp ý tưởng cho tác phẩm chung. Các em được thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ vẽ phác thảo bằng tay đến sử dụng công nghệ AI để mô phỏng màu sắc trên tường.
“Lần đầu tiên thử sức với vẽ tường, con và các bạn cũng khá lúng túng khi phải cân đối với kích thước thực tế. Do pha màu loãng, không ít lần chúng con khiến màu vẽ chảy lem trên tường. Nhưng sau một vài buổi làm quen, chúng con đã dần tự tin hơn. Trong bất kỳ dự án nào, sai sót là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là cách chúng ta dũng cảm đối diện và cùng nhau tìm ra giải pháp” – Hà Chi (8Vana) chia sẻ.
Sau gần 1 tháng phác thảo và hoàn thiện, bức tường cũ gần 40m2 được phủ sắc rực rỡ. Qua lăng kính nghệ thuật sáng tạo, TDSers đã dẫn dắt người xem bước vào chuyến chu du vòng quanh thế giới. Từ biểu tượng tháp Eiffel nước Pháp, đồng hồ BigBen của Anh, trang phục truyền thống của Nhật Bản, nền ẩm thực phong phú của “xứ sở kim chi”,…tất cả đều được tái hiện sinh động.
“Để thể hiện chủ đề công dân toàn cầu, chúng con lựa chọn những hình ảnh mang tính biểu tượng như: các địa danh nổi tiếng, các yếu tố văn hóa truyền thống. Bố cục và màu sắc của bức tranh cũng được sắp xếp liên kết với nhau để thể hiện sự giao thoa quốc tế, tinh thần hội nhập và cởi mở.” – Tường Vy (8Pori) cho biết.
Là người đồng hành cùng các bạn học khối 8 ngay từ những ngày đầu xây dựng ý tưởng cho dự án, cô Đào Thị Mai Ngọc – giáo viên Nghệ thuật thị giác chia sẻ: “Qua dự án lần này, tôi mong muốn học sinh hiểu rằng, nghệ thuật không chỉ đơn thuần là vẽ đẹp mà còn là công cụ truyền tải thông điệp kết nối cộng đồng. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động sáng tạo, mà còn là hành trình giúp các con trở thành những công dân toàn cầu biết trân trọng sự đa dạng, sẵn sàng hợp tác và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.”