Với sự phát triển nhanh chóng của thế giới, mỗi thử thách luôn đi kèm với nhu cầu giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề của các cá nhân, cộng đồng. Cùng với xu hướng của thời đại mới, Tư duy thiết kế (Design Thinking) ngày càng được chú trọng tại các môi trường học, doanh nghiệp bởi là đây được xem là một công cụ giải quyết vấn đề mạnh mẽ, sáng tạo đem lại ý nghĩa tích cực.
John Dewey – Nhà triết gia giáo dục nổi tiếng người Mỹ đã có câu nói nổi tiếng: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống; Giáo dục chính là cuộc sống”. Tư duy Thiết kế thúc đẩy cách tiếp cận mới mẻ trong giảng dạy, vượt xa các phương pháp giáo dục truyền thống. Là sự khởi nguồn cho những tác động tích cực, Tư duy Thiết kế là sự kết nối của nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ giới hạn ở kỹ thuật và thiết kế. Đồng thời tư duy này cũng truyền tải cho người học phương pháp giải quyết vấn đề giàu trí tưởng tượng, toàn diện và có khả năng thích ứng cao đối với mọi trình độ học sinh.
John Dewey và triết lý “Giáo dục chính là cuộc sống”
Nghiên cứu của Stanford Graduate School of Education vào năm 2019 đã chỉ ra sự liên kết mạnh mẽ giữa Tư duy Thiết kế và sự thay đổi tích cực trong kết quả học tập của hơn 200 học sinh lớp 6 tham gia nghiên cứu. Thông qua khảo sát, Tư duy Thiết kế giúp trẻ phát triển tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và kỹ năng hợp tác, tất cả đều cần thiết để giúp học sinh đối phó với thế giới đang thay đổi ngày nay. Tư duy Thiết kế không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề; phương pháp này còn nuôi dưỡng tâm lý chuẩn bị cho học sinh tư duy phản biện và giải quyết vấn đề mà các em sẽ gặp phải trong việc học và chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.
Kiến tạo những giá trị ý nghĩa từ hướng tiếp cận “Lấy con người làm trung tâm”
Sự hấp dẫn của Tư duy Thiết kế nằm ở việc các giải pháp, cải tiến được tạo nên từ một quá trình gồm 5 bước: Đồng cảm – Xác định – Ý tưởng – Thử nghiệm – Kiểm tra. Tư duy này thúc đẩy các kỹ năng tư duy và cộng tác nhằm tìm kiếm những giải pháp phục vụ các vấn đề thực tế, những thách thức mà không có câu trả lời trong sách giáo khoa.
“Lấy con người là trung tâm” là cốt lõi của Tư duy Thiết kế vậy nên tư duy này nhanh chóng được hàng loạt doanh nghiệp toàn cầu như Apple, Google, Pepsi, Nike… áp dụng để nâng cao các dòng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dùng, tạo ra giải pháp kinh doanh có lợi cho các phía. Ngoài ra, các trường đại học hàng đầu trên thế giới: Stanford, Harvard, MIT… và nhiều chương trình MBA cũng đưa mô hình này vào giảng dạy để đào tạo năng lực giải quyết vấn đề cho người học.
Dù là một chu trình có 5 bước nhưng Tư duy Thiết kế không phải là một bộ quy trình cứng nhắc; đó là một cách tiếp cận linh hoạt phù hợp với học sinh ở các cấp độ giáo dục khác nhau. Ở cấp Tiểu học, Tư duy Thiết kế khơi dậy trí tò mò và khả năng phục hồi trong tâm trí trẻ. Ở cấp THCS, thông qua Tư duy Thiết kế, học sinh được khuyến khích sự độc lập và khám phá sáng tạo. Đối với cấp THPT, Tư duy Thiết kế thúc đẩy các kỹ năng giải quyết vấn đề nâng cao, chuẩn bị cho học sinh vào Đại học và cuộc sống ngoài trường học.
Tư duy Thiết kế không chỉ đem lại lợi ích cho người học mà ngay cả những nhà giáo dục, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cũng được phát triển và nâng cao kỹ năng dạy học. Từ việc tìm hiểu nhu cầu của học sinh đến việc xác định những thách thức và đưa ra các giải pháp sáng tạo. Giáo viên được trao quyền để thay đổi cách giảng dạy, sự đổi mới trong lớp học, giúp học sinh thích ứng với thế giới phát triển nhanh chóng mà chúng ta đang sống.
“Lấy người học làm trung tâm” là cốt lõi của phương pháp tư duy Thiết kế
Nền tảng phát triển bền vững cho những công dân toàn cầu tương lai
Tư duy Thiết kế không chỉ dành cho những người đi làm; mà trẻ em ở bất cứ độ tuổi nào cũng nên học về Tư duy Thiết kế càng sớm càng tốt bởi đây là một công cụ tuyệt vời giúp việc học tập trở nên thú vị hơn đối với học sinh ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ ở cấp Tiểu học đến những học sinh trưởng thành ở cấp THCS và cấp THPT.
The Dewey Schools – Hệ thống trường quốc tế song ngữ chất lượng cao hợp tác cùng trường Mount Vernon School (Mỹ) để triển khai chương trình giáo dục và là một trong những ngôi trường tiên phong trong việc đưa Tư duy Thiết kế – Design Thinking vào giảng dạy từ Tiểu học – THPT tại Việt Nam. Thông qua, Tư duy Thiết kế việc học tập trở nên gần gũi hơn với cuộc sống và giúp học sinh phát triển các kỹ năng thế kỷ 21: giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề… Học sinh không chỉ được nuôi dưỡng đam mê khoa học, công nghệ và tinh thần đổi mới sáng tạo để làm chủ sự thay đổi của thế giới mà còn tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng bằng chính những sản phẩm mang tính ứng dụng cao.
Ông Jim Tiffin, Giám đốc chương trình MDE (Maker, Design and Engineering) tại Mount Vernon School chia sẻ: “Trẻ em dù ở bất kì độ tuổi nào cũng cần thấy được rằng các em chính là người tạo nên tác động và kiến tạo thế giới. Qua những hành động của mình, những sản phẩm do mình sáng tạo, các em có thể nhận ra bản thân có khả năng tạo ra sự thay đổi tích cực tới cộng đồng xung quanh”.
Khi những bài học về “Thấu cảm” được hiện thực hóa
Tại The Dewey Schools mỗi tiết học đều khởi nguồn với câu hỏi “Vì sao…?” hay “Tại sao…?” để kích thích sự tò mò và phát triển tư duy tìm kiếm, phản biện ở học sinh. Từ đó giáo viên như một người đồng hành dẫn dắt học sinh tìm kiếm giải pháp phù hợp thông qua vô vàn các thử nghiệm, kế hoạch khác nhau để học sinh tự tin làm chủ chiếm lĩnh tri thức.
Đối với cấp Tiểu học, các con được vào vai “nhà sáng chế” nhí ngay từ lớp 1. Với trí tưởng tượng phong phú đúng lứa tuổi, trẻ được thể hiện những ý tưởng đầy sáng tạo và đột phá trong bộ môn MDE với phòng sáng chế Tinkerspace tại Dewey sẽ giúp con hiện thực hóa những ước mơ, đem những sáng chế đến với thực tế để con thỏa sức thiết kế máy móc, mô hình giúp đỡ mọi người trong cuộc sống. Các con được học cách thấu cảm với mọi người, biết suy nghĩ và hành động để giải quyết vấn đề.
Cô Shamrock Miche Nicole – giáo viên bộ môn Khoa học và MDE chia sẻ: “Với Học sinh lớp 1, các con được trao cơ hội lên ý tưởng để thỏa sức sáng tạo, thông qua các buổi học, các con được áp dụng Tư duy Thiết kế để học cách tạo nên một mẫu thiết kế của riêng mình. Mục tiêu của bộ môn giúp học sinh phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách có chủ đích thông qua việc tự học, tự làm.”
Tại cấp Trung học, với các chủ đề nâng cao và khả năng học sinh đa dạng, Tư duy Thiết kế đóng vai trò như là nơi thử nghiệm các khái niệm phức tạp. Dự án học tập trong bộ môn Humanities (Nhân văn học) là cơ hội để các em Học sinh lớp 10 tại Dewey đã được thử sức trong cáo hoạt động như: Nâng cao nhận thức cho cộng đồng và gây quỹ cho hoạt động Hiến tạng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Nghiên cứu tỷ suất giới tính Việt Nam; Vai trò của công dân trong xã hội và gia đình Việt Nam… Chủ đề mở giúp Học sinh bước ra thế giới, không bị “đóng khung” trong lớp học, phát huy sự sáng tạo, chủ động và tích cực trong các nhiệm vụ học tập. Quan trọng hơn, các dự án trên mang đến sự thấu cảm cho Học sinh về những vấn đề của cộng đồng, khuyến khích Học sinh đi tìm giải pháp để tạo nên xã hội nhân văn, tích cực hơn.
Học hỏi từ chính những “thất bại”
Điểm đặc biệt của Tư duy Thiết kế là chuỗi các quá trình lặp đi lặp lại đến khi kết quả tốt nhất được tạo nên. Khi học sinh học gặp vấn đề trong giai đoạn Thử nghiệm (Test), các “nhà thiết kế” cần xem lại các bước trong chu trình để đánh giá nguyên nhân. Do có sự đánh giá, xem xét kỹ lưỡng nên các giải pháp có thể được cải tiến và tối ưu hóa liên tục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong đợi của người dùng.
Điểm đặc biệt của học sinh Dewey đó chính là sự lạc quan, cầu tiến và học hỏi từ “thất bại”, điều này là kết quả của môi trường giáo dục chuẩn Mỹ, nơi mỗi học sinh đều được tự tin bày tỏ ý kiến và thử nghiệm để kiểm chứng nơi mà giáo viên là những người đồng hành, tôn trọng ý kiến của con. Giống như nhà khoa học Albert Einstein đã từng chia sẻ “Failure is success in progress” – Thất bại là thành công đang tiến triển. Tư duy Thiết kế giúp học sinh tại Dewey hiểu rằng mỗi bước thất bại là một bước gần hơn tới thành công.
Đích đến của việc học không chỉ ở kiến thức học thuật mà người học được tiếp cận, đó còn phải là quá trình người học được giáo dục và hoàn thiện về yếu tố con người, tâm lý bao gồm cách đối diện với những thất bại mà cá nhân sẽ gặp phải trong việc học và cuộc sống. Tất cả điều này phụ thuộc vào khả năng thích ứng. Mỗi khi một chiến lược không hiệu quả, đó là cơ hội để học sinh học hỏi và thử điều khác biệt. Những thử nghiệm này là điều kiện cần có để sự phát triển được thúc đẩy liên tục, đảm bảo rằng trải nghiệm của mỗi lớp học đều vượt trội hơn trải nghiệm trước đó.
Không phải những kiến thức đóng khung trong sách vở, giáo án, phương pháp học tập như “Design Thinking” mới chính là công cụ sẽ đi theo người học một quãng đường dài, hỗ trợ cá nhân giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Hi vọng với bài viết trên, Quý Phụ huynh có thêm góc nhìn về phương pháp Tư duy Thiết kế và tác động của phương pháp này trong môi trường giáo dục.
Nguồn tham khảo:
- “Design Thinking in Education: A Roadmap for Classroom Innovation” – Tác giả Anoop Suri: https://www.linkedin.com/pulse/design-thinking-education-roadmap-classroom-innovation-anoop-suri-6ncmf?trk=articles_directory
- “Will design-thinking strategies benefit students after class is dismissed?” – Tác giả Edmund L. Andrews: https://ed.stanford.edu/news/will-design-thinking-strategies-benefit-students-after-class-dismissed?trk=article-ssr-frontend-pulse_little-text-block