Lịch sử là môn học được cho là khô khan với những dữ liệu khó nhớ, tuy nhiên, với cách tiếp cận mới mẻ cùng với nhiều hoạt động thú vị thì những tiết học Lịch sử của các bạn Học sinh TDS Cầu Giấy trở nên hấp dẫn, sôi nổi và được các bạn nhỏ hào hứng đón nhận.
Trong tiết học tìm hiểu về tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam thời kỳ bao cấp, các bạn Học sinh đã được xem những thước phim tư liệu, tranh ảnh và những video phỏng vấn những “nhân chứng lịch sử” của thời kỳ này từ đó có cái nhìn bao quát hơn cũng như có thêm những thông tin mới mẻ, sinh động về bài học.
Tiết học không dừng lại ở đó, các bạn học sinh lớp 5 Boston còn về nhà trao đổi với ông bà, người thân của mình về thời kỳ bao cấp, thảo luận cùng cả lớp và trình bày những suy nghĩ của mình về thời kỳ lịch sử đặc biệt này. Ngoài ra, từ những kiến thức đã được học, các thông tin đã được thu thập các bạn đã tái hiện lại Thời kỳ bao cấp qua các sản phẩm: thiết kế tem phiếu, vẽ minh hoạ cảnh mua hàng, thiết kế thực đơn…
Cô Lương Thị Mơ (tổ trưởng bộ môn Xã hội TDS Cầu Giấy) chia sẻ: “Thời kỳ bao cấp của nước ta chỉ tồn tại rất ngắn và không có trong sách giáo khoa nên cũng ít được dạy, tuy nhiên, chúng tôi muốn mang đến cho Học sinh một góc nhìn đầy đặn hơn về lịch sử nước nhà và một cái nhìn tổng quan cho cả cả một giai đoạn lịch sử Việt Nam”.
Với cách tiếp cận đa chiều và củng cố kiến thức bài học qua “việc làm” (learning by doing), các thầy cô TDS đã giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách chủ động và chuyển hoá kiến thức thành của mình, hơn nữa còn phát huy khả năng sáng tạo và khai thác triệt để các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Cùng xem một góc nhìn về “Thời bao cấp” của bạn Ngọc Đăng lớp 5 Boston:
Thời kỳ bao cấp là thời kỳ rất quen thuộc với ông bà của tôi và bây giờ tôi được nghe ông bà kể lại. Và hôm nay, tôi muốn giới thiệu cho mọi người biết về thời kỳ này.
Cái nồi gang, mâm bát đũa, cặp lồng nhôm, chiếc đèn dầu hay phích nước, cốc nhôm và xe đạp là những vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình thời kỳ đó. Những thứ như: tivi, quạt, đồng hồ, bàn là, tủ lạnh, nồi áp suất là những thứ quá xa xỉ chỉ có những người may mắn và những gia đình giàu có mới có được những vật dụng này. Thời kỳ bao cấp diễn ra sau chiến tranh, Việt Nam còn phải khắc phục hậu quả từ cuộc chiến tranh để lại. Còn nếu là một gia đình khá giả thì phải có người thân làm việc ở nước ngoài thì mới có được nồi áp suất, tủ lạnh và đồng hồ.
Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thì ngôi nhà của họ cũng sẽ khác nhau, ví dụ: một gia đình bình thường có một bộ bàn ghế, một cái kệ tủ và một bộ ấm chén, phòng bếp sẽ có bếp củi và gac – măng – giê. Còn phòng khách của gia đình khá giả và giàu sẽ có 1 bộ bàn ghế, tivi, radio, quạt, kệ đồ và bộ ấm chén; bếp sẽ có một cái nồi áp suất Liên Xô, bếp dầu và tủ lạnh.
Những món ăn nổi tiếng trong thời đó là: Cơm độn với ngô, khoai, sắn, hạt bo bo, cá chuồn, rau muống luộc, cà muối, dưa xào tóp mỡ, nộm hoa chuối, tép rang khô, đậu phụ làng Mơ và cá biển kho. Ngoài ra, mọi người có thể mua đồ ăn ngoài và đựng bằng cặp lồng nhôm. Vào thời đó, người dân không dùng tiền để mua đồ mà dùng tem phiếu do nhà nước cấp. Mua thức ăn sẽ có phân biệt giữa các cấp bậc như: quan chức nhà nước, bộ đội, dân thường, người già, thanh thiếu niên, trẻ em. Mua vải và phụ tùng xe phải bốc thăm, bốc được cái gì thì lấy cái đấy. Mỗi tháng chỉ có 1 tờ tem phiếu nên mọi người giữ rất kỹ, nếu mất là nhịn đói luôn.
Cảnh mua hàng ở cửa hàng rất náo nhiệt, mọi người chen lấn, xô đẩy lẫn nhau, hôm nay hết hàng thì ngày mai lại đến, nếu muốn ăn thêm thì phải tự trồng, tự nuôi. Thời kỳ này kinh tế đều do nhà nước quản lý. Kinh tế tư nhân chưa được phép phát triển, mà nếu có thì cũng rất ít và cũng thuộc quản lý của nhà nước. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn nhưng mọi người rất vui vẻ và luôn giúp đỡ lẫn nhau khi cần.
Trên đây là những điều nổi bật nhất về thời kỳ bao cấp mà tôi muốn chia sẻ. Đây cũng là cuộc sống mà ông bà tôi đã trải qua. Hi vọng nó sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về thời kỳ này