Có lẽ ấn tượng nhất khi lần đầu gặp thầy Michael chính là sự thân thiện cởi mở và đặc biệt là 10 ngón tay được sơn đen. Giải thích về điều này, thầy chia sẻ rằng muốn gợi lên sự tò mò và tâm lý thoải mái để Học sinh chủ động bắt chuyện với mình. Ngoài ra, thầy được các Học sinh mô tả là một thầy giáo rất nghiêm túc, tỉ mỉ, cầu toàn trong giảng dạy.
“Ấn tượng của con về thầy Michael từ lúc đầu gặp thầy đến bây giờ vẫn chưa thay đổi, thầy rất hiểu học sinh. Cách dạy của thầy đặc biệt ở chỗ thay vì bắt đầu bằng lý thuyết, thầy sẽ dạy bằng ví dụ. Bắt đầu một buổi học (Calculus), thầy sẽ cho cả lớp một ví dụ của bài học và chúng mình sẽ phải giải. Sau đó thầy sẽ giải thích chi tiết về cả đáp án, lý do rồi mới cho chúng mình những lý thuyết cần nhớ. Việc này giúp chúng mình vừa được áp dụng công thức, đồng thời cũng hiểu được bài.” bạn Vương Ngọc Linh lớp 10 Sofia chia sẻ.

Trong hành trình 8 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở nhiều quốc gia, thầy không chỉ có kinh nghiệm chuyên sâu về dạy học mà còn có những góc nhìn mới mẻ và đa chiều về giáo dục, thầy chia sẻ: “Đã từng dạy học tại cả Mỹ và Áo, việc tới Việt Nam là một cơ hội để tôi có thể nhìn xa hơn bức tranh giáo dục thế giới. Dù ở bất cứ quốc gia nào, bạn cũng có thể thấy những điểm chung của Học sinh: Có những em luôn sẵn trong mình nghị lực học tập, một số khác cần nhiều sự động viên và động lực từ bên ngoài. Dù ở bất cứ đâu, Học sinh cũng cần cân bằng đời sống học đường và nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong những năm học phổ thông nền tảng này.
Theo tôi, điểm khác biệt lớn nhất giữa Học sinh tới từ các quốc gia khác nhau nằm ở “chủ nghĩa cá nhân”, không chỉ trong bối cảnh văn hoá mà ngay cả trong giáo dục. Với Học sinh tới từ các nước phương Tây, chủ nghĩa cá nhân và tầm quan trọng của “cái tôi” luôn được đề cao, trở thành giá trị cốt lõi trong nhiều quan điểm giáo dục và dạy học. Tại Việt Nam, vai trò của mỗi cá nhân nhiều khi chưa thực sự được làm nổi bật – Học sinh được nhìn nhận như một phần của các tập thể (gia đình, lớp học, và sau này là các công ty) nhiều hơn là một cá nhân. Điều này có thể thấy rõ trong nhiều lớp học khi không ít Học sinh ngại ngần trong việc bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân. Dạy Học sinh cách để hình thành và chia sẻ suy nghĩ cá nhân nhiều hơn trong một xã hội đề cao giá trị cộng đồng vẫn là một “bài toán” giáo dục thú vị mà tôi đang thử nghiệm.”
Trong quan điểm giáo dục của thầy Michael, Học sinh phải được đặt ở trung tâm của việc dạy học. Người giáo viên cần phản tư liên tục với những câu hỏi: Làm sao để Học sinh có thể hòa mình vào lớp học, vào bài giảng? Kiến thức nào các em cần nắm được? Làm sao để lớp học có thể phản ánh cuộc sống và thế giới? Liệu các hoạt động đã đủ tính tương tác và khơi gợi tư duy của Học sinh? Thầy Michael cũng cho rằng, việc dạy học giống như một “buổi trình diễn” và người giáo viên đang đứng trên “sân khấu.” Giáo viên không chỉ dạy Học sinh một môn học mà phải trở thành “người đại sứ” cho môn học đó: Việc Học sinh có say mê hay chưa hứng thú với một môn học nằm ở cách giáo viên “trình diễn” kiến thức môn học ấy đến với Học sinh.
Với công việc ở The Dewey Schools, điều thầy Michael ấn tượng nhất là cách các giáo viên luôn hỗ trợ nhau trong công việc, chia sẻ ý tưởng, nguồn lực, thời gian và không gian. Dạy học ở nhiều thành phố và các quốc gia khác nhau, thầy Michael cho rằng môi trường giáo dục hợp tác tại The Dewey Schools thực sự tạo động lực cho mỗi giáo viên, khiến việc dạy học trở nên thú vị hơn bao giờ hết.