Chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh là vấn đề được các trường vô cùng quan tâm. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là nhiệm vụ của gia đình và toàn xã hội, bởi nó có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.
Vậy vì sao cần quan tâm đến sức khỏe học sinh, các yếu tố ảnh hưởng và các giải pháp chăm sóc như thế nào? Dewey Schools sẽ cùng các bạn thảo luận chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
Sức khỏe học đường là gì?
Sức khỏe học đường là trạng thái khỏe mạnh về tinh thần, thể chất và xã hội của học sinh. Trạng thái này mang lại sự thoải mái, hài lòng, khỏe mạnh, giúp trẻ học tập tốt, phát triển toàn diện. Sức khỏe của học sinh không đơn thuần là tình trạng không có bệnh tật do các hoạt động trong khuôn viên học đường gây ra. Nó bao gồm các yếu tố sau:
- Sức khỏe thể chất: Sức khỏe thể chất của học sinh là trạng thái khỏe mạnh của cơ thể, không mắc phải bệnh tật. Trẻ khỏe mạnh có sức đề kháng tốt, có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường sống. Các chỉ số sức khỏe thể chất bao gồm chiều cao, cân nặng, sức khỏe hô hấp, sức khỏe tim mạch…
- Sức khỏe tinh thần: Sức khỏe tinh thần là trạng thái cân bằng về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Các yếu tố thể hiện sức khỏe tinh thần tốt là sự lạc quan, tâm trạng vui vẻ, sự tự tin, khả năng tập trung chú ý tốt…
- Sức khỏe xã hội: Sức khỏe xã hội là khả năng hòa nhập, giao tiếp và xây dựng tốt các mối quan hệ xã hội của học sinh. Các yếu tố thể hiện sức khỏe xã hội tốt là biết cách hợp tác, làm việc nhóm, biết cách kết bạn, hòa đồng, chia sẻ với bạn bè, thầy cô, những người xung quanh…
Tìm hiểu về sức khỏe học đường
>>> Tham khảo: Cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh hiệu quả
Vì sao cần quan tâm đến sức khỏe học đường?
Sức khỏe học đường đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của trẻ, giúp các em có khả năng tập trung, tiếp thu kiến thức hiệu quả và học tập tốt hơn. Trẻ nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi có sức khỏe tốt trẻ phát triển toàn diện về các mặt tinh thần, thể chất và xã hội.
Gia đình, nhà trường và xã hội đặc biệt quan tâm đến sức khỏe học đường vì tầm quan trọng mà nó mang lại. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai để đảm bảo:
- Trẻ phát triển toàn diện: Sức khỏe học sinh là một trong những điều kiện hàng đầu cần thiết để học tập hiệu quả, phát triển toàn diện về trí tuệ, tinh thần và thể chất của người học. Nếu trẻ khỏe mạnh sẽ có khả năng tập trung cao, tiếp thu kiến thức tốt và tham gia tích cực vào các hoạt động của trường lớp.
- Nâng cao chất lượng học tập: Chăm sóc sức khỏe tốt cho học sinh là điều kiện tiên quyết để xây dựng nền tảng cho người học khỏe mạnh, năng động và sáng tạo. Khi các em có sức khỏe tốt, sức đề kháng cao, trí tuệ phát triển sẽ ít bị nguy cơ mắc phải bệnh tật, có thể học liên tục và nâng cao chất lượng học tập.
- Xây dựng thế hệ tương lai khỏe mạnh: Chăm lo sức khỏe trường học là chuẩn bị thế hệ tương lai khỏe mạnh, có khả năng học tập, khả năng lao động và cống hiến cho xã hội. Ngay ở hiện tại, các em học tập và rèn luyện tốt sẽ có tương lai tươi sáng, kiến thiết đất nước.
- Giảm áp lực chi phí điều trị bệnh cho gia đình, nhà trường, xã hội: Chăm sóc tốt cho sức khỏe của trẻ làm giảm áp lực về chi phí bệnh tật cho gia đình, nhà trường và xã hội. Có sức khỏe tốt trẻ có thể học tập liên tục, hạn chế tối đa thời gian nghỉ học để điều trị bệnh, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho giáo dục.
- Sự quan tâm của xã hội với thế hệ tương lai của đất nước: Chăm sóc sức khỏe cho học sinh là thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với thế hệ tương lai của đất nước. Đây được coi là khoản đầu tư cho tương lai, giúp trẻ có nhiều cơ hội phát triển tốt nhất, để các em trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Sức khỏe học đường là điều kiện hàng đầu giúp trẻ học tập hiệu quả
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe học đường tại Việt Nam
Sức khỏe học đường đã và đang là vấn đề nóng hổi tại Việt Nam và thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Chăm sóc sức khỏe trường học là việc làm cấp thiết nhằm đảm bảo sự phát triển của thế hệ tương lai, sự phát triển bền vững của đất nước.
Việt Nam là đất nước có nền giáo dục phát triển mạnh mẽ, không ngừng mở rộng hệ thống trường học. Trong nhiều năm gần đây bình đẳng giới trong học được đã được quan tâm và thực hiện tốt. Tuy nhiên, chúng ta không thể tránh khỏi mặt trái của sự phát triển không ngừng là giáo dục đã không theo sát xu thế phát triển của thế giới và đã xuất hiện những bất cập:
- Một số nhà trường không được quản lý chặt chẽ
- Không ít cán bộ quản lý và giáo viên có tư duy giáo dục lỗi thời
Sự bất cập đã dẫn đến xuất hiện một số yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học sinh:
Bạo lực học đường
Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe học đường thì bạo lực học đường được xem là nghiêm trọng nhất. Theo thống kế trong 5 năm học từ 2017 – 2022 đã có hơn 2.600 vụ bạo lực học đường với hơn 7.200 đối tượng có liên quan (trung bình mỗi ngày có khoảng 5 vụ). Cứ khoảng 11.000 học sinh có 1 e bị buộc phải thôi học vì đã gây ra những kết quả xấu do hành vi bạo lực của bản thân. Tình trạng bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm.
Bạo lực học đường ở nước ta, liên quan không chỉ giữa học sinh với học sinh, có nhiều vụ việc liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh. Chúng ta thấy đã có nhiều trường học giáo viên đánh đập học sinh thô bạo như tại một số trường mầm non. Giữa giáo viên và giáo viên, cán bộ quản lý cũng có những vụ ẩu đả. Thậm chí còn có nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề lạm dụng hay quấy rối tình dục.
Bạo lực học đường đã gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại, dẫn đến nạn nhân bị thương tật, tâm lý bị sang chấn, bị lo âu, mất tập trung hay trầm cảm. Nghiêm trọng hơn đã có một số trường hợp gây ra hậu quả đáng tiếc, nạn nhân tự tử rất thương tâm.
Bạo lực học đường có tác hại rất lớn đến sức khỏe học đường của học sinh
Xem thêm:
- 4 nguyên nhân bạo lực học đường có thể bạn không biết
- 7 hậu quả của bạo lực học đường đối với trẻ em và xã hội
Công tác quản lý giáo dục lạc hậu
Công tác quản lý giáo dục có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học đường của học sinh. Trên thực tế có những đơn vị thể hiện sự yếu kém trong quản lý thể hiện ở nhiều mặt như quan điểm đào tạo lạc hậu, chương trình giáo dục quá tải, biến nhà trường thành thương trường. Khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, giáo dục lao động và hướng nghiệp bị coi nhẹ. Thay vào đó là sự tập trung vào mục tiêu khoa cử, nhiều trường nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ việc rèn luyện kỹ năng, thái độ và đạo đức học sinh. Khiến một bộ phận trẻ trở nên mệt mỏi, căng thẳng và chịu nhiều áp lực.
Thực tế có nhiều học sinh phải học tập liên tục, không còn thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể lực hay thư giãn. Hơn nữa, với lối học vẹt, học theo khuôn mẫu khiến trẻ mất đi khả năng sáng tạo, tư duy giáo điều, học trước quên sau. Giáo dục theo lối mòn, khiến nhiều học sinh chán học, sợ học và bị bào mòn sức khỏe.
Ngoài 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe học đường trên đây, còn một số vấn đề khác chúng ta cần quan tâm:
- Bệnh về mắt: Theo số liệu thống kê, tật khúc xạ mắt của học sinh có số lượng khá lớn. Cụ thể, đối với độ tuổi 6 – 15 có tới 20 – 40% học sinh ở thành thị, 10 – 15% học sinh ở nông thôn mắc tật này.
- Thừa cân béo phì: 19% học sinh ở độ tuổi 15 – 19, 12,2% học sinh ở độ tuổi 5 – 10 bị suy dinh dưỡng thể thwuaf cân béo phì; 14,8% học sinh ở thể thấp còi.
- Cong vẹo cột sống: Năm 2019, có 7,4% học sinh ở một số tỉnh ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Yên Bái mắc tật cong vẹo cột sống.
Công tác quản lý giáo dục yếu kém cũng là nguyên nhân khiến sức khỏe học sinh suy giảm
Các giải pháp chăm sóc sức khỏe học đường
Chăm sóc sức khỏe trường học và vấn đề thu hút sự quan tâm và cần có sự chung tay góp sức để thực hiện các giải pháp của toàn xã hội. Để triển khai hiệu quả công tác, đạt được mục tiêu của chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn lực
Muốn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường cần đảm bảo cơ sở vật chất và nguồn lực nhà trường:
- Cơ sở vật chất: Cần sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đảm bảo điều kiện dạy học, nâng cao chất lượng công tác sức khỏe trường học. Đặc biệt là công tác y tế và bữa ăn học tại các điểm trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Nguồn nhân lực: Tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp quá trình triển khai công tác sức khỏe trường học phù hợp với từng trường học, điều kiện địa phương. Khuyến khích các trường ngoài công lập trang bị đủ nhân lực phục vụ cho y tế, bữa ăn học đường để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng triển khai phần mềm quản lý phục vụ hiệu quả quá trình triển khai công tác sức khỏe trường học.
Cải thiện môi trường học
Môi trường học tập là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe học đường. Do đó cần cải thiện môi trường học tập thông qua nhiều hoạt động:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Trường học cần kiểm tra kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn khi chế biến và bảo quản tại bếp ăn bán trú, nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước uống cho học sinh.
- Rèn luyện thể lực: Nhà trường cần tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, tổ chức các môn thể thao rèn luyện sức khỏe, tăng cường vận động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và sở thích của trẻ. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động thường xuyên ngoài giờ lên lớp.
- Hạn chế thiết bị điện tử: Cần có quy định cụ thể về việc sử dụng các thiết bị điện tử trong trường học. Nhà trường nên khuyến khích học sinh sử dụng các thiết bị này một các hợp lý, khoa học.
Cải thiện môi trường học giúp nâng cao sức khỏe trường học
Nâng cao nhận thức
Để nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe học đường, cần tổ chức nhiều hoạt động tại nhà trường, cung cấp thông tin trên các kênh thông tin đại chúng và nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội.
- Tổ chức hội thảo, tập huấn: Thực hiện tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về sức khỏe của trẻ cho học sinh, phụ huynh, giáo viên. Nội dung tập huấn đa dạng kiến thức về rèn luyện thể chất, dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe tinh thần… Ngôn ngữ sử dụng đảm bảo dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng để mang lại hiệu quả tốt.
- Cung cấp kiến thức qua các kênh thông tin đại chúng: Trên thực tế không phải ai cũng nắm bắt được thông tin về chăm sóc sức khỏe cho trẻ, do đó nên sử dụng các kênh thông tin đại chúng để tuyên truyền. Trong đó yêu cầu khi truyền tải thông tin thông qua báo chí, truyền hình, mạng xã hội… đảm bảo nội dung mang tính chính xác, khoa học, thu hút và dễ hiểu. Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang truyền thông phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, hướng dẫn đối với việc nâng cao sức khỏe cho học sinh phù hợp với từng cấp học, địa phương, vùng miền, dân tộc.
- Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội: Chăm sóc sức khỏe học đường để đạt được hiệu quả tốt cần có sự phối hợp 3 bên giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần quan tâm đến chế độ rèn luyện thể chất, dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe tinh thần cho trẻ. Nhà trường thiết lập môi trường học tập lành mạnh, an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Xã hội chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh và an toàn cho trẻ.
Tư vấn tâm lý
Hiện nay nhiều trường học đã và đang chú trọng đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Các trường còn thành lập các trung tâm hay phòng tư vấn tâm lý riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tìm tới nếu có nhu cầu. Hoạt động tư vấn giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, giải đáp thắc mắc và học cách quản lý áp lực. Cần tổ chức các buổi tư vấn, khuyến khích học sinh chia sẻ vướng mắc, khó khăn về tâm lý với chuyên gia, giáo viên hay phụ huynh.
Bên cạnh đó trường cần tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện, đủ các điều kiện giúp học sinh phát triển toàn diện. Thiết lập trường học tôn trọng, cởi mở và khuyến khích học sinh phát triển tiềm năng, thỏa sức sáng tạo. Học sinh cũng cần được tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội và nghệ thuật.
Nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh thông qua hoạt động tư vấn tâm lý
>>> Xem thêm: Tư vấn tâm lý học đường và tầm quan trọng đối với học sinh
Ứng dụng công nghệ thông tin
Triển khai tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh trong trường học và có sự kết nối với gia đình. Thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, học sinh và gia đình về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Thực hiện số hóa trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác sức khỏe học đường như bãi tập, sân chơi, bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh…
Khám sức khỏe định kỳ
Trường học phối hợp với các cơ sở y tế để tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người học, để kịp thời phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng triều trị thích hợp nếu mắc bệnh. Các nội dung khám sức khỏe học đường định kỳ như khám tổng quát, xét nghiệm, khám chuyên khoa…
Nội dung chương trình sức khỏe học đường 2021- 2025
Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ngày 02/10/2021 với mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, quản lý và bảo vệ sức khỏe trẻ em trong trường học. Từ đó đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho người học, hướng đến mô hình “Trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh”.
Các chỉ tiêu thực hiện chương trình sức khỏe học đường theo quy định (chi tiết tại Mục III Quyết định 1660/QĐ-TTg năm 2021) bao gồm một số nội dung sau:
Chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh tại trường
- 80% trường học đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định
- 85% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe đầu năm học cho học sinh theo quy định
- 50% trường học thực hiện đánh giá, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tinh thần cho người học
- 75% trường học cung cấp đủ nước sạch và nước uống sinh hoạt, hoạt động trong nhà trường chất lượng đảm bảo theo quy định
- 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học đủ nhà vệ sinh theo quy định, 80% nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện hợp vệ sinh
- 80% trường học đạt tiêu chuẩn an toàn; 75% phòng học đạt yêu cầu chiếu sáng; 50% trường học phổ thông bố trí bàn ghế đảm bảo cỡ số theo nhóm chiều cao học sinh, phù hợp cho học sinh khuyết tật
Nội dung tvề quản lý sức khỏe học đường cho học sinh tại trường học
Hoạt động thể thao và công tác giáo dục thể chất
- 80% trường học bố trí ít nhất 01 khu vực có trang thiết bị, dụng cụ cần thiết đảm bảo quy định cho giáo viên giáo dục thể chất và hoạt thể thao
- 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, câu lạc bộ thể thao cho học sinh
- 100% trường THPT tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực theo quy định cho học sinh
- 100% trường học tổ chức hoạt động thi đấu thể thao định kỳ theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao
- 100% trường THPT có đủ giáo viên giáo dục thể chất được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ
Tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng trong trường
- 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm an toàn, lành mạnh cho học sinh qua các giờ học chính khóa và hoạt động ngoại khóa
- 100% trường học tổ chức bữa ăn và căng tin đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó khu vực thành thị 60% trường, khu vực nông thôn 40% trường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm theo lứa tuổi
- 60% trường học tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa đạt chuẩn theo quy định
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe học đường
- 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe, nâng cao kiến thức phòng chống bệnh tật học đường, các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm an toàn, lành mạnh
- 50% học sinh THPT được tư vấn, phổ biến về tâm sinh lý lứa tuổi, sức khỏe tâm thần
- 95% cán bộ quản lý, nhân viên y tế, giáo viên được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe học đường
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh và thống kê báo cáo
- 80% trường học khu vực thành thị, 60% trường học khu vực nông thôn ứng dụng, triển khai hiệu quả phần mềm theo dõi, quản lý, thống kê, đánh giá sức khỏe học sinh
- 80% trường học khu vực thành thị, 60% trường học khu vực nông thôn có tổ chức bữa ăn học đường triển khai phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xây dựng thực đơn cho học sinh
- 95% cán bộ quản lý, nhân viên y tế, giáo viên trường học được tập huấn sử dụng hiệu quả các phần mềm theo dõi, quản lý, thống kê, đánh giá về sức khỏe học sinh
Muốn thực hiện tốt các chỉ tiêu chương trình Sức khỏe học đường theo quy định, cần sự đồng bộ thực hiện đối với các nhiệm vụ, giải pháp (chi tiết tại Mục IV Quyết định 1660/QĐ-TTg năm 2021) như:
- Sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong trường học
- Tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ từ quản lý, giáo viên, công nhân viên nhà trường
- Đổi mới công tác giáo dục thể chất, phát triển hoạt động thể dục thể thao trường học
- Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, điều hành, thống kê và báo cáo chăm sóc sức khỏe trường học
- Tăng cường hoạt động giáo dục, truyền thông và vận động xã hội
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phối hợp liên ngành và tăng cường trách nhiệm triển khai
- Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế
Sức khỏe học đường không chỉ là nhiệm vụ của trường học hay ngành giáo dục mà là trách nhiệm chung của gia đình và toàn xã hội. Mỗi cá nhân cần chung tay, góp sức để thiết lập môi trường học tập lành mạnh, an toàn tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần để góp phần kiến thiết đất nước phát triển vững mạnh.