Buổi 3 của Khóa học Làm cha mẹ tích cực diễn ra trong không gian ấm cúng với những chia sẻ chân thực của các Phụ huynh tham gia. Sau 2 buổi, chị Bùi Thị Xuân đã thành công áp dụng phương pháp “họp gia đình”: “Mặc dù con chưa thực sự thoải mái nhưng đã dần chia sẻ những “công việc” mình đã làm và sẽ làm cho ba mẹ”. Nhiều Phụ huynh tham gia cũng vui mừng kể lại những dấu hiệu tích cực khi áp dụng một số “bài tập về nhà” của 2 buổi học trước.
Ở buổi thứ 3 này, các ba mẹ được làm quen với một khái niệm mới có tên “Hệ quả logic”. “Hệ quả” là những điều xảy ra tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn, ví dụ như con sờ vào nước nóng con sẽ bị bỏng, con chạy trên nền nhà đang ướt con sẽ bị ngã. Trong khi đó, “hệ quả logic” là những tình huống được tạo ra bởi người lớn, từ đó con hiểu được bài học về hệ quả và trách nhiệm của bản thân với những hành vi của mình.
Một hoạt động không thể thiếu trong mỗi buổi học mà các Phụ huynh đều rất thích thú là trực tiếp đóng vai trong một tình huống cụ thể. “Mặc dù đã được ba mẹ nhắc nhở nhiều lần rằng quần áo bẩn sau khi tắm cần để vào chậu nhưng Long 8 tuổi vẫn không làm theo. Nếu là ba mẹ của Long, trong trường hợp này chúng ta sẽ làm gì?” Bằng giải pháp cụ thể, thầy Lê Văn Hảo đã hướng dẫn các ba mẹ cách áp dụng Hệ quả logic trong trường hợp này. “Nếu như yêu cầu, nhắc nhở, đặt nội quy đều không có tác dụng, chúng ta có thể tạo ra 1 thỏa thuận với con: <Từ hôm nay mẹ quyết định sẽ chỉ giặt quần áo trong chậu>. Khi đó nếu con tiếp tục để quần áo ở ngoài chậu, con sẽ lại phải mặc lại quần áo bẩn hoặc không có quần áo để mặc, con sẽ hiểu được hệ quả cho hành động của mình”.
Thầy Lê Văn Hảo cũng nhấn mạnh 03 nguyên tắc khi áp dụng Hệ quả logic, đó là Nguyên tắc Liên quan, Nguyên tắc Tôn trọng và Nguyên tắc Hợp lý (3R – Related, Respectful, Reasonable). Điều ba mẹ thỏa thuận với con cần phải liên quan trực tiếp tới hành động của con vào thời điểm đó, ngược lại nếu đưa ra những yêu cầu không liên quan, ví dụ như vì con xem điện thoại quá thời gian cho phép nên con không được đi sinh nhật bạn, điều đó sẽ trở thành trừng phạt con. Cách ba mẹ trao đổi với con cũng phải thể hiện sự tôn trọng con, để con hiểu rõ thỏa thuận ba mẹ đưa ra dựa trên 1 nguyên tắc hợp lý chứ không phải những cảm xúc cá nhân và nhất thời.
Một điều thầy Lê Văn Hảo luôn dặn dò ba mẹ trong hành trình làm cha mẹ tích cực, đó là mối quan hệ với con chính là chiếc chìa khóa quan trọng nhất. Trẻ ko chịu ảnh hưởng bởi những người mình không thích và không có kết nối. Trừng phạt trẻ chỉ càng tạo ra khoảng cách với trẻ, khiến cho trẻ có tâm lý phòng thủ, không muốn lắng nghe. Do đó điểm mấu chốt vẫn luôn là giữ một thái độ điềm đạm, dịu dàng với con để có những cách giao tiếp và ứng xử phù hợp.