Đồng hành cùng Học sinh không chỉ là việc dạy, trao truyền kiến thức mà đối với mỗi giáo viên còn là sự thấu hiểu, quan tâm và sẻ chia, nhất là vào thời điểm các em đang bước vào độ tuổi “ẩm ương”. Một trong những câu hỏi mà tôi và các đồng nghiệp thường xuyên nói với nhau nhiều nhất đó là “Đối mặt như thế nào với những thay đổi của các em khi dậy thì?”
Cùng lứa tuổi “ẩm ương” bước qua giai đoạn dậy thì dễ dàng
Bước sang Cấp 2, học sinh có nhiều tò mò hơn về bản thân, về giới tính, có những thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ nằm lửng lơ giữa giai đoạn trưởng thành và trẻ con rất khó nắm bắt. Và để tháo gỡ những trăn trở của các thầy cô, The Dewey Schools Cầu Giấy đã tổ chức buổi đào tạo với chủ đề “Thấu hiểu để đồng hành cùng Học sinh THCS”.
Xem thêm:
- Phương pháp giáo dục giới tính cho bé gái theo từng độ tuổi
- 10 cách dạy con trai tuổi dậy thì mà cha mẹ cần biết
- Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và cách ứng phó kịp thời
Đặc điểm tâm sinh lý của tuổi dậy thì có gì nổi bật?
Đến với buổi đào tạo, chúng tôi cùng nhau chia sẻ, thảo luận và đưa ra những ý tưởng của mình dưới sự hướng dẫn của cô Bùi Kim Ngọc – Chuyên viên Tâm lý và từ đó có hiểu biết sâu sắc hơn về tuổi dậy thì trên khía cạnh sinh lý học thần kinh. Có thể nhiều người chưa biết: bộ não tuổi teen chỉ mới phát triển được 80% so với tuổi trưởng thành; 20% còn lại chưa phát triển hoàn thiện với mạng lưới dây thần kinh mỏng nhất và chính là yếu tố cốt yếu, phải mất nhiều thời gian để hoàn thành. Điều này giải thích lý do vì sao trẻ ở tuổi vị thành niên cư xử theo những cách khó hiểu, tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu kỉnh, bốc đồng và bùng nổ hoặc dễ bị cám dỗ sử dụng các chất kích thích và tham gia vào các hành động rủi ro, nguy hiểm…
Bên cạnh đó cô Kim Ngọc còn chia sẻ thêm về đặc điểm khác của Học sinh THCS như tính độc lập; sự quan tâm đến hình ảnh cơ thể, các mối quan hệ với bạn bè và sự thay đổi về nhận thức. Bên cạnh đó, một số vấn đề mà Học sinh THCS thường gặp phải đó là:
- Rối loạn cảm xúc
- Stress và trầm cảm
- Rối loạn tâm lý – hành vi
- Rối loạn ăn uống
- Lạm dụng chất kích thích
Những điều này giúp thầy cô dễ dàng nhận biết dấu hiệu khủng hoảng của Học sinh và tìm ra vấn đề mà các em đang gặp phải. Bởi vì thấu hiểu được những gì các bạn đang trải qua sẽ là bước đầu tiên để thầy cô kịp thời hỗ trợ về mặt tâm lý của các em.
Vậy biết được vấn đề thì thầy, cô cần làm như thế nào để có thể đồng hành cùng các bạn giải quyết vấn đề?
Tham khảo: Giáo dục tâm lý học sinh tiểu học: Vai trò và cách thực hiện
Quy trình giao tiếp hiệu quả với học sinh
Tại The Dewey Schools, giáo viên luôn chú trọng vào phương pháp giao tiếp hiệu quả với học sinh nhằm giúp các em vượt qua giai đoạn dậy thì một cách dễ dàng:
Bước 1: Giáo viên cần phải quan sát mà không diễn dịch
Điều này có nghĩa là Giáo viên quan sát và nói ra những điều mình thấy mà không gán thêm suy nghĩ, diễn dịch và những từ ngữ mang tính khái quát vào câu nói của mình. Việc nói ra những quan sát của mình một cách khách quan giúp Học sinh không có cảm giác đang bị thầy cô “chụp mũ” bởi hành vi của mình, mà mở lòng chia sẻ hơn.
Bước 2: Cần đặt ra các quy định và giới hạn hợp lý
Điều này cần có sự tham gia của Học sinh để tất cả các thành viên trong lớp đều biết rõ các luật lệ và các giới hạn. Một điều cũng vô cùng cần thiết để giao tiếp hiệu quả là thầy cô hãy ghi nhận cảm xúc/ cảm giác của Học sinh. Điều này cực kì quan trọng và hữu ích bởi các bạn sẽ cảm thấy thầy cô đang lắng nghe, đang quan tâm và đang hiểu những gì các bạn chia sẻ. Đồng thời các thầy cô cần lắng nghe một cách chú tâm để có thể hiểu được nhu cầu ẩn phía sau của các em, từ đó đưa ra những phản hồi tích cực.
Bước 3: Cùng học sinh tìm ra giải pháp
Một lưu ý từ cô Kim Ngọc chia sẻ khiến tôi vô cùng tâm đắc là đừng rơi vào “bẫy” trong cuộc chiến quyền lực với Học sinh mà hãy đề nghị các bạn cùng tìm kiếm giải pháp và đánh giá từng ý kiến để chọn ra giải pháp tối ưu nhất để cùng thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Đây chính là “chìa khóa” trao quyền cho Học sinh để các bạn trực tiếp tham gia vào quá trình tháo gỡ vấn đề.
Với những cô cậu học trò tuổi teen, thầy cô hãy chủ động kết nối và trở thành người mà các em có thể tin cậy và trao đổi được. Cùng “món quà” quý giá nhất là lắng nghe và phản hồi tích cực, chúng tôi tin rằng Giáo viên hoàn toàn có thể thấu hiểu và đồng hành cùng Học sinh. Cảm ơn Dewey và cô Kim Ngọc đã chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm vô cùng bổ ích, để chúng ta cùng nhau tạo nên môi trường học tập tích cực và hạnh phúc cho tất cả các em trong những năm tháng thiếu niên – giai đoạn tươi đẹp nhất trong cuộc đời.
Bài viết được thực hiện bởi cô Nguyễn Thị Thảo (Giáo viên Văn Tiếng Việt cấp THCS)