“Các con có nghĩ rằng những gì chúng ta đăng tải trên mạng hằng ngày có thể gây ảnh hưởng tới tương lai của mình không?” Câu hỏi mở đầu buổi học của thầy Trịnh Gia Hiển – giáo viên Tin học Tiếng Anh tại The Dewey Schools đã khơi gợi sự tò mò của TDSers. Với chủ đề “sức mạnh của dấu chân kỹ thuật số”, các bạn học sinh lớp 7Brussels và 6Lyon đã có một tiết học sôi nổi và thú vị về nội dung này.
Thông qua những ví dụ trực quan và sinh động, TDSers nắm được khái niệm và 02 dạng thức chính của dấu chân kỹ thuật số. Theo đó, dấu chân số chủ động là những dấu vết do người dùng tự tạo ra trong quá trình sử dụng internet như gửi email, cập nhật trạng thái trên mạng xã hội, … Ngược lại, dấu chân số thụ động là những thông tin bị thu thập mà người dùng không chủ động tạo ra hoặc thậm chí không hề hay biết, bao gồm lịch sử tìm kiếm trang web, dữ liệu xem quảng cáo hay thông tin thu thập qua Cookies.
“Một từ khóa tìm kiếm trên Google, một bình luận trên Facebook hay chỉ đơn giản là một lượt xem video trên YouTube – tất cả những hoạt động này đều để lại dấu chân kỹ thuật số trên không gian mạng. Thuộc tính “không thể lãng quên” của dấu chân số có thể là “con dao 2 lưỡi” với người dùng.” – Thầy Gia Hiển chia sẻ.
Tại buổi học, TDSers cùng nhau tranh luận về lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của dấu chân kỹ thuật số. Một số bạn cho rằng, những thông tin người dùng cung cấp trên internet là nguồn dữ liệu quý giá, giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị hiếu khách hàng và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đối với lực lượng chức năng, dấu chân số có thể trở thành manh mối quan trọng trong việc truy vết tội phạm. Tuy nhiên, cũng có bạn bày tỏ quan điểm, việc chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng có thể khiến chúng ta trở thành mục tiêu của kẻ xấu, dẫn đến nguy cơ lừa đảo, tống tiền hay đánh cắp danh tính.
“Con thấy tiết học này vô cùng thú vị và bổ ích! Qua phần minigame và giải quyết những tình huống thực tế do thầy đặt ra, giúp chúng con dễ dàng hình dung về tầm quan trọng của việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh của bản thân trên mạng, tạo ra những “dấu chân số” tích cực cũng như bảo mật thông tin cá nhân của mình.” – Na Youseol (7Brussels) hào hứng chia sẻ.
“So với thế hệ 8x, 9x, các bạn trẻ thế hệ Alpha tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm và sử dụng Internet, mạng xã hội với tần suất cao hơn nhiều. Khi nhận thức được rằng mọi hoạt động trên nền tảng số đều để lại dấu vết, các em sẽ học cách sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm hơn.” – Thầy Gia Hiển nhấn mạnh.
Thông qua chương trình giảng dạy về Công dân kỹ thuật số, The Dewey Schools không chỉ trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo, an toàn và có trách nhiệm, mà còn là hành trang vững chắc, giúp các em tự tin bước vào tương lai số hóa với tư duy của những công dân toàn cầu.